Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Hải cho biết, chiều 27-7, tại cuộc họp bàn về quản lý nhà nước đối với game online (GO), Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp có kết luận và nhấn mạnh về hai nhóm giải pháp.
Trước mắt, Bộ TT&TT sẽ tạm dừng cấp phép mới các trò chơi trực tuyến cho đến khi quy chế quản lý mới được ban hành. Đồng thời, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng quảng cáo về GO trên phương tiện thông tin đại chúng.
Biện pháp được xem là mạnh tay nhất, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền đối với các đại lý Internet sau giờ quy định đóng cửa của chính quyền địa phương, thường là 23 giờ.
“Giải pháp không kém phần quan trọng là Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng hệ thống CMND điện tử để quản lý thông tin cá nhân tự động. Điều này sẽ giúp Bộ quản lý về dịch vụ trò chơi trực tuyến và thuê bao di động trả trước.” - Ông Hải nói. Còn về lâu dài, ông Hải cho biết, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng luật về an toàn thông tin trên mạng.
“Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, môi trường mạng nhiều thông tin phức tạp, đa dạng, đòi hỏi phải có chính sách quản lý rất chặt chẽ. Vì thế, cần phải xây dựng văn bản mang tính quy phạm pháp luật cao, đó là luật. Bộ cũng khẩn trương xúc tiến thành lập Cục An toàn Thông tin, nâng cấp từ Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCert), để đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Việt Nam cũng sẽ tham gia tổ chức an toàn thông tin thế giới. Nước ta sẽ trở thành thành viên thứ 42. Qua đó, các nước sẽ có sự chia sẻ, phối hợp để giảm thiểu, loại trừ bớt thông tin độc hại trên mạng” - Ông Hải cho biết.
Tại một hàng game online ở Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh
Thưa ông, về mặt pháp lý, việc cắt đường truyền internet sau giờ quy định đóng cửa của địa phương có vi phạm các quy định pháp luật khác?
Tôi nghĩ không vi phạm. Ở đây, pháp luật đã quy định giờ đóng, mở cửa đại lý Internet thuộc về chính quyền địa phương. Về nguyên tắc, sau giờ đóng cửa, đại lý không được hoạt động. Vì thế, việc cắt không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các đại lý internet. Đây chỉ là biện pháp về mặt kỹ thuật để thực thi các chính sách, quyết định pháp luật, chứ không phải chính sách, quyết định mới.
Giải pháp này mang tính tạm thời hay sẽ áp dụng thường xuyên?
Đây là giải pháp trước mắt. Nhưng nếu hiệu quả, có thể đề xuất áp dụng trong thời gian dài.
Bao giờ sẽ thực hiện quy định này, thưa ông?
Dự kiến sẽ áp dụng từ 1-9 để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có thời gian chuẩn bị.
Doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ GO, theo ông, sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi những biện pháp trên được thực thi?
Tinh thần quy chế quản lý trò chơi điện tử (trực tuyến và không trực tuyến), là thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, không chỉ là thị trường dịch vụ thuần túy như hiện nay mà còn là thị trường cung cấp nội dung số, nguồn nhân lực. Từ đó, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Vì thế, quy chế này chính là thúc đẩy một cách đồng bộ nhiều mặt liên quan đến lĩnh vực GO.
Cụ thể hơn là gì, thưa ông?
Chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các trò chơi nội gắn giải trí với giáo dục. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ đầu tư lớn về nhân lực, tài chính, phát triển sản phẩm nội dần thay thế trò chơi nhập ngoại. Khi có sản phẩm của chính mình sản xuất, giá trị gia tăng sẽ cao hơn nhiều so với làm dịch vụ, cung cấp, tạo ra thị trường lao động, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Nhưng người chơi game có quyền chơi những GO đơn thuần chỉ giải trí mà máy chủ đặt ở nước ngoài. Liệu Bộ TT&TT đã tính đến yếu tố này chưa?
Có tính đến. Trong quy chế nói rõ, những trò chơi được cung cấp từ máy chủ đặt ở nước ngoài, không do các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp phép là những trò chơi bất hợp pháp. Như vậy, những trò chơi đó sẽ bị ngăn chặn. Tất nhiên, khó có thể nói ngăn chặn được tất cả các GO này, nhưng chắc chắn là sẽ hạn chế được.
Về quản lý GO, doanh nghiệp, người chơi, cơ quan quản lý ở địa phương đã nêu những ý kiến trái ngược. Quan điểm Bộ về vấn đề này ra sao?
Chính sách quản lý GO là một thành tố nằm trong chính sách chung về quản lý internet. Mà đối với môi trường mạng, chỉ có thể giảm thiểu tiêu cực, phát huy tác động tích cực; lấy nhiều tích cực để át tiêu cực.
Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là quản lý phải tạo điều kiện phát triển, chứ không dùng biện pháp ngăn cấm cực đoan. Chính sách quản lý phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích của xã hội cộng đồng với lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển; lấy xu thế phát triển làm chủ đạo.
Có nhiều ý kiến của chính quyền địa phương, chẳng hạn như Sở TT&TT TPHCM đề xuất cấm trò chơi mang tính bạo lực. Bộ TT&TT có ý kiến gì về vấn đề này?
Bộ TT&TT đã nhận được văn bản của UBND TPHCM, trong đó có đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT rà soát lại các trò chơi trực tuyến đã cấp phép. Theo tôi, họ đề xuất như vậy phù hợp với các quy định của pháp luật.
Đã có nhiều lời phàn nàn về khâu thẩm định GO hiện nay...
Sau khi quy chế mới về quản lý trò chơi điện tử ban hành, sẽ có một hội đồng thẩm định trò chơi trực tuyến mới do Bộ TT&TT thành lập, có giá trị pháp lý cao hơn hội đồng hiện tại. Số lượng đại diện các bộ ngành, chuyên gia sẽ đông hơn, công tác thẩm định, đánh giá sẽ chặt chẽ, khách quan hơn. Đồng thời, sẽ rà soát, các trò chơi trực tuyến đã được cấp phép.
Với những biện pháp được xem là quyết liệt nhất từ trước đến nay, liệu vấn nạn GO đang gây bức xúc dư luận có được giải quyết, thưa ông?
Để giải quyết những bức xúc trong xã hội, cần có những giải pháp tình thế như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có sự chuyển đổi nhận thức của người dân và ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, của đoàn thể, tổ chức. Chỉ khi nhận thức được tính hai mặt, xu thế phát triển của GO thì mới có được ứng xử với nó phù hợp.