Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bác sĩ chia sẻ những kiến thức về suy thận mạn
Theo số liệu thống kê chưa chính xác, hiện ở Việt Nam có khoảng 6 triệu người bị bệnh thận mạn chiếm 6,73% dân số. Trong đó, có khoảng 800.000 bệnh nhân ở tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế nhưng chỉ có 10% bệnh nhân được điều trị lọc máu. Trên thực tế, tỉ lệ này có thể cao hơn và ngày càng gia tăng.
Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên – Bệnh viện Bình Dân TPHCM, bệnh suy thận mạn là bệnh tiến triển âm thầm và qua nhiều năm tháng. Ở giai đoạn sớm, bệnh không có triệu chứng nổi bật, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận mới có triệu chứng. Suy thận mạn do đó dần trở thành gánh nặng trong nhiều gia đình và xã hội.
Suy thận mạn gây ra tình trạng thiếu máu ở người bệnh. Suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều. Thiếu máu là triệu chứng gần như đi đôi với suy thận, đặc biệt suy thận giai đoạn cuối. Thiếu máu kết hợp một cách độc lập với sự phát triển của dày thất trái. Hiện diện có đến 74% ở các bệnh nhân bắt đầu điều trị thay thế thận.
Có nhiều yếu tố gây thiếu máu trong suy thận mạn, trong đó chủ yếu là do giảm sản xuất Erythropoentin (EPO) – chất kích thích sản sinh hồng cầu của cơ thể. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: thiếu sắt, mất máu trong quá trình lọc máu; đời sống hồng cầu bị ngắn lại do tác động của bệnh suy thận mạn; ức chế tủy xương do độc tố ure, thiếu vitamin B12 và acidfolic...
Bác sĩ Vũ Lê Chuyên chia sẻ: “Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân suy thận mạn đều không biết mình đang bị thiếu máu. Vì thiếu máu tiến triển từ từ khiến bệnh nhân thích ứng được tình trạng thiếu máu này. Đây là một trong những nguyên nhân làm bệnh tiến triển nặng hơn, tăng tỉ lệ nhập viện do suy tim, đột quỵ và tử vong. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị thiếu máu sớm ở bệnh nhân suy thận là một trong những vấn đề cần được quan tâm và là mục tiêu hàng đầu của các thầy thuốc”.
Điều trị thiếu máu là một trong các mục tiêu quan trọng nhằm điều trị bảo tồn suy thận mạn, kéo dài thời gian chờ thận nhân tạo, giảm tỉ lệ tử vong và biến chứng tim mạch, giảm tần suất nhập viện, làm chậm tiến triển suy thận mạn, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Hội thảo tìm hiểu về thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn là dịp giao lưu, trao đổi với bác sĩ để người dân có thể hiểu rõ hơn về các nguyên nhân, biểu hiện cũng như các nguyên tắc điều trị tình trạng thiếu máu do suy thận mạn. Từ đó giúp người dân nâng cao kiến thức cũng như hiểu biết rõ hơn về tình trạng bệnh của bản thân và có thể chủ động theo dõi tình trạng bệnh, làm chậm tiến triển suy thận và cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống. n thức về suy thận mạn.