Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Xơi ẩu" môi trường

(14:30:23 PM 10/03/2015)
(Tin Môi Trường) - Không phải là cứ ban hành nhiều đạo luật và nhiều văn bản pháp luật quy định về môi trường thì môi trường sẽ được bảo vệ. Vì thế quan trọng hơn là nội dung của các văn bản pháp luật đó có tính khả thi hay không và những đảm bảo để pháp luật được thực thi trong thực tế cuộc sống.

 “Xơi ẩu” môi trường

Hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên


Chính phủ coi việc bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội nên đã tiến hành nhiều biện pháp kiểm soát và bảo vệ môi trường, song tình hình đang cho thấy, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp "ăn cắp môi trường”. 


Tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành chức năng xử phạt doanh nghiệp Chi nhánh Công ty TNHH May mặc Cây Dừa 1 (tại ấp Tây Vàm, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) số tiền trên 640 triệu đồng, do có nhiều vi phạm Luật bảo vệ môi trường... ảnh hưởng sức khỏe người dân. Tuy nhiên đã hơn 6 tháng qua, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre vẫn chưa xử lý doanh nghiệp vi phạm này, mà tiếp tục nghiên cứu hồ sơ, khảo sát... 


Cuối tuần trước ngày 6-3, UBND tỉnh họp với các sở, ngành liên quan để làm rõ vấn đề vì sao cơ quan chức năng không thể xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường này, dẫn đến hết thời hiệu xử phạt! Trước đó từ tháng 8-2014, Sở TN&MT Bến Tre có kết luận nêu rõ doanh nghiệp này vi phạm hàng loạt quy định Luật bảo vệ môi trường...


Cụ thể là chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường; xây dựng hệ thống nước thải nhưng chưa hoàn chỉnh; xả nước thải, khí thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép; tự ý trám lấp các giếng khoan không sử dụng... 


Thực tế cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tinh vi, gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.  Lợi dụng chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước, một số nhà đầu tư đã xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh nhưng không chú trọng đến xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, nhất là các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất. 


Thậm chí, một số doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn cố tình vi phạm, lén lút xả thải ra môi trường bằng những thủ đoạn rất tinh vi. Trong khi đó một số cơ quan chức năng lại luôn khẳng định là không buông lỏng trong quản lý. Nhiều lần các nhà quản lý tuyến bố sẽ công bố danh sách các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường trên các phương tiện truyền thông, song người dân chờ dài cổ không thấy. 


Bản chất của vấn đề là do việc giám sát chất lượng môi trường định kỳ không phản ánh trung thực mức độ ô nhiễm do hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp gây ra. Các doanh nghiệp lại chưa thực hiện chế độ báo cáo chất lượng môi trường một cách đều đặn và đúng thời gian.


Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa có cơ chế hữu hiệu nên chưa ngăn chặn được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ về các vấn đề liên ngành như bảo vệ môi trường. 


Thể chế hóa sự tham gia giám sát của xã hội và dân chủ hóa quá trình xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này được hô hào đã lâu đã đến lúc không thể hô suông nữa. Hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, kéo dài hơn và trầm trọng hơn ở miền trung nước ta khi không kịp thời có biện pháp ngăn chặn được tình trạng phá rừng bừa bãi. 


Ô nhiễm nước và đất, ngập mặn ở nhiều địa phương đang cho thấy môi trường bị doanh nghiệp lớn nhỏ "xơi ẩu” theo nhiều cách, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan là tất yếu.

Theo Kim Vũ (Báo Đại Đoàn Kết)