Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thủy điện ở Hà Giang: Căng thẳng tranh chấp nguồn nước

(12:41:33 PM 11/04/2015)
(Tin Môi Trường) - Như đã phản ánh trong các bài viết trước, chuyện tranh chấp nguồn nước giữa Công ty Cổ phần thủy điện (CPTĐ) Thuận Hòa (Sông Miện 4) và Công ty CPTĐ Sông Miện 5. Tuy nhiên những ngày gần đây câu chuyện này lại... “nóng” lên bởi cả hai bên liên tục đưa ra quan điểm chứng minh mình đúng, không ai chịu ai khiến cơ quan chức năng của tỉnh phải vào cuộc, tiến hành kiểm tra toàn diện.

 Thủy điện ở Hà Giang: Căng thẳng tranh chấp nguồn nước

Việc tranh chấp nguồn nước giữa hai nhà máy thủy điện đang ảnh hưởng lớn đến uy tín của hai doanh nghiệp thủy điện 


Những ngày cuối năm 2014 vừa qua, một chuyện không hay xảy ra, cuốn hai doanh nghiệp lớn ở tỉnh Hà Giang cùng hoạt động trong lĩnh vực thủy điện vào vòng luẩn quẩn và đến giờ chưa tìm được lối ra.


Đó là việc tranh chấp nguồn nước giữa Công ty Cổ phần thủy điện (CPTĐ) Thuận Hòa - chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Công ty CPTĐ Sông Miện 5 - chủ sở hữu Nhà máy thủy điện Sông Miện 5.


Theo quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, trên dòng sông Miện có 6 nhà máy thủy điện, hiện 4 nhà máy đã hoàn thành quá trình đầu tư, đang vận hành, khai thác hiệu quả, đưa Hà Giang trở thành địa phương có nguồn năng lượng sạch cấp vào lưới Quốc gia, tạo việc làm ổn định cho con em các dân tộc, đóng góp ổn định, lâu dài cho ngân sách.


Các nhà máy thủy điện xây dựng trên cùng một dòng sông, “uống” chung dòng nước là lẽ thường tình, thế nhưng thời gian gần đây lại nảy sinh mâu thuẫn.


Trong một văn bản gửi lãnh đạo tỉnh, Công ty CPTĐ Thuận Hòa tố Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 không tuân thủ mực nước dâng bình thường (MNDBT) theo quy hoạch.


Ông Nguyễn Quang Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTĐ Thuận Hòa cho biết dự án Nhà máy thủy điện Thuận Hòa được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch bổ sung tại Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 31.1.2013 với công suất thiết kế 38MW.


Hiện nay, Công ty đã thi công hoàn thiện đường giao thông xuống khu vực đập, khu vực nhà máy, chuẩn bị đào hầm, đào vai đập, hố móng xây dựng nhà máy... Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, mực nước hạ lưu Nhà máy thủy điện Thuận Hòa 154,5m/157,5m.

 

Còn theo phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 2, MNDBT Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 là 155m. Với các thông số MNDBT của hai dự án, nếu các bên tuân thủ đúng sẽ khai thác hài hòa, tối ưu thủy năng trên dòng sông, không ảnh hưởng đến nhau. Tuy nhiên, Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 tự ý dâng nước tại lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 lên 157-158m khiến MNDBT tại hạ lưu Nhà máy thủy điện Thuận Hòa lên mức 162-163m. 

 

Với MNDBT như hiện tại của Nhà máy thủy điện Sông Miện 5, thường xuyên cao hơn vị trí xây dựng Nhà máy thủy điện Thuận Hòa từ 7,5-8m nên các nhà thầu không thể triển khai xây đê quai, đào hố móng xây dựng nhà máy.


Trước những cáo buộc của Công ty CPTĐ Thuận Hòa, mới đây Công ty CPTĐ Sông Miện 5 chính thức đưa ra lập luận phản bác. Đại diện Công ty CPTĐ Sông Miện 5 cho rằng, chủ đầu tư Dự án thủy điện Thuận Hòa và Sở Công thương đã lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, đầu tư tăng quy mô, công suất nhà máy lên gấp 3 lần khi chưa được Bộ Công thương chấp thuận, gây chồng lấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án xung quanh. 


Cũng theo lập luận của Công ty CPTĐ Sông Miện 5: Dự án thủy điện Thuận Hòa, theo văn bản thẩm định 255/CV-NLDK ngày 14.1.2005 của Bộ Công thương, Quyết định phê duyệt số 216/QĐ-UB ngày 19.1.2005 của UBND tỉnh có công suất 13,5MW.


Năm 2011, chủ đầu tư và Sở Công thương trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng công suất, Bộ Công thương yêu cầu phải kiểm tra sự phù hợp của dự án với quy hoạch các dự án thủy điện khác và mỏ sắt Tùng Bá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần cập nhật các mực nước thiết kế hồ chứa thủy điện Sông Miện 5 phía dưới hạ lưu đang vận hành... 


Tuy nhiên, Sở Công thương đã thẩm định, chấp thuận toàn bộ hồ sơ thiết kế của chủ đầu tư, điều chỉnh tăng công suất lên 38MW.


 Thủy điện ở Hà Giang: Căng thẳng tranh chấp nguồn nước

Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án thủy điện Sông Miện 5 có cao trình MNDBT 155m, cao trình mực nước dềnh 159,8, ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ được duyệt theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2010 là 163m. 


Nhà máy được đầu tư, xây dựng, hoàn thành theo quy hoạch, đóng điện từ đầu năm 2013, đã được kiểm định an toàn đập, có Giấy phép khai thác nước mặt tại hồ chứa thủy điện do Bộ TN-MT cấp, có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương phê duyệt. Công ty đã quản lý, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả nhà máy và đập thủy điện suốt 4 năm qua.


Đặc biệt, mùa mưa lũ năm 2014, đoàn cán bộ tỉnh đến kiểm tra việc vận hành chống lũ tại đập Nhà máy thủy điện Sông Miện 5, hệ thống van cung trên đập thủy điện vận hành đóng, mở liên hoàn, điều tiết xả lũ tốt. 


Tuy nhiên, Công ty CPTĐ Sông Miện 5 chưa tiến hành cắm mốc, căng dây mốc ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 dẫn đến việc Nhà máy thủy điện Thuận Hòa khi khảo sát, điều chỉnh thiết kế lên 38MW đã chồng lên đất hành lang bảo vệ lòng hồ thủy điện Sông Miện 5.


Còn thủy điện Thuận Hòa - dự án được khảo sát, phê duyệt sau Nhà máy thủy điện Sông Miện 5. Theo phê duyệt ban đầu, dự án có công suất lắp máy 13,5 MW, cách xa lòng hồ Nhà máy thủy điện Sông Miện 5. Tuy nhiên, để tận dụng, khai thác năng lượng, nâng cao hiệu quả dự án, chủ đầu tư xin điều chỉnh thiết kế, nâng chiều cao đập và hạ vị trí xây dựng nhà máy xuống phía lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 để nâng chiều cao cột nước, nâng công suất lắp máy.


Qua sự việc trên, nếu như Công ty CPTĐ Sông Miện 5 chú ý hơn, tập trung cắm đầy đủ mốc ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ theo quy định ngay khi vận hành và giá như Công ty CPTĐ Thuận Hòa khi khảo sát, điều chỉnh quy hoạch nâng công suất chú ý đến dự án phía dưới đang vận hành. 


Bên cạnh đó, nếu như cán bộ chuyên ngành Sở Công thương khi thẩm tra, trình duyệt dự án, ngoài căn cứ thông số MNDBT của nhà máy phía dưới 155m, còn chú ý xem xét đến mực nước dềnh 159,8m, đối chiếu ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 là 163m và thực hiện nghiêm ý kiến của Bộ Công thương thì không phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.


Hai chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 và Thuận Hòa đều là những doanh nghiệp lớn, tâm huyết nên ngồi lại với nhau, nhìn vào thực tế, tôn trọng và gần gũi nhau hơn, điều chỉnh lại việc xây dựng, không làm ảnh hưởng các dự án, nhà máy khác đang hoạt động, không đổ tràn lan đất đá thải xuống đầu nguồn lòng hồ Sông Miện 5 gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa, an toàn đập thủy điện Sông Miện 5, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân.

BẢO YÊN - HÀ GIANG(LĐO)