Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu Di tích danh thắng non thiêng Yên Tử. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Quần thể di tích danh thắng Yên Tử gồm khu di tích Yên Tử, khu di tích lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và khu di tích lịch sử-văn hóa Côn Sơn-Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương).
Các di tích danh thắng trên liên quan đến hành trang, sự nghiệp của Trúc Lâm Tam Tổ, phân bố trải rộng ra trên nhiều di tích của cả ba tỉnh, tạo thành một không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng. Trong đó, quần thể di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc-Thanh Mai của Hải Dương có vị trí rất quan trọng, vì đây là những nơi đã ghi dấu ấn cuộc đời hành đạo của Trúc Lâm Tam Tổ và công đức của các vị Tổ như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang trong việc xây dựng tôn tạo di tích và hoằng dương đạo pháp.
Trước đó, trong văn bản số 555/BVHTTDL-DSVH trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu: “Cần thiết phải nghiên cứu lập hồ sơ quần thể di tích danh thắng Yên Tử trong mối liên hệ chặt chẽ các khu di tích và danh thắng thuộc cánh cung Đông Triều nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và góp phần tăng thêm giá trị nổi bật toàn cầu của các tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới.”
Quá trình xây dựng hồ sơ di sản với quần thể Yên Tử sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến 1/2/2016, phấn đấu hoàn thiện hồ s ơ đề cử. Giai đoạn 2 từ tháng 2/2016 đến tháng 6/2017, sẽ quảng bá, giới thiệu di sản ở trong và ngoài nước và đón các chuyên gia quốc tế về thẩm định thực địa.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang xem xét, trên cơ sở gợi ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự tham gia của các nhà khoa học nhằm sơ bộ hình thành những nội dung cốt lõi, đưa ra nội dung cụ thể, để lập Hồ sơ di sản trình Chính phủ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, nếu quần thể di tích danh thắng Yên Tử (trong đó, có các di tích ở Hải Dương) được công nhận là di sản thế giới sẽ có ý nghĩa rất lớn, nâng tầm giá trị văn hóa, tôn giáo của quần thể di tích từ tầm quốc gia lên tầm quốc tế; đồng thời, phát huy giá trị di sản về văn hóa, cảnh quan, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch của ba tỉnh nói chung và Hải Dương nói riêng.