Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khai thác nước ngầm trồng màu, nuôi thủy sản ở Trà Vinh- lợi bất cập hại

(08:32:57 AM 18/03/2015)
(Tin Môi Trường) - Thời gian qua, có nhiều hộ dân ở các huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành…tỉnh Trà Vinh “đổ xô” đóng giếng khoan lấy nguồn nước ngầm phục vụ trồng màu, nuôi trồng thuỷ sản…Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có trên 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm dưới đất, với lưu lượng khai thác khoảng 200.000 m3/ngày đêm.

 Chuyện quản lý: Khai thác nước ngầm trồng màu, nuôi thủy sản ở Trà Vinh- lợi bất cập hại

Ảnh minh hoạ


Điều đáng lo ngại là công tác quản lý khai thác nước ngầm thời gian qua ở Trà Vinh gần như bị buông lỏng; các giếng khoan đa phần do người dân tự đầu tư nên chất lượng thấp, không đảm bảo sử dụng lâu dài, dễ bị hỏng…Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn, đối với các giếng bị hư hỏng không còn sử dụng, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm, nhiễm mặn, xuất hiện hiện tượng thông tầng dẫn đến sụt lún… 


Qua kết quả quan trắc của Liên đoàn Qui hoạch- Điều tra tài nguyên nước miền Nam tháng 6/2013 vừa qua cho thấy: Từ năm 2007 đến tháng 5/2013 mực nước tĩnh tầng chứa nước pleistocen giữa- trên (qp2-3) độ sâu từ 80- 130 mét ở Trà Vinh đã hạ thấp khoảng 2, 82 mét; tốc độ hạ thấp mực nước trung bình khoảng 0,47 mét/năm. Tại các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành hiện có dấu hiệu suy giảm mực nước, có khả năng dẫn đến tình trạng cạn kiệt, thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô. 


Theo ông Nguyễn Văn Náo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc ( huyện Cầu Ngang) cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 5.000 giếng khoan; trong đó, có khoảng 60% phục vụ trồng màu, chủ yếu trồng đậu phộng (lạc). Do bị tụt nước nên toàn bộ các giếng khoan này hiện không thể sử dụng trong những giờ cao điểm; trong đó, có hơn phân nửa bị hư hỏng không còn sử dụng được… 


Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoành, Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Cầu Ngang cho rằng: Việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm thông qua giếng khoan ở địa phương hiện chưa có chế tài xử lý, chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Vừa qua, trên địa bàn huyện, nhất là khu vực đất giồng cát, triền giồng xuất hiện nguồn nước ngầm bị tụt giảm đáng kể. Riêng các giếng khoan bị hỏng, huyện được Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Trà Vinh hỗ trợ kinh phí đã trám lấp được 65 giếng; tuy nhiên, số giếng khoan bị hỏng cần trám lấp trên địa bàn huyện Cầu Ngang hiện còn khá nhiều nhưng chưa có kinh phí để triển khai trám lấp…Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện đang triển khai đề án “ Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất” trong thời gian 2014- 2015. Sau khi đề án này hoàn thành sẽ giúp cho ngành chuyên môn huyện có đủ điều kiện tốt hơn trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm. Ngoài ra, Cầu Ngang còn được tỉnh đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng hai hồ chứa nước ngọt có tổng diện tích gần 46.000 m2 tại xã Long Sơn… 


Khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất là nhu cầu cần thiết của cư dân sống ở vùng ngập mặn ven biển của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, nếu buông lỏng công tác quản lý, việc khai thác, sử dụng nguồn nước một cách “vô tội vạ” như hiện nay sẽ gây nhiều hệ luỵ, nhất là trong tình hình khí hậu đang có nhiều biến đổi, hạn mặn diễn ra ngày một gay gắt như hiện nay.

 

Huy Hoàng