Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một góc trại xương rồng của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường với đủ giống loài và kiểu dáng lạ mắt.
Chơi xương rồng cần có lòng đam mê
Ngày nay, thú chơi xương rồng và cây mọng nước đã trở thành một loại cây cảnh khá phổ biến tại Việt Nam, với hàng ngàn giống loài khác nhau, có lẽ chỉ xếp sau thú chơi bonsai. Những loại xương rồng được trồng nhiều như xương rồng bát tiên, xương rồng lê gai, xương rồng sao biển xanh, kim hổ... Trung bình, một cây xương rồng sống rất lâu, tới hơn 300 năm, và cũng có loài chỉ sống dưới 20 năm còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khả năng chăm sóc. Loài xương rồng Saguaro (Carnegie a gigantea) có thể cao tới 15m (kỉ lục đo được là 17m67, trong khi đó 10 năm đầu nó chỉ cao 10 cm. Xương rồng Kim Hổ, có thể sống từ 50-60 năm, trồng 10 năm mới ra hoa,… những loài này có giá trị rất cao. Nhưng để trồng được một chậu xương rồng to khỏe đẹp, lạ, độc đáo thì cần lòng đam mê và chăm sóc cần cù chu đáo.
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường cằm trên tay cây xương rồng con vừa được nhân giống cho vào chậu.
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường hơn 60 tuổi, ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) người có hơn 30 năm chơi xương rồng cho biết: “Hồi xưa nhà nghèo, không có tiền phải ăn cơm độn, nhưng vì lòng đam mê chơi xương rồng nên đã theo đuổi đến tận bây giờ. Xương rồng trồng rất chậm lớn, nên người chơi phải chăm sóc thường xuyên để cây phát triển ổn định”.
Đến nay, số lượng xương rồng của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường đã lên đến hơn 1000 loài. Trong đó có 700 loài giống thuần chủng, chiếm gần 1/3 tổng số loài xương rồng thuần chủng được phát hiện trên thế giới. Nhìn những cây xương rồng gai góc có trái như quả bóng, gai chỉa ra tua tủa đủ màu sắc, có cây sừng sững hiên ngang với nhiều gai, có cây lù xù trên đầu một lớp lông trắng mịn, có chậu xương rồng như bãi san hô,…đang phát triển tốt thì ta bắt gặp ánh mắt xa xăm, nụ cười trên khuôn mặt đầy hy vọng của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường.
Cũng là người hơn 30 năm theo nghề trồng xương rồng, “gia tài” của ông là hàng triệu cây xương rồng với hơn 1.000 chủng loại khác nhau. Đó là khu vườn trồng xương rồng của nghệ nhân Ngô Thọ Trường (biệt danh Năm Trường) nằm tại số 66 Nguyễn Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức - TPHCM, rộng gần 1 ha với hàng triệu cây đang đua nhau nở hoa, khoe sắc. Nghệ nhân Năm Trường tuổi đã gần 80 nhưng trông rất rắn rỏi. Ông thong thả đi quanh vườn, thăm từng chậu xương rồng rồi tỉ mỉ bón phân, tưới nước trong sắc màu xanh, đỏ, vàng, cam... của những bông xương rồng đang khoe sắc.
Tại Hội Hoa Xuân TPHCM năm 1985, nghệ nhân Năm Trường đăng ký dự thi với nhiều tác phẩm xương rồng do chính ông trồng, nhân giống. Cũng tại Hội Hoa Xuân năm ấy, những cây xương rồng của ông đã đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 4 huy chương đồng và 10 giải khuyến khích.
Lý giải cho niềm đam mê xương rồng của mình, ông cho rằng: “Xương rồng là loài cây chịu được khô hạn. Cũng giống như con người, chúng biết vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên để sinh tồn”.
Với niềm đam mê ấy, mỗi năm, ông còn sưu tầm hàng triệu hạt giống để làm phong phú thêm vườn xương rồng của mình. Từ những giống xương rồng cũ, ông lai ghép với giống mới để cho ra những loài xương rồng hoa to, màu sắc đẹp hơn. Khu vườn của ông là nơi để nhiều người đam mê cây xương rồng đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
Nghệ nhân Năm Trường với những cây xương rồng được ông nhân giống.
Chăm sóc xương rồng như chính bản thân
Nghệ nhân Năm Trường nhớ lại: “Ban đầu khi ông đem 200 gốc xương rồng về trồng, nhiều người trong gia đình phản ứng vì cho rằng cái ăn còn chưa đủ, lại lo trồng cây cảnh. Ông lẳng lặng làm, bỏ ngoài tai những lời cằn nhằn. Để có tiền mua chậu, phân bón cho cây, tôi phải bán từng con heo đang nuôi trong chuồng”. Nhờ sự chăm sóc tận tình của ông mà chỉ một năm sau, 200 cây xương rồng đã ra hoa. Hàng xóm sang chơi, thấy đẹp liền hỏi mua. “Từ đó, tôi mới nảy sinh ý định nhân giống trồng để bán”- ông nói.
Phần lớn nhà ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh thì chu vi ngôi nhà rất hẹp, vì thế người chơi xương rồng thường trồng trên sân thượng, ban công nên rất khó chăm sóc. Vào mùa mưa, để xương rồng trực tiếp ngoài trời lâu ngày có thể bị mưa làm úng nước dễ dẫn đến thối và chết cây. Hay xương rồng phơi nắng trực tiếp quá lâu có thể bị hiện tượng "cháy da cây", thân bị nám vàng nâu hoặc đen. Nên xương rồng cần có mái che bằng nilon trong suốt hay kính râm chịu đựng trong khoảng nhiệt độ lớn, chừng 10°C - 50°C. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển vào khoảng 15°C - 28°C. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cây ngừng phát triển và suy yếu.
Mỗi năm phải thay đất, phải ngâm vào dung dịch tăng sức đề kháng mới cho vào giá thể đất mới. Có nhiều cây khi tưới nước không được tưới từ trên xuống, phải tưới dưới góc. Cần có tính kiên nhẫn để trồng được loài cây này, vì nó rất chậm lớn. Có giống một năm trời chỉ lên được 5cm.
Xương rồng nếu bị tổn thương, hay trầy xước sẽ không liền sẹo, và rất dễ bị vi trùng xâm nhập gây hại cho cây. Vì đặc tính này rất cẩn trọng, anh Cương (con trai nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường) cũng là người đam mê xương rồng chia sẻ: “Có lần thấy cây xương rồng to lớn đột nhiên bị ngã, tôi liền nhanh chóng chạy tới ngã người đưa lưng ra cản lại, lúc đó gai xương rồng đâm vào lưng làm chảy máu rất nhiều”. Anh cười rồi nói tiếp: “Gai xương rồng đâm người mình có thể lành, chứ nếu lỡ cây xương rồng đó mà ngã thì cây sẽ bầm dập, vết thương trên cây sẽ không mất đi, làm cây xấu đi và mất giá trị”.
Cũng như bao cây cảnh khác, người trồng xương rồng và cây mọng nước nói chung, ngoài việc chăm sóc cho cây tốt tươi, mà còn phải suy nghĩ làm sao cho cây không bị bệnh, giá thể (đất) phải hợp lý, chu kỳ bón phân, tưới nước tùy thuộc dinh dưỡng từng loài. Xương rồng bắt nguồn từ sa mạc nên chúng thích nghi tốt với môi trường khô hạn, vì vậy lượng nước tưới rất quan trọng trong quá trình chăm sóc xương rồng. Tưới nhiều cây dễ bị úng, nhưng để cây khô nước quá lâu cũng sẽ làm yếu cây. Nước tưới xương rồng là loại nước có độ PH trung bình như nước mưa hay nước máy. Lượng nước tưới vừa đủ cho nước ngấm tới rễ cây, khoảng 3/4 chậu trồng.
“Đa số nhiều người chưa biết ở một số loài xương rồng còn có chế độ ngủ đông, cây sẽ ngừng mọi hoạt động trao đổi chất, ra hoa, đâm chòi trong thời gian mùa đông giống như gấu vùng bắc cực” – chú Cường cho biết thêm.
Được biết những loại xương rồng bình thường thì rất dễ trồng, không tốn nhiều diện tích, chỉ cần một góc sân nhỏ hoặc sân thượng là trồng được. Người già, người trẻ đều có thể trồng và không tốn nhiều tiền như các loại bonsai, cây cảnh khác. Ngược lại, đối với các loại xương rồng mang từ các quốc gia khác về thì cực kỳ “khó tính” bởi yếu tố thời tiết. Người chơi chỉ sơ sót trong khâu tưới nước hay để bị mưa dầm hoặc khi nhiệt độ không phù hợp cũng sẽ làm cây chậm phát triển, vì thế cần phải thận trọng chăm sóc một cách khoa học qua bạn bè hay đọc sách, báo,internet hướng dẫn.
Tìm kiếm, sáng tạo những loài mới
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường cho biết, khoảng năm 1980, để có được một đoạn xương rồng giống là cực kì khó khăn, có khi phải xuống tận Cà Mau hay ngược ra các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận để tìm mua giống mới. Thậm chí là nhờ Kiều bào ở nước ngoài về nước mua giùm.Có khi giống cây quá đắt, anh cùng các người bạn chung tiền lại mua. Nhớ lại thời gian đó, chú Cường kể: “Khi đó có giống xương rồng thuộc họ Ortegocactus macdougallii (tiếng La-tinh) rất quý, có giá trị lên đến 5 chỉ vàng do 1 hội xương rồng chuyên nhập đủ mọi loại cây kiểng về bán, vì rất thích nên mấy anh em cùng góp tiền mua về. Sau đó mọi người đồng tình giao cho người có kinh nghiệm trồng xương rồng tốt nhất mang về nhà nuôi dưỡng. Vì giống cây quá quý, nếu lỡ cây có bị hư thì rất tiếc nên mới nghĩ ra ý tưởng chụp hình cây lại và đưa cho mỗi người một tấm để coi. Cho đến khi xương rồng đã lớn thì chiếc cây con ra cho mọi người cùng trồng”.
Vườn xương rồng của ông Cường đã và đang tiến hành thụ phấn, cấy ghép giữa các giống loài với nhau. Thành công bước đầu đã tạo ra nhiều giống cây con đột biến, có khả năng sống tốt, và kiểu dáng lạ mắt.Thời gian tới chú sẽ mở rộng thêm diện tích mái che có chỗ để những cây con vào chậu, từ đó có thể bảo tồn các nguồn gen xương rồng quý hiếm.
Anh Trương Hữu Quý nâng niu chăm sóc những cây xương rồng của mình.
Đang ở tuổi trung niên, là người thânthiết với nghệ nhân Nguyễn MạnhCường, anh Trương Hữu Quý ở xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) hiện đang quản lý 1 trang facebook Hội những người xương rồng, anh đang trồng xương rồng khoảng gần 1.000 chậu. Anh Quý chia sẽ: “Trong khi ở Phương Tây người ta làm trong phòng thí nghiệm nhầm nghiên cứu và ghi chép cách tạo ra giống cây mới. Còn ở Việt Nam thì làm hoàn toàn bằng thủ công và ngoài trời”. Cũng chính vì điều tưởng chừng như không thể này mà khi thấy những cây xương rồng của anh được đăng lên facebook, bạn bè quốc tế ai cũng ngạc nhiên và thán phục”.
Đối với anh Hữu Quý suy nghĩ làm sao tạo được dáng xương rồng đẹp, độc đáo, tạo được cây đột biến thay đổi màu sắc, hình dạng khác với cây giống là niềm đam mê miệt mài. Anh lên mạng tìm ảnh về xương rồng, rồi quan sát, theo dõi, phân biệt và xác định các loài xương rồng nhưng thật khó để nhớ hết tên các loài xương rồng. Anh tự tìm tòi nghiên cứu cách chăm sóc, nhân giống, lai ghép để tạo ra những cây mới, kiểu dáng độc đáo.Anh Quý còn cho biết thêm xương rồng được trồng phổ biến hiện nay như Gymno, Lobivia , Huernia ( sao biển) Mammillaria.
Nữ hoàng vùng sa mạc
Đóa hoa hồng tuyệt đẹp, mềm mượt mà kiêu hãnh khiến nhiều người phải để mắt chiêm ngưỡng.
Người ta nhắc đến xương rồng hay nghĩ đến hai chữ “sức mạnh” bởi vóc dáng gai góc, xù xì. Là loài cây chuyên sống ở những nơi khô cằn, nên hoa xương rồng rất khó nở nhằm hạn chế thất thoát hơi nước ở mức tối đa. Thế nhưng cũng vì đặc tính này mà những người yêu quý xương rồng lại càng muốn thưởng thức vẻ đẹp loài hoa với biệt danh “Nữ hoàng vùng sa mạc”. Loài hoa không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất. Những đóa hoa tuyệt đẹp, mềm mượt, óng ả với đủ sắc màu vẫn kiêu hãnh khiến nhiều người phải để mắt chiêm ngưỡng.
Anh Hữu Quý chia sẻ: “Xương rồng có hàng ngàn loại, thân và gai có thể giống nhau; nhưng hoa mỗi loài mỗi khác, người trồng cũng dựa vào đó mà phân biệt từng loại. Xương rồng ra hoa là niềm vui lớn và hãnh diện đối với người trồng, đó là kết quả của việc kỳ công sức chăm sóc. Hoa xương rồng rất chóng tàn, có hoa nở lâu nhất chỉ được 1 tuần”.
Xương rồng cho ta cái cảm giác sờ sợ, gai góc, chẳng dám động vào, còn những bông hoa lại tạo ra cho ta cái cảm giác cần phải nâng niu, yêu quý. Đã mấy ai bị gai xương rồng đâm, và cũng mấy ai dám nói rằng mình chạm vào xương rồng mà chưa 1 lần bị gai đâm vào tay. Cũng như chơi xương rồng thoát nhìn thấy đơn giản nhưng lại cũng lắm công phu, sâu thẳm trong tâm hồn người chơi xương rồng là một niềm đam mê vô tận.