Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Dậy sóng" với chiến dịch ôm cây

(07:36:21 AM 21/03/2015)
(Tin Môi Trường) - Biến thể từ một trào lưu Free hugs (ôm tự do), người dân Hà Nội kêu gọi cùng nhau tham gia phong trào “Tree Hugs” (ôm cây) để ngăn chặn việc chặt bỏ cây xanh

Việc người dân Hà Nội phản đối quyết liệt đề án chặt bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố trong những ngày qua là có cơ sở bởi bài học từ chặt bỏ hàng loạt cây xanh 5 năm trước vẫn còn hiển hiện trước mắt.


Bài học trên vỉa hè còn đó


Cách đây 5 năm, 2 hàng cây vỉa hè đường Quang Trung (quận Hà Đông) từng rất đẹp, tán lá xòe rộng, chủ yếu là bàng, xà cừ và sấu. Nhưng đến năm 2009, sau khi sáp nhập quận Hà Đông (trước là TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây) vào TP Hà Nội, 2 hàng cây bị chặt hạ, thay thế bằng cây sao đen và một số ít các loại cây khác.


Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 20-3 cho thấy sau 5 năm được trồng cây mới, dọc hai bên vỉa hè đường Quang Trung vẫn trơ trọi. Cây sao đen thấp lè tè, tán hẹp, không đủ để che cái nắng quay quắt mỗi khi bước vào hè. Ông Nguyễn Văn Diên (76 tuổi, ngụ quận Hà Đông) nói: “Ngày trước người dân tại đây trồng cây theo kiểu tự phát, mỗi nhà trồng một cây phía trước để lấy bóng mát. Sau đó, chính quyền đến chặt hết, thay vào cây sao đen. Không biết đến bao giờ, cây này mới cho bóng mát như trước”.


 “Dậy sóng” với chiến dịch ôm cây 


Nhiều người dân tại khu vực này cũng bức xúc khi nghe thông tin về việc chặt 6.700 cây xanh của Hà Nội bởi quận Hà Đông đã từng bị chặt hạ hàng loạt cây và cho đến nay, bóng mát vẫn còn là câu chuyện đẹp trong quá khứ. Bà Nguyễn Bích Diệp, Việt kiều Úc, ngậm ngùi: “Đau nhất là họ toàn chặt những hàng cây lâu đời. Có lẽ các vị lãnh đạo đã vội vã. May là TP đã dừng việc làm trái lòng dân”.


GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - phản đối quyết liệt việc chặt bỏ hàng loạt cây xanh. Theo ông Huỳnh, lãnh đạo TP Hà Nội cần cân nhắc cẩn thận trong việc thay đổi mảng xanh đô thị. Việc tạm dừng chặt bỏ cây là cần thiết nhưng phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, tránh lặp lại những sai lầm có thể gây tổn hại đến cảnh quan đô thị, môi trường.


Cùng nhau truyền thông điệp


Rất nhiều hoạt động phản đối và yêu cầu TP Hà Nội chấm dứt chặt hạ cây xanh đã diễn ra trong ngày 20-3. Biến thể từ một trào lưu Free hugs (ôm tự do), người dân Hà Nội đã kêu gọi nhau tham gia chiến dịch “Tree Hugs” (ôm cây) trên mạng xã hội facebook nhằm bảo vệ cây khỏi bị chặt hạ. Sức lan truyền của chiến dịch rộng khắp và từ mạng xã hội, giới trẻ xuống đường, buộc nơ vàng cho cây.


Dọc một số con phố, quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, rất nhiều logo Tree Hugs đã được gắn lên thân cây. Không chỉ vậy, nhiều người tự nguyện gắn logo Tree Hugs vào ba lô để cùng nhau truyền đi thông điệp của mình.


Tại bờ hồ Hoàn Kiếm, trước cửa Nhà hát Lớn, một số bạn trẻ mang theo khẩu hiệu: “Chặt hạ cây xanh là hủy hoại môi trường sống”. Cầm trên tay chiếc tổ chim không có gì bên trong, chị Bùi Thu Huệ (ngụ quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi muốn kêu gọi để mọi người biết chặt phá cây không chỉ làm xấu cảnh thiên nhiên mà còn hủy hoại cả cuộc sống của chim muông và đời sống con người”.

 

Trong lúc đó, trên phố Lý Thái Tổ, khi nhóm công nhân đang cắt cành một cây xanh, lo ngại cây này bị chặt, nhiều sinh viên đã kéo đến cắm biển phản đối.


Ở một số tuyến phố khác, nhiều bạn trẻ cũng tiếp tục dán các câu khẩu hiệu như “Tôi khỏe mạnh, xin đừng giết tôi” nhưng bị lực lượng chức năng ngăn cản.

 

 Tại sao chọn cây vàng tâm?


Về việc lựa chọn cây vàng tâm để trồng thay thế cho những cây bị chặt hạ, GS Đặng Huy Huỳnh cho rằng cần phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học trong lĩnh vực này. “Tại sao trước đây người Pháp cũng như ông cha ta lại không trồng cây vàng tâm trên các tuyến phố ở Hà Nội? Vì vậy, tuyến phố nào nên trồng cây gì và không nên trồng cây gì thì phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia về thực vật học” - ông Huỳnh đề nghị.

Hưởng Duẩn - Quyết Nhung/NLĐ