Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đột biến gene có thể giúp tránh độc thạch tín

(16:23:30 PM 14/03/2015)
(Tin Môi Trường) - Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cho thấy đột biến gene trong cơ thể của một cộng đồng người ở Argentina có thể giúp họ chuyển hóa thạch tín về dạng ít độc hơn.

 

Đột biến gene trong co thể cộng đồng người ở Argentina có thể giúp tránh độc thạch tín

Một mẫu quặng chứa asen. Ảnh: Wikipedia

 

Theo nhóm chuyên gia, cộng đồng người ở làng San Antonio de los Cobres, phía bắc Argentina, đã phát triển một dạng đột biến di truyền, giúp họ "phá vỡ" chất độc hại của thạch tín và có thể tránh được một số tác dụng phụ khó chịu của nó.


Những người này sống ở trên dãy núi Andes, ở độ cao hơn 4.000 m so với mực nước biển. Hàng ngày, họ dùng nước có nồng độ thạch tín lớn hơn 20 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).


"Cơ thể họ chuyển hoá thạch tín về dạng ít độc hơn nhanh hơn so với người châu Mỹ hoặc phương Tây. Đây là bằng chứng đầu tiên về sự thích nghi của con người với một chất độc hại", Karin Broberg, người đứng đầu nghiên cứu của Viện Karolinska, Thụy Điển, cho hay.


Nhóm nghiên cứu khảo sát 124 người phụ nữ ở đây và kiểm tra khả năng chuyển hoá asen bằng cách đo nồng độ trong nước tiểu. Họ phát hiện dạng đột biến ở gene AS3MT, có thể giúp cơ thể người chuyển hoá thạch tín về dạng ít độc hơn.


Theo Science Alert, những xác ướp 7.000 năm ở khu vực này có dấu vết của thạch tín trên tóc. Điều đó khiến các nhà khoa học tin rằng ngôi làng này đã sống với nguồn nước nhiễm thạch tín qua nhiều thế hệ.


Đột biến gene trong co thể cộng đồng người ở Argentina có thể giúp tránh độc thạch tín

San Antonio de los Cobres, Argentina, có vị trí nằm trên nền đá núi lửa, khiến asen ngấm vào nguồn nước. Ảnh: NPR

 

Broberg chưa chắc chắn về cách hoạt động của những biến đổi gen trong trường hợp này, nhưng bà nghĩ rằng chúng làm tăng lượng AS3MT trong gan, từ đó nhiều thạch tín được trung hoà và đưa ra ngoài qua đường nước tiểu.


Asen, hay còn gọi là thạch tín, là chất độc không màu, không vị. Chúng gây nôn mửa, co giật, dẫn tới hôn mê và tử vong nếu tiếp xúc ở nồng độ cao. Người tiếp xúc trong thời gian dài sẽ mắc các bệnh về gan, tim mạch, tiểu đường, tổn thương da, ung thư.


Tới năm những năm 1930, thạch tín mới có thể được nhận biết nhờ phương pháp kiểm tra pháp y của một nhà hoá học tên là James March. Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị cho những người phơi nhiễm kinh niên với Asen.

 

Dương Bùi/VNE