Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hiệp hội mía đường "phản pháo" ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương

(21:32:40 PM 04/03/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 3-3, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có ý kiến phản hồi về bài viết của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú về bài viết “Khẩn trương đối mới ngành đường Việt Nam” đăng ngày 28-2 trên website của Bộ.

 Hiệp hội mía đường "phản pháo" ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương
Ảnh minh họa


Trong đó Hiệp hội cho rằng Thứ trưởng do thiếu thông tin hoặc nghe tin một chiều chưa được kiểm chứng nên đưa dẫn chứng và lý luận chưa đầy đủ, chính xác. Đặc biệt, việc khuyến khích Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam là chưa thích hợp.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng hiện nay giá thành đường quá cao. Nhiều năm qua, 90 triệu người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới, và người dân không có quyền lựa chọn nào khác.


Nguyên nhân của tình trạng này là do những năm qua, Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành. Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng không phổ biến được các giống mía mới, năng suất cao tại Việt Nam để tăng năng suất và hiệu quả canh tác.

Ông Tú dẫn chứng năng suất trồng mía bình quân của Việt Nam hiện nay là 60 tấn mía/ha trong khi năng suất của Thái Lan xấp xỉ 100 tấn/ha, của HAGL(tại Lào) là 120 tấn/ha. Các doanh nghiệp mía đường cũng không quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu riêng của mình để làm hạt nhân thay đổi cho hoạt động canh tác mía.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư Ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, lại cho rằng giá thành đường của Việt Nam hiện nay có cao hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới nhưng không phải là quá cao. Giá bán lẻ đường hiện nay cao hơn nhiều so với giá bán sỉ tại nhà máy là do các nhà thương mại trung gian và bán lẻ đẩy giá. Đây là phạm vi của quản lý thị trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương quản lý, đưa ra biện pháp để quản lý chặt để triệt nạn đầu cơ làm giá.

Về chính sách hỗ trợ, Hiệp hội cho biết tính đến nay chưa có một chính sách đặc thù ưu đãi nào cho ngành mía đường, mà chỉ là các chính sách chung cho nông nghiệp, nông dân mà nông dân trồng mía và ngành mía đường khó với tới. Với các điều kiện hiện nay rất khó cho việc bỏ vốn vào để đầu tư cơ giới hóa nhằm áp dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm tăng năng suất, chất lượng để hạ giá thành nông nghiệp. Điều kiện này cách biệt rất xa so với điều kiện của HAGL đầu tư tại Lào.

Theo đó, tại Lào, HAGL được giao đất tốt bằng phẳng, hàng chục nghìn ha với thời gian trên 90 năm, chỉ một người làm chủ, đủ điều kiện để bỏ vốn đầu tư nhằm áp dụng mọi kỹ thuật canh tác cần thiết. “Thứ trưởng yêu cầu các nhà máy đường trong nước nên cạnh tranh với HAGL trong khi điều kiện cơ bản của hai đối thủ cạnh tranh hoàn toàn khác nhau. Nhà nước Việt Nam có tạo điều kiện cho các nhà máy đường Việt Nam như nhà nước Lào tạo điều kiện cho HAGL tại Lào không?”- Đại diện Hiệp hội nêu quan điểm.

Trà Phương/PLO