Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vụ "tảng đá bán quý nặng 30 tấn": Phải xác định giá trị mới áp mức xử phạt thỏa đáng

(08:20:16 AM 15/04/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 15.4, ông Nguyễn Đức Luyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết UBND tỉnh đang xem xét hồ sơ của Công an tỉnh đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Chí Thanh và ông Trương Quốc Hảo (cùng trú xã Đắk Gằn, H.Đắk Mil, Đắk Nông) mỗi người 550 triệu đồng về hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

 Vụ "tảng đá bán quý nặng 30 tấn": Phải xác định giá trị mới áp mức xử phạt thỏa đáng

Vụ 'tảng đá bán quý nặng 30 tấn': Phải xác định giá trị mới áp mức xử phạt thỏa đángTảng đá khoảng 27 tấn được tạm giữ tại Công an tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Nguyên Bình

 

Như đã thông tin, giữa tháng 2, tại H.Đắk Mil (Đắk Nông) Công an tỉnh bắt vụ vận chuyển tảng đá được xác định là canxedon (loại đá bán quý) nặng gần 30 tấn. Sau thời gian điều tra, công an đề xuất UBND tỉnh tịch thu tảng đá, đưa vào Bảo tàng tỉnh Đắk Nông; xử lý hành chính những người tham gia khai thác, vận chuyển đá.

 

Chiều 14.4, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết chưa nhận được thông tin về việc đề xuất xử phạt nói trên. Theo ông Thanh, tảng đá được phát hiện ngay trong đất vườn của gia đình khi ông đào ao lấy nước tưới cà phê. Khi thấy tảng đá ngày 10.2, ông báo cho ông Hảo đến mua. Ông Hảo đưa trước 60 triệu đồng và thuê máy đào với thỏa thuận nếu bán được giá sẽ chia thêm cho ông Thanh. “Sau khi tảng đá bị bắt giữ, công an có mời tôi làm việc, tôi cũng khai khi đào ao lấy nước gặp tảng đá trong vườn nhà mình”, ông Thanh nói.

 

Xung quanh việc xử lý tảng đá trên, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng phải có biên bản giám định tảng đá của cơ quan hoặc hội đồng có thẩm quyền chuyên môn cao về khoáng sản, xác định tảng đá bị tạm giữ là đá quý, bán quý hay đá thông thường mới có căn cứ ra quyết định xử lý phù hợp. Trong trường hợp không có giám định của cơ quan có thẩm quyền, việc tranh cãi có thể xảy ra vì người bị xử phạt không chấp nhận khi cho rằng đó là đá thông thường.

 

“Theo tôi, các cơ quan quản lý cấp tỉnh không thể giám định chính xác loại đá, mà cần có chuyên gia của Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Viện Vật lý địa cầu, ĐH Mỏ - Địa chất mới có thể cho biết tảng đá bị tạm giữ thuộc loại đá gì”, ông Tòng nhấn mạnh.

 

Theo luật sư Tòng, nếu tảng đá là đá bán quý và việc khai thác diễn ra ngoài tự nhiên, có chủ ý thì việc xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. “Trong trường hợp này, nếu chủ vườn không có chủ ý khai thác đá vì lợi nhuận mà trước hết do mục đích đào ao lấy nước thì ngẫu nhiên gặp đá, hành vi khai thác đá dù là đá bán quý là ngay tình, chủ vườn không bị xử lý”, luật sư Tòng nói.

 

Về mức tiền xử phạt, luật sư Tòng cho biết đối với khoáng sản trái phép được tính dựa trên giá thị trường của tang vật nhân lên 2 lần. Đá bán quý có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg; tảng đá gần 30 tấn, sau khi bóc lớp phong hóa ước còn khoảng 20 tấn. Nếu lấy mức giá thấp nhất là 25.000 đồng/kg thì tảng đá có giá khoảng 500 triệu đồng; vậy mức xử phạt nhân lên 2 lần sẽ khoảng 1 tỉ đồng.

 

Trung Chuyên - Ngọc Anh/TNO