Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người điều khiển phương tiện giao thông có biểu hiện sử dụng rượu bia bị CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Hà An
Trước hết, tôi cho rằng đề xuất nêu trên là không hợp lý, quá nặng so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Cùng với đó, việc tịch thu xe sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, đặc biệt là khi xe đó không phải là xe của người điều khiển phương tiện mà chỉ là xe mượn, xe thuê, xe chuyển nhượng nhưng chưa sang tên.
Lúc này, câu chuyện tịch thu xe sẽ mâu thuẫn với các quy định của bộ luật Dân sự về quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản (bao gồm quyền cho thuê, cho mượn xe). Nhà nước không thể tịch thu xe do người điều khiển phương tiện mượn hoặc thuê của người khác bởi những người này không có lỗi liên quan đến việc người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn trong cơ thể khi tham gia giao thông.
Nếu quy định tịch thu luôn cả xe không thuộc sở hữu của người điều khiển phương tiện thì quy định này sẽ vi hiến. Điều 32 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất; và quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn giao thông thì Nhà nước có nhiều giải pháp, không phải chỉ có biện pháp tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử lý vi phạm thì để giảm thiểu tai nạn giao thông, Nhà nước còn có thể sử dụng các biện pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, nâng cấp hệ thống đường giao thông, chấn chỉnh lại công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông...
Trong đó, theo tôi hiện nay hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông đang có vấn đề, nhất là tình trạng hối lộ cảnh sát giao thông để không phải bị phạt, do đó một trong nhưng giải pháp quan trọng trước mắt là phải chấn chỉnh lại hoạt động này.
Tuy nhiên, diễn biến gần đây, từ câu chuyện tịch thu xe máy khi đi vào đường cao tốc cho đến quy định tịch thu xe đối với người điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn cho thấy có vẻ như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đang chăm chăm vào biện pháp tăng nặng chế tài xử lý vi phạm. Luận điểm của họ là tăng nặng chế tài xử phạt, bao gồm cả tịch thu xe để người dân sợ mà tuân thủ.
Tôi cho rằng luận điểm này là sai lầm, bởi chúng ta đang sống trong một xã hội dân sự, văn minh, nhà nước của chúng ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quy định pháp luật phải phù hợp với ý chí của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay. Việc quy định tịch thu xe tràn lan sẽ tác động tiêu cực rất lớn tới đời sống của người dân. Bên cạnh đó, luận điểm tăng nặng chế tài xử phạt để đảm bảo an toàn giao thông cũng thiếu căn cứ khoa học bởi chưa có cơ sở để chứng minh rằng khi tăng nặng chế tài thì người dân sẽ tuân thủ luật giao thông đường bộ, không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Thiết nghĩ quy định xử phạt vi phạm về giao thông đường bộ có ảnh hưởng đến đại bộ phận nhân dân, nếu quy định không phù hợp thì không những tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân bởi xe máy là phương tiện đi lại, làm ăn hằng ngày của người dân. Cùng với đó, việc quy định tịch thu xe khi vi phạm về nồng độ cồn còn làm phát sinh nhiều hệ lụy xã hội như hối lộ số tiền lớn để cảnh sát giao thông “bỏ qua” vi phạm, khiếu nại, khởi kiện liên quan đến việc tịch thu xe.
Chính vì vậy, tôi cho rằng không nên quy định tịch thu xe trong trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng như vi phạm điều khiển xe máy vào đường cao tốc. Dự thảo về xử phạt vi phạm giao thông cần được đưa ra lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo tính khách quan, phù hợp với ý chí của nhân dân.