Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mọi hoạt động truyền thông đều có mục đích cụ thể; vì vậy truyền thông đóng vai trò quan trọng, là một công cụ để thực hiện các mục đích của một chủ thể, được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án, cuộc vận động… Từ những đặc thù của truyền thông về KTTV trong bối cảnh BĐKH, cho nên mục đích của truyền thông về KTTV là truyền đạt và thu hút mọi người tham gia vào quá trình chia sẻ thông tin, tạo ra sự hiểu biết, nhận thức chung về KTTV, để từ đó cùng chia sẻ trách nhiệm và thống nhất hành động theo một hướng chung trong việc giải quyết những vấn đề của KTTV đặt ra.
Hình 1. Các yếu tố trong quá trình truyền thông
1. Truyền thông báo chí
1.1. Quá trình truyền thông: Truyền thông có liên quan đến chín yếu tố được trình bày trong mô hình (Hình 1). Mô hình này nhấn mạnh những yếu tố then chốt trong hệ thống truyền thông có hiệu quả. Các yếu tố này được định nghĩa như sau:
- Người gửi: Là bên gửi thông điệp cho bên còn lại (nguồn truyền thông).
- Mã hóa: Là tiến trình chuyển ý tưởng thành các biểu tượng.
- Thông điệp: Tập hợp các biểu tượng mà bên gửi truyền đi.
- Phương tiện truyền thông: Gồm các kênh truyền thông qua đó thông điệp truyền đi từ người gửi đến người nhận.
- Giải mã: Là tiến trình người nhận quy ý nghĩa cho các biểu tượng do người gửi truyền đến.
- Người nhận: Là bên nhận thông điệp do bên kia gửi đến.
- Đáp ứng: Là tập hợp những phản ứng mà người nhận có được sau khi tiếp nhận thông điệp.
- Phản hồi: Là một phần sự đáp ứng của người nhận được thông tin trở lại cho người gửi.
- Nhiễu tạp: Là những yếu tố làm sai lệch thông tin, dẫn đến kết quả là người nhận nhận được một thông điệp không giống thông điệp được gửi đi.
1.2. Hiệu quả của thông tin: Qua nghiên cứu người ta thấy những đặc điểm của công chúng có mối tương quan với khả năng bị thuyết phục của họ. Người truyền đạt cần tìm kiếm những đặc điểm của công chúng có mối tương quan với khả năng bị thuyết phục và sử dụng chúng trong khi thiết kế thông điệp và sử dụng phương tiện truyền thông. Các nhà nghiên cứu đã vạch ra những yếu tố ảnh hưởng:
- Nguồn thông tin có mức độ độc quyền càng lớn đối với người nhận, thì hiệu quả tác động của nó đối với người nhận càng lớn.
- Hiệu quả của thông tin lớn nhất khi thông điệp phù hợp với ý kiến hiện tại, niềm tin và tính cách của người nhận.
- Thông tin có thể tạo ra những chuyển biến hiệu quả nhất trong những vấn đề mới lạ, ít cảm thấy, không nằm ở trung tâm của hệ thống giá trị của người nhận.
- Thông tin chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn nếu nguồn thông tin đó được coi là có trình độ tinh thông, địa vị cao, khách quan hay được ưa thích, đặc biệt là nguồn tin đó có quyền lực và có thể đồng cảm được.
- Bối cảnh xã hội, nhóm xã hội hay nhóm sở thích sẽ làm môi trường trung gian cho thông tin và ảnh hưởng cho dù nó có được chấp nhận hay không.
1.3. Quá trình và tâm lý tiếp nhận của công chúng với sản phẩm báo chí:
1.3.1. Quá trình tiếp nhận: Xét theo quan điểm hệ thống, quá trình tiếp nhận của công chúng với các sản phẩm báo chí bao gồm nhiều thành tố cấu thành trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các thành tố đó bao gồm:
- Công chúng báo chí: Các nhóm người có tiếp cận, sử dụng và chịu ảnh hưởng của các sản phẩm báo chí.
- Nhu cầu, động cơ, mục đích tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng: Họ có đọc báo, nghe radio, xem truyền hình, tiếp cận báo mạng điện tử hay không, điều gì thúc đẩy họ tiếp cận và tiếp nhận thông tin trên báo chí...
- Nội dung tiếp nhận chủ yếu của công chúng với các sản phẩm báo chí: Công chúng chủ yếu tiếp cận với những thông tin loại gì, với nội dung như thế nào...
- Phương thức và phương tiện tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng: Ví dụ, công chức thường đọc báo in và lướt web đọc tin tức trên máy tính tại phòng làm việc, còn giới trẻ thì chủ yếu dùng laptop, i-pad, i-phone và dòng điện thoại thông minh để đọc tin tức và tham gia vào các mạng xã hội...
- Hình thức, bối cảnh tiếp nhận của công chúng: Chẳng hạn, người Hà Nội thường đọc báo vào thời gian rỗi trong ngày, còn người dân thành phố Hồ Chí Minh thường đọc báo vào buổi sáng sớm, trong bữa ăn sáng hoặc khi uống cà phê sáng.
- Các sản phẩm báo chí hiện có trong thị trường: Quá trình tiếp nhận của công chúng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường báo chí ở địa phương hay quốc gia, đặc biệt là hệ thống sản phẩm báo chí miễn phí.
- Tiếp nhận của cá nhân về sản phẩm báo chí: Bước tiếp nhận đầu tiên của một cá nhân với sản phẩm báo chí.
- Tiếp nhận nhóm và cộng đồng với sản phẩm báo chí: Phụ thuộc nhiều vào đặc tính của các nhóm trong xã hội trong hoạt động giao tiếp cũng như hệ thống nhu cầu của họ với các loại thông tin báo chí khác nhau.
- Hiệu quả tiếp nhận của các sản phẩm báo chí: Là sự kết hợp giữa tiếp nhận cá nhân và cộng đồng, thể hiện sự hiểu biết, phạm vi lan truyền và khả năng tác động vào hệ thống hành vi xã hội sau khi đã trải qua quá trình tiếp thu thông tin từ báo chí.
Hình 2. Các thành tố của quá trình tiếp nhận sản phẩm báo chí.
1.3.2. Tâm lý tiếp nhận: Về tâm lý tiếp nhận, có thể hiểu tâm lý tiếp nhận của công chúng báo chí là toàn bộ các hiện tượng tâm lý có tính quy luật của công chúng báo chí trong quá trình họ tiếp nhận các sản phẩm báo chí. Tâm lý tiếp nhận sản phẩm báo chí bao hàm cả quá trình lĩnh hội, thái độ, tình cảm và ý chí; cả những hiện tượng thuộc tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội quy định hành vi tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng. Có thể chia các vấn đề về tâm lý tiếp nhận thành những phần như sau:
- Tâm lý cá nhân trong hoạt động tiếp nhận: Các quy luật tâm lý cá nhân như nhận thức, tình cảm, nhu cầu, động cơ... tác động đến hành vi tiếp cận và hiệu quả tiếp nhận sản phẩm báo chí.
- Tâm lý xã hội trong hoạt động tiếp nhận: Các quy luật tâm lý xã hội tác động đến quá trình tiếp nhận sản phẩm báo chí của các nhóm công chúng.
- Các cơ chế của quá trình nhận thức, tình cảm và ý chí đến hoạt động tiếp nhận của công chúng như: Ảnh hưởng của tính tự giác và tính tự phát, cơ chế bắt chước đến hiệu quả tiếp nhận của công chúng báo chí.
- Các vấn đề nổi bật của tâm lý tiếp nhận như: Thị hiếu báo chí, khả năng tăng cường hiệu quả tiếp nhận của các nhóm công chúng qua cộng hưởng về tâm lý, cụ thể là: Các đặc điểm về điều kiện thời gian, điều kiện vật chất cho việc tiếp nhận sản phẩm báo chí của nhóm công chúng; khả năng và thái độ của nhóm với các loại thông tin báo chí, các sản phẩm báo chí ở các loại hình báo chí khác nhau; động cơ và mục đích tiếp nhận sản phẩm báo chí của nhóm; nội dung và sự lựa chọn các sản phẩm báo chí và thông tin báo chí của nhóm; các phương thức tiếp nhận sản phẩm báo chí của nhóm; hiệu ứng lan truyền thông tin báo chí trong nhóm; khả năng sử dụng thông tin báo chí trong cuộc sống...
2. Truyền thông về Khí tượng Thuỷ văn
2.1. Mục đích và yêu cầu của truyền thông Khí tượng Thuỷ văn:
2.1.1. Mục đích: Mục đích của truyền thông về KTTV là truyền đạt và thu hút mọi người tham gia vào quá trình chia sẻ thông tin, tạo ra sự hiểu biết, nhận thức chung về KTTV, để từ đó cùng chia sẻ trách nhiệm và thống nhất hành động theo một hướng chung trong việc giải quyết những vấn đề của KTTV đặt ra.
2.1.2. Yêu cầu:
- Làm cho các đối tượng truyền thông thấy rõ thực trạng những hậu quả tác động tiêu cực của KTTV, những nguy cơ, hiểm họa tiềm tàng trong tương lai và những giải pháp cần thực hiện để hạn chế, giảm nhẹ và thích ứng, thông qua việc cung cấp cho họ những cơ sở khoa học và thực tiễn sinh động về hiện tượng KTTV và những hậu quả tác động của chúng.
- Thu hút, huy động được đông đảo lực lượng xã hội tham gia vào quá trình truyền thông, qua đó nâng cao được nhận thức, kiến thức khoa học, thay đổi thái độ và hành vi của họ theo hướng ứng phó thích hợp và có hiệu quả với truyền thông KTTV trong mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống.
2.2. Đặc điểm của truyền thông về Khí tượng Thuỷ văn:
- Các vấn đề KTTV có tác động, ảnh hưởng đến mọi người, mọi ngành, mọi nghề, mọi mặt của đời sống xã hội của con người, không chỉ đối với các thế hệ hiện tại mà cả đến tương lai.
- Phạm vi tác động, ảnh hưởng của các vấn đề KTTV đến điều kiện tự nhiên và các hoạt động kinh tế - xã hội thay đổi rất rộng, từ cá nhân, xóm, thôn, bản đến quốc gia, khu vực và toàn cầu.
- Những tác động và hậu quả tác động của KTTV gây ra đến các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng nhận ra, xác định, đánh giá được kịp thời và cũng không chỉ có những hậu quả trước mắt mà có cả những hậu quả tiềm tàng trong tương lai.
2.3. Những nội dung chủ yếu của thông điệp truyền thông về KTTV:
2.3.1. Thông điệp về nhận thức:
- Thiên tai KTTV đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khu vực và địa phương.
- Thiên tai KTTV đã và sẽ tác động ngày càng mạnh đến các điều kiện, các hệ sinh thái tự nhiên, kinh tế - xã hội và đời sống của con người hiện nay và cả tương lai.
- Hoạt động kinh tế - xã hội của con người đã làm cho thiên tai KTTV ngày càng gia tăng.
- Khẳng định rằng, con người có khả năng ứng phó một cách hiệu quả với thiên tai KTTV.
- Các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với thiên tai KTTV được lựa chọn, xác định cho phù hợp với mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương.
2.3.2. Thông điệp về hành động:
- Tất cả các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển về kinh tế, xã hội, môi trường đều phải xem xét đến hậu quả tác động của KTTV ở địa phương.
- Sử dụng nước tiết kiệm, không gây ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm nước.
- Công khai hóa quy hoạch phát triển các hồ, đập mới và thay đổi cấu trúc các công trình thủy lợi cho phù hợp với điều kiện KTTV.
- Khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là rừng đầu nguồn.
- Xóa bỏ tục lệ du canh, du cư, chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy.
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông theo chủ đề tìm hiểu về KTTV, thích ứng với BĐKH và các biện pháp phòng tránh.
- Xây dựng Chương trình giáo dục về KTTV trong các trường phổ thông.
3. Tình hình truyền thông báo chí về KTTV trong bối cảnh BĐKH
3.1. Đánh giá chung:
Theo nghiên cứu Báo chí Việt Nam đưa tin về BĐKH (01/8/2011-31/7/2012) do Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng với Viện Friedrich Elbert Stiftung thực hiện, các biểu hiện của BĐKH được nhắc tới chủ yếu có liên quan như: Bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… Trong đó, các hiện tượng liên quan tới BĐKH phần lớn là các rủi ro thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan…
Hình 3. Tỉ lệ phân bố lượng tin bài viết về biểu hiện của BĐKH trên Báo chí Việt Nam
3.2. Công tác Truyền thông Báo chí trong ngành KTTV:
- Bản thân các sản phẩm của KTTV luôn mang hàm lượng thông tin truyền thông báo chí rất cao, rất cơ bản và được ưu tiên truyền phát định kỳ, đột xuất trên các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương.
- Thông tin về KTTV là loại thông tin đặc biệt; trong từng bối cảnh chúng trở thành loại tin “nóng”, tin độc quyền, tin quyền lực… Chúng vừa là sản phẩm của công nghệ tiên tiến, vừa mang tính khách quan. Sự mong đợi nguồn thông tin này không chỉ của một vùng, mà cả quốc gia có khi còn vượt qua cả biên giới của một quốc gia.
- Hiện nay hầu hết các cơ quan trực thuộc Trung tâm KTTV Quốc gia, từ các Trung tâm trực thuộc đến các Đài khu vực và một số Trung tâm KTTV tỉnh đều đã có trang thông tin điện tử hoạt động độc lập.
- Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về ngành KTTV và sử dụng thông tin KTTV tới cộng đồng đã và đang được các cấp đẩy mạnh trong những năm gần đây. Tuy vậy, để đáp ứng được nhu cầu thực tế thì đòi hỏi chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH toàn cầu.
- Bên cạnh những bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo cao cấp và các chuyên gia đầu ngành trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tại các đơn vị cơ sở còn có nhiều cá nhân tích cực tham gia là cộng tác viên cho các báo, tạp chí; điển hình như: Ông Lưu Minh Hải (TT KTTV Lào Cai), Ông Phạm Hùng Sơn (TT KTTV Bình Thuận), Ông Nguyễn Sỹ Thoại (TT KTTV Ninh Thuận)…
3.3. Ý kiến đề xuất: Qua nghiên cứu và đánh giá sơ bộ công tác truyền thông báo chí về KTTV trong thời gian qua, tôi xin được đề xuất một số ý kiến như sau:
- Công tác truyền thông báo chí về KTTV trong bối cảnh BĐKH toàn cầu hiện nay là vô cùng cần thiết. Công tác này cần phải đảm bảo các yêu cầu về tính đầy đủ thông tin, tính toàn diện và tính định kỳ.
- Cần đào tạo, tập huấn, cập nhật thông tin, kiến thức về KTTV cho đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó nên tập hợp, nhân rộng, đào tạo nghiệp vụ truyền thông cho viên chức thuộc ngành KTTV là cộng tác viên cho các báo, tạp chí…
- Liên kết với các tờ báo nhằm tổ chức phát động những cuộc thi tìm hiểu hoặc viết tin, bài, phóng sự ảnh có nội dung liên quan đến KTTV và BĐKH.
- Bên cạnh sự hoạt động của cơ quan Tạp chí KTTV, chúng ta có thể đăng ký thành lập tờ báo cho riêng nghành KTTV.
- Và trong bối cảnh BĐKH toàn cầu, công tác truyền thông báo chí về KTTV cần được chú trọng quan tâm đầu tư hơn nữa.