Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy và thoát lũ Dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy và thoát lũ - Ảnh: Độc Lập
Một thành viên trong đoàn khảo sát (đề nghị không nêu tên) khẳng định: “Vấn đề mà dư luận đang quan tâm là dự án có tác động đến dòng chảy, ảnh hưởng đến việc thoát lũ hay không? Có thể nói, chuyện ảnh hưởng thì dứt khoát là có rồi. Qua xem xét thực tế thì có thể thấy rõ ràng và chắc chắn là dự án có ảnh hưởng, nhất là vào mùa lũ. Thượng nguồn có rất nhiều hồ chứa, đặc biệt hồ Trị An có dung tích rất lớn đến trên 2,7 tỉ m3. Nếu vào những năm có mưa lũ lớn, người ta xả lũ thì chắc chắn ảnh hưởng sẽ càng lớn. Còn mức độ ảnh hưởng như thế nào, nhất là với Cù lao Phố và hai cây cầu là cầu Ghềnh và cầu Hóa An, thì phải có nghiên cứu thực nghiệm thêm, đánh giá cụ thể mới có thể kết luận chính xác được”.
Nỗi lo xả lũ
Cũng theo thành viên đoàn khảo sát trên, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cung cấp một số văn bản, quyết định phê duyệt mà UBND tỉnh và Sở đã thông qua đề án từ khi Viện Khoa học thủy lợi miền Nam làm lúc đầu. "Chúng tôi có xin bản đồ dự án mà không được, nhưng họ có cho chúng tôi chụp hình lại", vị này nói và cho biết trong báo cáo của đoàn tập trung vào một số điểm như: Thứ nhất, việc san lấp làm dự án làm ảnh hưởng dòng chảy của sông; thứ hai, sông Đồng Nai là sông liên tỉnh nên việc làm dự án lấn sông như vậy cần thiết phải tham vấn của các cơ quan và địa phương có liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai... "Nhưng theo tài liệu mình thu thập được thì thấy chưa có ghi ý kiến của bất cứ cơ quan nào có liên quan trong đó. Về nghiên cứu Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng chỉ là nghiên cứu bước đầu thôi. Trong đó người ta cũng khuyến cáo, khi làm tiếp thì phải có nghiên cứu sâu thêm. Họ làm dự án lấn ra nhiều như thế thì đáng ra phải cẩn trọng hơn và xin ý kiến thỏa thuận của các bên có liên quan, nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi tiến hành”, thành viên đoàn khảo sát nhận định.
Nỗi lo thủy điện Trị An xả lũ là thực tế không thể phớt lờ. Năm 2014, chỉ trong vòng 4 ngày từ ngày 16 - 19.9, thủy điện Trị An điều chỉnh lưu lượng nước xả tràn từ 150 m3/giây lên 630 m3/giây để đảm bảo an toàn công trình và chủ động điều tiết cắt giảm lũ cho phía hạ du. Cộng với lượng nước qua tua bin phát điện là 650 m3/giây, tổng lưu lượng nước xả xuống phía hạ lưu sông Đồng Nai lúc đó từ 1.250 đến 1.300 m3/giây. Thời điểm đó, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đồng Nai khuyến cáo người dân ở những vùng thấp gồm H.Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa và các huyện của tỉnh Bình Dương cần chủ động đề phòng, ngăn ngừa thiệt hại do ngập úng.
Hồ thủy điện Trị An nằm trên lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn hai huyện Định Quán và Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam. Ngoài mục đích sản xuất điện thì công trình còn đảm bảo nước sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ... cho vùng hạ lưu. Đập chính và các đập phụ tạo nên hồ chứa nước rộng 323 km2 với dung tích tổng cộng 2,76 tỉ m3. Đây là lý do các nhà khoa học lo ngại việc lấp sông Đồng Nai sẽ khiến vùng hạ du chịu tác động nặng nề trong trường hợp thủy điện Trị An xả lũ.
“Lấn hành lang bảo vệ là sai rồi”
Tại TP.HCM, đoạn sông Sài Gòn từ Hiệp Bình Phước đến Nhà Bè trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở. Một trong những điểm “nóng” trên đoạn sông này chính là bán đảo Thanh Đa. Trước tình trạng trên, Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ (tập 11, số 11 năm 2008) của ĐH Quốc gia TP.HCM có bài nghiên cứu “Hiện trạng trượt lở bờ sông Sài Gòn phương hướng ngăn ngừa khắc phục”. Theo nghiên cứu, một trong các nguyên nhân là do phá hủy lớp phủ thực vật tạo mặt bằng xây dựng, làm mất ổn định bờ; xây dựng công trình nằm sát mé bờ sông thậm chí lấn chiếm ra phía sông làm thay đổi chế độ dòng chảy; sử dụng không đúng, không hợp lý về các giải pháp và kết cấu của các công trình bảo vệ bờ do không nắm chắc số liệu về dòng…
Để phòng tránh sạt lở một cách bền vững, TP.HCM đã ban hành Quyết định 150. Theo quyết định này, hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch cấp 1 - 2 chiều rộng là 50 m mỗi bên; cấp 3 - 4: 30 m mỗi bên; cấp 5 - 6: 20 m mỗi bên và các kênh rạch chưa được phân cấp kỹ thuật là 10 m mỗi bên. Trả lời Báo Thanh Niên, GS-TS Lê Mạnh Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cũng khẳng định: “Một con sông muốn làm gì cũng phải để lại cho nó một cái hành lang bảo vệ. Còn ở đây không để mà lấn thì không đúng rồi”.
“Van nhân tạo” Dốc Khỉ
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), cho rằng những người làm dự án lấp sông Đồng Nai không biết có bài học của tự nhiên trên chính dòng sông Đồng Nai nên mới dám làm như vậy. Trên dòng sông này ở khu vực Dốc Khỉ thuộc xã Quảng Ngãi, H.Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng có đoạn sông rất hẹp. Ở đó có một bờ đá nhô ra làm cho nó càng hẹp hơn, như một cái van. Nhờ cái van đó nên nước trên thượng nguồn đổ về hạ lưu chậm hơn đồng thời tạo ra phía trên đó một vùng ngập nước rất rộng lớn nổi tiếng về đa dạng sinh học mà đặc biệt là quần thể cá sấu nước ngọt và nhiều loài sinh vật khác sinh sống... Toàn H.Cát Tiên trở thành vùng trồng lúa rất tốt ở vùng đồi núi chính là nhờ cái van tự nhiên đó.
“Nếu làm dự án này thì nó cũng giống như cái van của tự nhiên ở Dốc Khỉ, sẽ làm cho phía trên Biên Hòa bị ngập úng cục bộ và sẽ gia tăng độ ngập vào mùa lũ rất nặng nề, dẫn đến toàn bộ khu vực phía trên dự án phải thay đổi về nhiều mặt kể cả cơ sở hạ tầng, kiến trúc và đời sống người dân. Tự nhiên đã hình thành qua một thời gian rất dài theo quy luật của nó. Còn chúng ta không hiểu quy luật của tự nhiên mà làm cái van nhân tạo đó thì vô cùng nguy hiểm”, TS Long phân tích.