Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều 10-3, khảo sát một số cơ sở chuyên bán các loại cây giống trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở “cháy hàng” giống cây mắc ca.
Ồ ạt phát triển
Một chủ cơ sở cây giống trên đường Nguyễn Lương Bằng cho biết chỉ trong vòng 1 tháng, cơ sở này đã bán ra thị trường khoảng 500 cây mắc ca với giá 60.000 đồng/cây. Mấy ngày nay có nhiều người đến hỏi mua nhưng cơ sở chưa có giống để bán.
Tại một cơ sở cạnh Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm - nghiệp Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Khương (ngụ huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đang chọn mua 100 cây mắc ca về trồng. Ông Khương cho biết thời gian qua, từ thông tin báo, đài cho thấy cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông cũng mua về trồng thử. Tuy nhiên, khi được hỏi về kỹ thuật trồng cây mắc ca thì ông Khương lắc đầu không biết.
Theo ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này đi đầu trong việc triển khai trồng cây mắc ca, hiện toàn tỉnh có 800 ha. Qua thời gian trồng thử nghiệm cho thấy Đắk Lắk là vùng đất thích hợp cho cây mắc ca sinh trưởng, phát triển. Nhiều vườn cây chỉ 3-4 năm tuổi đã cho quả. Trong tương lai, mắc ca sẽ trở thành loại cây chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Đắk Lắk. Để thực hiện được điều đó, tỉnh đã thành lập một công ty cung cấp giống cho người dân.
“Do kỹ thuật và nguồn giống từ nước ngoài có chất lượng tốt nên giá cây giống sẽ cao hơn các cơ sở kinh doanh cây giống trên thị trường nội địa. Một mặt chúng tôi khuyến cáo người dân tìm tới các địa chỉ tin cậy để mua giống, mặt khác UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng kiểm soát về chất lượng cây giống tại các cơ sở ngoài thị trường” - ông Khiết thông tin.
GS Nguyễn Lân Hùng tham quan một vườn cây mắc ca ở tỉnh Đắk Lắk
Nên trồng xen canh
TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm - nghiệp Tây Nguyên, cho rằng: Không phủ nhận hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca nhưng hiện nay loại cây này phát triển chưa thực sự bền vững. Đây là loại cây trồng mới, cần có thêm nhiều nghiên cứu về đất đai, khí hậu, kỹ thuật, cây giống... Về mặt quy hoạch cũng nói chung chung là vùng Tây Nguyên phù hợp với cây mắc ca mà chưa có chi tiết chỉ ra xã, huyện nào hội đủ các yếu tố cho cây mắc ca phát triển lâu dài. Do đó, việc ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng mắc ca sẽ gây ra nhiều hệ lụy như từng xảy ra với cây điều, cà phê.
Cũng theo ông Vinh, chất lượng cây giống là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến năng suất. Trên thị trường đang có 2 loại giống mắc ca là giống ghép và giống thực sinh (ươm hạt). Theo đánh giá của viện, chỉ có giống ghép mới mang lại sản lượng cao, ổn định. Viện cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loại giống nhưng kết quả không đồng đều, có loại cho khoảng 10 kg hạt/cây nhưng có loại chỉ đạt khoảng 0,2-0,3 kg hạt/cây. “Chúng tôi khuyến cáo người dân nên trồng xen canh mắc ca với cây cà phê vì 2 loại cây này bổ trợ rất tốt cho nhau và nếu cây mắc ca không cho hiệu quả kinh tế thì vẫn còn cây cà phê” - TS Vinh nói.
Trước thực trạng trồng mắc ca ồ ạt, GS Hoàng Hòe, Chủ nhiệm dự án mắc ca trong chương trình hợp tác nhà nước Việt - Úc, nhấn mạnh: “Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Đừng quên bài học kinh nghiệm từ việc phát triển một số loài cây tại Tây Nguyên trước đây như cà phê, cao su, điều… Vì quá ồ ạt chạy theo số lượng nên nhiều nơi trồng không đúng chỗ, cây giống không tốt nên sản lượng thấp, chất lượng kém và không hiệu quả”.
Bài học từ Trung Quốc
Liên quan đến vườn cây mắc ca của một số nông dân ở Lâm Đồng trồng 5-7 năm chưa cho quả khiến nhiều người đặt vấn đề về hiệu quả cây mắc ca, GS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng lỗi do nông dân mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Trung Quốc từng gặp tình huống này ở giai đoạn năm 1994-1998 khi họ nhập 50 loại giống từ Úc, phát triển trồng mắc ca ồ ạt nhưng ít chú ý vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là khâu giống nên đã bị đình đốn một thời gian dài. Phải đến năm 2004, Trung Quốc mới rút kinh nghiệm và chú ý đến kỹ thuật trồng nên mắc ca phát triển mạnh trở lại. Hiện chính phủ Trung Quốc chủ trương cấp giống mắc ca cho dân trồng và rất thận trọng trong khâu sản xuất giống, xem đây là vấn đề trọng yếu.
T.Phương