Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Du khách tại tấm bia “Ải Chi Lăng”, nơi đã chứng kiến những trận thắng oanh liệt của tiền nhân chống giặc xâm lược phương Bắc - Ảnh: N.T.H.
Ải Chi Lăng, một địa danh đặc biệt mà bất cứ du khách nào khi đến huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng mong một lần ghé thăm để chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ cùng những di tích đã gắn liền với những chiến công hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Thế nhưng hàng chục năm nay, hầu hết các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, tài xế đều đưa khách ghé lại ải quan mới tọa lạc hai bên quốc lộ 1A xuyên qua khu vực dân cư, đồng ruộng.
Ải Chi Lăng là lũy ải?
Một phần do di tích có cấu trúc tựa cửa ải, phần khác họ cả tin vào tấm bia đá ghi rõ Ải Chi Lăng rành rành trên vách lũy. Dù ải Chi Lăng là tên chung của cả một quần thể gồm ải quan, thành lũy, những hiểm địa do thiên nhiên tạo thành...
Tuy nhiên, công trình vốn là lũy ải (chiến lũy hình thang) được đắp trước thế kỷ XV nhằm án ngữ khu vực bãi lầy, nay được cắt ra một đoạn để ngành giao thông mở đường mới vào những năm 2000, được ngành văn hóa địa phương gắn biển Ải Chi Lăng là không xác đáng.
Hẳn là không ít du khách cảm thấy hụt hẫng, thất vọng khi vết tích, địa thế từng được người xưa tả lại: “Hàng nghìn ngọn núi la liệt, hàng nghìn khe suối quanh vòng, khí núi độc, đường đất hiểm trở, đi lại khó khăn...”.
Hay Phạm Sư Mạnh, nhà chính trị đời Trần, đã cảm thán: “Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề” (tạm dịch: ải Chi Lăng hiểm trở tựa lên trời) lại đơn giản và hình dạng chẳng khác như bờ đê sông Hồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ải Chi Lăng năm xưa dài 20km tính từ cầu Quan Âm (thị trấn Chi Lăng) đến đền Hổ Lai (xã Mai Sao) giữa hai dãy núi, một bên là dãy núi đá vôi Kai Kinh hay còn gọi Bảo Đài và một bên dãy núi đất Thái Họa.
Trong thung lũng còn nổi lên nhiều ngọn núi đá vôi nằm rải rác, đặc biệt nằm sừng sững về phía bắc là dãy núi Quỷ gồm bảy ngọn đối mặt núi Mặt Quỷ trong dãy Kai Kinh đã khép chặt vào trong con đường độc đạo và dòng sông Thương chảy ngoằn ngoèo nên gọi là Quỷ Môn Quan.
Ngày xưa, khi quân giặc tiến vào ải Chi Lăng, đến đâu cũng là rừng rậm, bãi lầy, sông sâu nên buộc phải qua Quỷ Môn Quan và bị quân ta mai phục hai bên núi dùng đạn đá, cung tên, mũi giáo tiêu diệt rất nhiều, đến nỗi có câu: Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan.
Quỷ Môn Quan - cửa ải quan trọng bậc nhất và là một địa danh nổi tiếng tại ải Chi Lăng - Ảnh: Trần Thế Dũng
Trả lại tên cho di tích
Xa xa về phía nam, cách 4km là thành lũy núi Ngõ Thề đã cùng Quỷ Môn Quan tạo nên một vùng hiểm địa với địa thế hình bầu dục, khép chặt ở hai đầu và phình ra ở giữa.
Theo sử sách, nơi đây nhiều lần dân tộc Việt đã đối mặt với quân thù: năm 981 Lê Hoàn ghi đậm chiến công khi phá quân Tống giết chết tướng cầm đầu.
Năm 1077 thời nhà Lý, phò mã Thân Cảnh Phúc đã lãnh đạo nhân dân Chi Lăng đánh tan quân Tống lần thứ hai do Quách Quỳ cầm đầu, nhờ vậy đất nước thái bình được nhiều năm.
Năm 1285, chính Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã mai phục quân lính ẩn dưới hầm bẫy, dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, nhằm tách giặc Nguyên Mông ra khỏi ngựa mà tiêu diệt. Năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn đã phá tan ý đồ thôn tính của nhà Minh khi giết Liễu Thăng.
Qua thế kỷ 18, dưới thời Hoàng đế Quang Trung, ải Chi Lăng một lần nữa vang danh khi gây cho tướng giặc nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải kinh hoàng bạt vía.
Dù cho vật đổi sao dời, nhưng tình cảm của người dân nơi đây đối với ải quan xưa vẫn sâu đậm, vẫn ngày ngày chăm sóc, giữ gìn di tích và hương khói miếu thờ bên góc thành tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ Quỷ Môn Quan.
Cách đó không xa là đền Quỷ Môn Quan thờ các vị tướng trấn giữ qua bao đời nay nằm thâm nghiêm bên dòng sông Thương quanh năm xanh biếc, những chiến lũy đắp đất độc nhất vô nhị, núi Mặt Quỷ, Ngõ Thề trầm mặc như là chứng tích lịch sử oai hùng.
Tất cả di tích đều tọa lạc trên đường cái quan xưa (đoạn quốc lộ 1A cũ bị cắt bỏ khi thi công đường mới) do khuất nẻo nên ít người biết tới, ngoại trừ núi Mã Yên - nơi An Viễn Hầu Liễu Thăng bị quân ta đâm chết sau khi cố chạy thoát thân và sa lầy, nay nằm kề quốc lộ 1A nên thỉnh thoảng khách dừng chân chiêm ngưỡng.
Đã đến lúc ngành văn hóa và du lịch địa phương cần định danh lại di tích cho đúng tính lịch sử, không đặt tên chung chung làm giảm giá trị di tích và khiến du khách hiểu nhầm hoặc suy nghĩ lệch lạc như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Hơn nữa, nên dựng những bảng đá giới thiệu di tích giúp khách phương xa hiểu biết thêm về ý nghĩa to lớn của ải Chi Lăng.
Tại những ngã ba giao nhau giữa quốc lộ 1 và đường cái quan cũ, như Than Muội ở phía bắc hay lũy Ngõ Thề về phía nam, nhất thiết phải có bảng chỉ dẫn đường nhằm giúp du khách đến được đúng nơi thăm viếng, cảm nhận được lòng quả cảm của dân tộc Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Việc đặt biển tại lũy ải (đoạn quốc lộ mới đi qua) khiến du khách hiểu nhầm đây là cửa ải Chi Lăng - Ảnh: Trần Thế Dũng
* GS.TSKH sử học VŨ MINH GIANG (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Không được tùy tiện di dời biển di tích
Tôi chưa nghe phản ảnh trực tiếp, nhưng nếu tấm biển Ải Chi Lăng lại được gắn cho một đoạn lũy ải là chuyện không thể chấp nhận được, bởi biển chỉ di tích không thể tùy tiện dời đi chỗ khác.
Các nhà khoa học đã mất nhiều công sức nghiên cứu, đối chiếu với sử sách để xác minh được địa danh ải Chi Lăng như ngày nay. Điểm sai của việc đề biển Ải Chi Lăng ở cạnh con đường 1A là lấy một địa danh cụ thể trong một quần thể di tích để chỉ cả quần thể di tích.
Trong một quần thể di tích, có những địa danh cụ thể nào thì phải ghi biển cụ thể tên địa danh đó, nó có thể là những địa danh nằm trong quần thể di tích ải Chi Lăng. Và phải có những biển chỉ dẫn đi về hướng nào, tới đâu, bao xa, đến địa điểm nào... để hướng dẫn cụ thể cho du khách.
* Ông HOÀNG VĂN PÁO (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch tỉnh Lạng Sơn):
Tiếp thu ý kiến và sẽ có biển báo hướng dẫn chi tiết
Quả thật, ải Chi Lăng phải bao gồm toàn bộ lòng chảo Chi Lăng dài hơn 20km chứ không phải chỉ là một cửa lũy có đường quốc lộ 1A chạy qua (nơi có đề biển Ải Chi Lăng).
Trước đây, khi chưa có quốc lộ 1A, chúng tôi vẫn đề biển Ải Chi Lăng ở đường cũ, nhưng sau khi làm đường mới đã chuyển tấm biển đó về cửa lũy có đường mới chạy qua. Việc gắn biển ở đây chỉ là tượng trưng thôi.
Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đóng góp, bởi đây là ý kiến rất hay và hữu ích. Ải Chi Lăng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và trải dài hơn 20km, nên cả một quần thể ải Chi Lăng phải có biển báo, biển chỉ dẫn, biển giải thích, biển tuyên truyền cụ thể để hướng dẫn du khách...
Lẽ ra ở khu lũy - nơi có đường quốc lộ 1A chạy qua - chỉ nên đề biển là lũy hoặc cửa lũy và phải gắn thêm biển chỉ dẫn cho du khách biết từng địa điểm cụ thể ở ải Chi Lăng như sông Thương, Quỷ Môn Quan...
Để du khách hiểu được toàn bộ ý nghĩa lịch sử của ải Chi Lăng, chúng tôi cần phải làm một hệ thống bảng, biển chỉ dẫn, giải thích...cụ thể và chi tiết hơn. Chúng tôi sẽ có phương án điều chỉnh hệ thống bảng, biển ở ải Chi Lăng trong thời gian sớm nhất.