Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hỏi: Dư luận đang lo âu về nguồn phóng xạ bị thất lạc ở tình BRVT đến nay vẫn chưa tìm ra. Xin TMT cho biết, cách nhận biết và ứng phó khi bị nhiễm phóng xạ? (Mai Anh, Châu Đức, Xuyên Mộc, Tỉnh BRVT)
Cục An toàn bức xạ hạt nhân Việt Nam đã tư vấn cụ thể về vấn đề này:
Các loại chiếu xạ có thể xảy ra do một sự cố là gì?
Chiếu xạ có thể là:
- Chiếu từ ngoài vào cơ thể, trong trường hợp này có thể chiếu vào toàn cơ thể hoặc giới hạn vào một phần lớn hoặc nhỏ của cơ thể, hoặc
- Chiếu trong do nhiễm các chất phóng xạ, bởi ăn uống, hít thở hoặc dính vào những chỗ trầy xước, vết thương.
Chiếu xạ có thể là cấp tính, liên tục kéo dài hoặc gián đoạn. Chiếu xạ có thể xảy ra độc lập, hoặc có thể kết hợp với các tổn thương khác, như chấn thương, bỏng nhiệt,...
Nhận biết các tổn thương bức xạ qua những biểu hiện lâm sàng của chúng:
- Sau khi bị chiếu xạ do tai nạn ở mức liều cao (high-level accidental exposure to radiation), các tổn thương tiến triển theo thời gian, theo các giai đoạn nhất định. Thời gian của từng giai đoạn xảy ra phụ thuộc vào liều bức xạ. Các liều thấp không gây ra các hiệu ứng có thể quan sát được.
- Một quá trình diễn biến điển hình sau khi bị chiếu xạ toàn thân từ một nguồn bức xạ xuyên thấu gồm giai đoạn tiền khởi với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi và có thể sốt kèm tiêu chảy, tiếp theo là một thời kỳ ủ bệnh với thời gian khác nhau, đặc trưng bởi các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, bệnh dạ dày và ruột. Các vấn đề trong thời kỳ này là do sự thiếu các tế bào máu, và nếu liều bức xạ cao hơn, là do mất các tế bào thuộc hệ thống dạ dày – ruột.
- Chiếu xạ cục bộ, tuỳ thuộc liều chiếu, có thể sinh ra các dấu hiệu và triệu chứng tại vùng bị chiếu như là ban đỏ, phù nề, bỏng rộp khô và ướt, tróc vảy, đau đớn, hoại tử hoặc rụng lông. Những tổn thương da cục bộ tiến triển chậm theo thời gian – thường là hàng tuần hoặc hàng tháng – có thể trở nên rất đau đớn và khó điều trị bằng các phương pháp thông thường.
Chiếu xạ một phần cơ thể dẫn đến một tập hợp các triệu chứng khác nhau như trên đã đề cập, kiểu và độ trầm trọng phụ thuộc vào liều bức xạ và thể tích phần cơ thể bị chiếu. Các triệu chứng bổ sung có thể quan hệ với vùng mô và các cơ quan liên quan.
Thông thường là không có các triệu chứng sớm liên quan đến nhiễm xạ trừ phi lượng phóng xạ hấp thu vào cơ thể là rất cao, mà trường hợp này đặc biệt hiếm. Nếu điều này xảy ra, thường sẽ dễ nhận thấy đối với người liên quan.
Bác sĩ cần làm gì nếu nghi ngờ có tổn thương bức xạ?
- Nếu bệnh nhân bị tổn thương hoặc bệnh tật thông thường, cấp cứu và điều trị như yêu cầu bình thường. Lưu ý rằng bức xạ không gây ra các triệu chứng sớm đe dọa đến tính mạng.
- Cần biết là một người bị tổn thương do bức xạ không đe dọa đến sức khoẻ của bác sĩ.
- Không đụng chạm vào bất kỳ vật lạ nào thuộc sở hữu của bệnh nhân; di chuyển các bệnh nhân và nhân viên sang phòng khác cho đến khi chuyên gia an toàn bức xạ xác định được vật lạ là gì.
- Nếu nghi ngờ có nhiễm bẩn phóng xạ, cần tránh sự lan rộng của chất phóng xạ bằng cách thực hiện quy trình cô lập. Liên hệ với cơ quan an toàn bức xạ hoặc cơ sở dịch vụ để kiểm xạ.
- Thực hiện ngay việc thử máu, lặp lại 4-6 giờ một lần trong một ngày. Tìm sự sụt giảm số tế bào bạch huyết (lymphocyte) trong máu nếu việc chiếu xạ vừa xảy ra. Nếu số tế bào máu trắng và tiểu huyết cầu (platelet) ban đầu tại cùng thời điểm thấp một cách bất thường, cần xem xét khả năng đã bị chiếu xạ cách đây 3-4 tuần. Việc thử máu bổ sung hàng ngày sẽ là cần thiết.
- Thông báo cho cơ quan y tế và cơ quan quản lý an toàn bức xạ nếu chẩn đoán hoặc nghi ngờ có tổn thương bức xạ.
Các chẩn đoán khác nhau về tổn thương bức xạ?
Xem xét tổn thương bức xạ với các chẩn đoán khác nhau nếu bệnh nhân có các biểu hiện sau:
- Tường thuật lại các tình huống có thể dẫn tới chiếu xạ (ví dụ: đã làm việc với kim loại phế liệu).
- Buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt là kèm theo ban đỏ, mệt mỏi, tiêu chảy và các triệu chứng khác không giải thích được bằng các nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn đường ruột, ngộ độc thực phẩm và/hoặc dị ứng thuốc.
- Thương tổn da không do bỏng nhiệt hoặc hóa chất, hoặc bị côn trùng cắn, hoặc có bệnh sử về da hoặc dị ứng thuốc, nhưng với sự bong vảy và rụng lông trong vùng bị chiếu đã xảy ra ban đỏ 2-4 tuần trước.
- Rụng lông hoặc có vấn đề về máu (như là đốm máu, chảy máu răng hoặc mũi) với một bệnh sử buồn nôn và nôn mửa 2-4 tuần trước đó.
Một số lời khuyên cho việc ứng phó:
- Cần phải có từ trước các số điện thoại của cơ quan y tế, cơ quan quản lý an toàn bức xạ và cơ sở dịch vụ an toàn bức xạ (và cập nhật các số điện thoại này).
- Tin cậy vào các thông tin chuyên môn, hường dẫn của cơ quan y tế quốc gia và của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và giúp đỡ ứng dụng các khuyến cáo của họ.