Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Biểu tình ủng hộ “tính trung lập Internet” ở New Delhi ngày 16-4 do Liên đoàn Sinh viên Ấn Độ tổ chức - Ảnh: AFP
Ông chủ trẻ Mark Zuckerberg - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook - đã phải “đăng đàn” hôm 17-4 để bảo vệ cho dự án mang tên Internet.org của mình, sau khi nhiều đối tác tại Ấn Độ tuyên bố rút lui giữa tuần qua.
Theo CNN, những người chỉ trích cho rằng Internet.org đi ngược với nguyên tắc “tính trung lập của Internet”, trong khi ông chủ Facebook tin rằng cả hai “có thể cùng tồn tại”.
Dễ bất bình đẳng
Internet.org là sáng kiến do Facebook khởi xướng và “làm chủ xị” từ tháng 8-2013, nhằm giúp người dân ở những nơi chưa có kết nối Internet có thể truy cập miễn phí các dịch vụ trực tuyến cơ bản về việc làm, sức khỏe, giáo dục, nhắn tin và dĩ nhiên mạng xã hội Facebook, thông qua ứng dụng cùng tên.
Theo The Guardian, tại mỗi quốc gia chương trình chọn triển khai, Facebook hợp tác với chính phủ nước sở tại và các nhà mạng địa phương để quyết định xem người dân ở đó có thể truy cập vào trang web hay sử dụng dịch vụ nào miễn phí thông qua Internet.org.
Chính nguyên tắc hoạt động miễn phí này, hay còn gọi là zero rating (không cước phí), đã bị nhiều công ty Ấn Độ, gồm cả đại gia truyền thông The Times Group - chủ quản của nhiều tờ báo Ấn như nhật báo Times of India - quyết định rút lui khỏi dự án cùng những chỉ trích gay gắt dành cho Facebook.
Internet.org hiện có mặt tại Zambia, Tanzania, Kenya, Colombia, Ghana, Ấn Độ, Philippines, Guatemala, và mới nhất là Indonesia (hôm 17-4). Internet.org đã giúp hơn 800 triệu người tại chín quốc gia đến với Internet - theo Mark Zuckerberg.
Nhóm này, vốn đã đồng ý tham gia Internet.org trước đây, nay cáo buộc Facebook đang đi ngược với nguyên tắc “trung lập Internet” - nguyên tắc theo đó các nhà cung cấp dịch vụ Internet và chính phủ phải đối xử với tất cả các loại dữ liệu trên mạng bình đẳng, không phân biệt theo người dùng, nội dung, trang web hay nền tảng.
“Điều này có nghĩa nhà mạng không được làm chậm đường truyền truy cập vào blog của một học sinh trung học để nhường đường cho các nhà quảng cáo vốn chi nhiều tiền hơn” - trang web của Nhà Trắng giải thích nhân dịp Ủy ban truyền thông Mỹ (FCC) chính thức thông qua luật trung lập Internet hôm 26-2.
Theo BBC, nhóm phản đối, dưới danh nghĩa liên minh “Save the Internet” (Hãy cứu lấy Internet), cho rằng việc “biếu không” các dịch vụ trên mạng sẽ gây bất lợi cho các công ty không tham gia Internet.org.
Dù cung cấp cùng loại dịch vụ, các công ty không được chọn tham gia Internet.org sẽ không thể tiếp cận được với một lượng lớn người dùng. Các công ty này cũng không được lựa chọn nhóm người dùng mình muốn tiếp cận, điều giờ đây nằm trong tay của chính phủ và các nhà mạng.
Mặt khác, theo nhóm phản đối, những người dùng Internet miễn phí nhờ vào Internet.org cũng chưa hẳn được lợi, bởi họ chỉ có thể truy cập một số lượng nhất định các dịch vụ, thay vì thế giới Internet bao la. “Sáng kiến của Zuckerberg rốt cuộc chỉ nhằm khiến hàng trăm triệu người tại các thị trường mới nổi lầm tưởng Facebook và Internet chính là một” - BBC trích thông cáo của liên minh “Cứu lấy Internet”.
Còn trang mạng WIRED cho rằng Internet.org đã tạo ra một “Internet cho người nghèo”, kèm theo đó là tâm lý “Internet sẽ luôn là miễn phí”, điều mà nhà đầu tư mạo hiểm Fred Wilson cho rằng sẽ rất có hại. “Sẽ sớm đến ngày một công ty khởi nghiệp buộc phải cung cấp dịch vụ miễn phí bởi người dùng các ứng dụng di động đã được “tập” chỉ dùng ứng dụng được biếu không” - WIRED dẫn lời ông Wilson.
“Có còn hơn không”
Trên trang cá nhân, ông chủ Zuckerberg của Facebook cũng thừa nhận không thể biến Internet thành miễn phí hoàn toàn bởi khi đó các công ty vốn đã chi hàng chục tỉ USD để duy trì nó sẽ phá sản.
Đáp lại chỉ trích về việc người dùng Internet.org chỉ có thể tiếp cận một số dịch vụ, Zuckerberg cho rằng “thà có còn hơn không”. “Nếu ai đó không có đủ tiền để kết nối Internet, giúp họ tiếp cận vài dịch vụ dù sao cũng tốt hơn là không có gì” - Zuckerberg viết.
Cha đẻ Internet.org cũng phản biện rằng ứng dụng của anh không ngăn chặn bất kỳ dịch vụ nào cũng như ưu ái dịch vụ của các đối tác. Zuckerberg không chọn dịch vụ nào được tham gia Internet.org mà quyết định đó thuộc về các chính phủ và các nhà mạng tại từng quốc gia. “Chúng tôi luôn chào đón mọi nhà mạng và sẽ không bao giờ ngăn cản bất kỳ ai tham gia” - anh viết.
Zuckerberg cho rằng không nên nhân danh “tính trung lập Internet” để ngăn những người thiệt thòi trong xã hội tiếp cận Internet hay tước đi các cơ hội của họ. “Loại bỏ các chương trình giúp nhiều người có thể lên mạng hơn đã không giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số mà chỉ khiến chúng ta rời xa ý tưởng giúp 2/3 thế giới hiện vẫn chưa được kết nối”.
TRƯỜNG SƠN
Nguyên tắc trung lập Internet không mâu thuẫn với việc làm cho nhiều người có thể kết nối Internet hơn - “kết nối cho tất cả” và “trung lập Internet” có thể cùng tồn tại và cần phải như thế.- Mark Zuckerberg