Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dùng nước thải nuôi cá tưới cho ruộng lúa

(18:20:56 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện mô hình "Sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra để tưới cho ruộng lúa". Đây là mô hình đã ứng dụng thành công tại xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự) vừa mang lại lợi nhuận tăng thêm cho người trồng lúa và người nuôi cá tra, vừa góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

 

 nuoi ca tra

Đồng Tháp ứng dụng mô hình "Sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra để tưới cho ruộng lúa"

 

Mô hình này được TX Hồng Ngự chọn ứng dụng cho dự án quy hoạch vùng nuôi cá tra thương phẩm chất lượng cao từ nay đến năm 2020 và đang triển khai thực hiện trong địa bàn thị xã.





Mô hình do Thạc sĩ Nguyễn Huấn, Phó phòng Kinh tế phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) nghiên cứu, xuất phát từ những bức xúc về ô nhiễm môi trường nước ngày càng nặng do những hộ nuôi cá tra thải ra sông rạch. TX Hồng Ngự là nơi tập trung các hộ nuôi cá tra với qui mô lớn, nhất là ở các xã Bình Thạnh, An Bình A, An Bình B, phường An Thạnh.

 

Các hộ nuôi hầu như không đầu tư hệ thống xử lý nước thải (ao xử lý nước thải, ao xử lý bùn đáy) mà thải trực tiếp ra môi trường nước sinh hoạt. Lượng nước thải rất lớn từ các ao nuôi chứa nhiều thức ăn dư thừa, chất thải của cá, lượng thuốc, hóa chất xử lý phòng trị bệnh cá... gây bức xúc cho nhân dân và gây mâu thuẩn về lợi ích kinh tế giữa người nuôi cá và người trồng lúa, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ có thể làm cá chết hàng loạt do mâu thuẫn lợi ích gây ra.

 

Từ những bức xúc trên, năm 2008, Thạc sĩ Nguyễn Huấn đã nghiên cứu đề xuất thực hiện mô hình "Sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra để tưới cho lúa" tại xã Bình Thạnh trên diện tích 12 ha (của 06 hộ dân). Qui trình thực hiện bao gồm: Người nuôi cá tra hợp tác với những hộ có diện tích sản xuất lúa chung quanh ao nuôi để sử dụng nước thải tưới cho lúa; xây dựng hệ thống bơm đưa nước từ ao nuôi cá lên ruộng; đảm bảo đủ nước tưới cho lúa... Chi phí trong qui trình thực hiện được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

 

 

Kết quả so sánh giữa ruộng sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra so với ruộng đối chứng không sử dụng như sau: Tổng chi giảm 2.275.353 đồng/ha; năng suất lúa tăng 149kg/ha; giá thành 1 kg lúa giảm 405 đồng và lợi nhuận tăng 2.490.381 đồng/ha. TS Nguyễn Huấn cho biết, mô hình trình diễn đã mang lại lợi nhuận tăng thêm khoảng 30 triệu đồng cho 6 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, lợi nhuận lớn nhất mà mô hình ứng dụng cho thấy lượng nước thải từ ao nuôi cá tra đã được sử dụng tưới cho ruộng lúa, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; mâu thuẩn giữa người nuôi cá và người trồng lúa được giải quyết hài hòa, hai bên cùng có lợi.




Không chỉ riêng mô hình trên, trong quá trình công tác, Thạc sỹ Nguyễn Huấn luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước, cùng đơn vị tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng và chuyển giao phục vụ sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa đạt hiệu quả cao.

 

 

Đặc biệt, trong nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua anh đã thành công trong chuyển giao kỹ thuật sinh sản cá lóc bông; mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh 2 lúa - 1 tôm; sản xuất giống cá tra, cá hú, cá basa, sinh sản và nuôi cá lăng nha, nuôi cá còm,... Những thành công trên đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững không chỉ riêng cho thị xã Hồng Ngự mà cho cả vùng, thậm chí cả tỉnh Đồng Tháp.

Nguyễn Thi