Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân cần được cung cấp thông tin đầy đủ về cây mắc ca trước khi trồng mở rộng
Người bán giống bao giờ cũng nói hay!
PV: - Thưa ông, hiện có nhiều thông tin hứa hẹn về tính kinh tế của cây mắc ca với những cái tên mĩ miều cũng được đặt đó là 'cây tỉ đô', rồi 'nữ hoàng'..., song giới chuyên môn đưa ra cảnh báo cần phải cân đối lại thị trường cung cầu. Đặc biệt là yếu tố giá đưa vào bài toán kinh tế đang được sử dụng thiếu minh bạch (dùng giá cao nhất trong siêu thị để tính thay vì tính giá thu mua tại vườn, tính nhu cầu hiện tại để dự báo cho nhu cầu tương lai…). Đứng ở khía cạnh kinh tế, ông bình luận sao về những thông tin lạc quan này? Liệu sự lạc quan này có nhằm mục đích để người dân tham gia nhiều vào dự án này hay không?
TS Đào Thế Anh: - Tôi cho rằng dù gì thì cũng cần nghiên cứu kỹ hơn để tránh những bài học như cây ca cao trước đây.
Thời gian qua tôi cũng thấy nhiều ý kiến phát biểu nhưng đó không phải là những nhà nông nghiệp mà chủ yếu là các nhà đầu tư. Việc đầu tiên chúng ta cần phải xem xét là quỹ đất, ví dụ Tây Nguyên sẽ trồng vào đâu. Sẽ xen với cafe, thay thế cafe hay tính toán quỹ đất ra sao?
Ở Tây Nguyên hiện những vùng đất tốt nhất đã dùng để trồng cafe gần hết. Thời điểm chúng ta đưa cây cacao vào cũng chỉ còn những đất bạc màu nên năng suất thấp và đã thất bại.
Và giờ đây với cây mắc ca cũng chưa rõ ràng sẽ trồng ở đâu. Với những người nông dân, trồng mắc ca sẽ rất lâu để được thu hoạch. Có nhanh cũng phải 7-8 năm. Trong thời gian đó phải có trồng xen hoặc đa canh chứ nếu chỉ làm đồn điền riêng mắc ca sẽ rất khó khăn vì họ không có thu hoạch.
Ở đây có hai nhóm, một là các nhà đầu tư nếu bỏ tiền ra đầu tư đất, giống để trồng thì không nói làm gì. Nhưng nếu là nông dân đi vay vốn thì phải trồng xen để lấy ngắn nuôi dài.
Phải nghiên cứu các mô hình để có thể xen canh được, kể cả ngân hàng cho vay tiền cũng cần phải thiết kế mô hình chứ không phải làm bằng mọi giá vì hiện nay chưa rõ ràng.
Về kinh tế, cây mắc ca cũng phải xem thị trường thế giới như thế nào. Hiện cứ nói là nhu cầu nhiều nhưng như cây ca cao trước đây một công ty của Mỹ khi đưa giống vào Việt Nam đã phổ biến giá rất cao. Nhưng chỉ mấy năm sau giá ca cao xuống thấp hẳn và người trồng gặp rất nhiều khó khăn.
Rút kinh nghiệm từ cây ca cao khi phổ biến cho nông dân trồng đã không nghiên cứu đầy đủ nên khi làm ra sản phẩm bán không có giá trị. Tức là để có được bột ca cao chất lượng thì phải qua sơ chế rồi lên men nhưng Việt Nam làm bột ca cao không đạt nên giá thành không cao và không bán được.
Như vậy với cây mắc ca chúng ta cũng chưa có nghiên cứu nào cụ thể xem mắc ca nhu cầu sử dụng thực như thế nào.
Tất nhiên với hạt mắc ca thì đơn giản hơn, chỉ sơ chế, đập ra và lấy hạt thì đơn giản hơn nhưng lại chỉ bán cho thị trường quốc tế.
Hiện Việt Nam không có ai dùng nên nếu không làm ra được tiêu chuẩn để hướng dẫn kỹ cho nông dân làm thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi nếu không đạt tiêu chuẩn thì làm ra không xuất khẩu được còn ở trong nước thì không biết bán cho ai.
Đây cũng là một rủi ro nhưng chính điều này lại quyết định nông dân bán được bao nhiêu. Đúng như các giáo sư đã bình luận là không thể lấy giá bán lẻ trong siêu thị để tính rằng cây này có giá trị, hiệu quả kinh tế cao được.
Thường là các sản phẩm đã chế biến thì lãi suất rất cao. Giống như cafe giá trên thị trường thế giới giá bán lẻ lúc nào cũng rất cao nhưng giá mua tại cổng trại của nông dân thì lúc tăng, lúc giảm và rất thấp.
Tương tự như cafe, ca cao thì mắc ca cũng cần phải phân tích và nghiên cứu chuỗi giá trị, đặc biệt là định bán cho ai, đầu tư như thế nào và cần phải đạt chất lượng tiêu chuẩn ra sao... thì cần phải có thông tin cụ thể.
Nhìn chung phải có nghiên cứu đầy đủ về cây mắc ca trước khi có những thông tin quảng cáo rầm rộ. Thường thì các công ty bán giống thông thường sẽ đưa ra nhu cầu thị trường thế giới rất cao.
Chính vì thế để ra quyết định sản xuất chúng ta cần phải nghe nhiều kênh thông tin khác nhau và phải có những nghiên cứu cụ thể hơn từ nhiều nguồn.
Dù rằng hiện nay rất vui là có nhiều nhà đầu tư trước đây quan tâm đến bất động sản, nay lại tập trung vào nông nghiệp và hô hào trồng cây mắc ca. Nếu họ trồng thì cá nhân tôi không có bình luận, nhưng nếu đưa cây này vào hệ thống sản xuất của nông dân thì bước đi như thế nào cần phải có nghiên cứu kỹ hơn từ thị trường, chế biến đến mô hình canh tác để giảm thiểu tối đa rủi ro cho người dân.
PV: - Hiện mới chỉ có 10 giống đã được bộ NN&PTNT công nhận, nhưng ngay cả với 10 giống này có thể cũng chỉ phù hợp với những nơi đã khảo nghiệm. Về các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, giống, vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo để người dân trồng cây có thể thu hoạch được.
Trong tình thế như vậy, dư luận nghi ngại những dự báo lạc quan được đưa ra có những ẩn ý đằng sau đó. Ông có đồng tình với những nghi ngại này không và vì sao?
TS Đào Thế Anh: - Theo tôi rõ ràng có yếu tố của các công ty, nhà bán giống. Họ quảng cáo rất tốt bởi thông tin có tính chất thương mại. Nhưng người ra quyết định sản xuất hoặc tư vấn cho nông dân phải có trách nhiệm xem xét các yếu tố một cách đầy đủ.
Từ việc lựa chọn giống, thị trường, điều kiện sinh thái, mô hình trồng, cách chế biến... đều phải được nghiên cứu thận trọng và đưa ra lời khuyên xác đáng tránh tình trạng như cây ca cao.
Ngành nông nghiệp phải có trách nhiệm với dân
PV: - Trong tình thế này, việc đưa ra những dự báo thiếu thận trọng có thể gây ra những hậu quả thế nào, và ai phải là người gánh chịu? Xin được nhắc là chính Úc, một trong những quê hương của mắc ca cũng rất rụt rè với loại cây này?
TS Đào Thế Anh: - Tôi nghĩ là việc này tất nhiên người dân sẽ tự ra quyết định xem mình có đầu tư để trồng hay không còn doanh nghiệp bán giống thì chỉ mang tính chất thương mại.
Nhưng trách nhiệm của ngành nông nghiệp là phải nghiên cứu, phổ biến và tư vấn cho nông dân. Ngành phải đưa ra quy hoạch và hướng dẫn người nông dân.
Hiện tôi mới chỉ thấy ngành tài chính hô hào rất mạnh nhưng theo tôi các địa phương đặc biệt là các tỉnh của Tây Nguyên phải có ý kiến của ngành nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp tại các địa phương này phải có trách nhiệm tư vấn cho nông dân. Họ không có thông tin đầy đủ nên rất cần ngành nông nghiệp đưa ra thông tin đầy đủ để quyết định có trồng hay không.
Hiện theo tôi không nên quá đề cập đến vấn đề vốn vội.
PV: - Hiện việc bán giống đang được rất nhiều doanh nghiệp thực hiện mà không có cơ quan nào quản lý. Chuyên gia lo ngại dân có thể mắc vào bẫy bán giống và có thể sẽ khốn đốn vì cây không cho năng suất như mong muốn. Trong khi đó, các ngân hàng đã lên sẵn kế hoạch cho vay trồng mắc ca, với sự hỗ trợ của ngân hàng nhà nước. Trong sự cấp tập này, ai là người được hưởng lợi trong bất cứ trường hợp nào?
TS Đào Thế Anh: - Về điều này tôi không bình luận, song rõ ràng việc đầu tiên muốn trồng thì phải mua cây giống. Và đương nhiên ai là người cung cấp giống thì sẽ là người hưởng lợi đầu tiên.
PV: - Tất nhiên, không thể từ chối phát triển một loại cây trồng có lợi ích kinh tế cao. Tuy nhiên, trước những vấn đề đặt ra như trên, chúng ta cần cân nhắc thế nào trong việc phát triển loại cây này?
TS Đào Thế Anh: - Như tôi đã phân tich ở trên, vấn đề đầu tiên là phải xem trồng theo mô hình nào. Cần nghiên cứu kỹ xem trồng ở vùng nào, điều kiện sinh thái đáp ứng ra sao.Tất cả đều phải được tính toán chi tiết để đảm bảo độ thành công cao.
Rút kinh nghiệm từ cây ca cao chúng ta đưa vào chương trình giảm nghèo nên đưa cây giống cho nông dân trồng mà không có tư vấn gì, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chế biến cũng không đầy đủ... Tất cả điều này rất nguy hiểm.
Ngay cả khi phát không cây giống mà không có hướng dẫn đầy đủ cũng rất nguy hiểm vì họ mất công trồng, mất diện tích và không có thu nhập.
Cho nên tôi cho rằng cần nghiên cứu đầy đủ và có tư vấn.
Quan trọng nữa là phải nghiên cứu kỹ về thị trường, bán cho ai, điều kiện như thế nào... đều phải được cung cấp cho nông dân chứ không phải kêu gọi cứ trồng đi rồi sẽ bán được.
Phải có dự trù hợp đồng thị trường chuyển giao cụ thể. Có doanh nghiệp nào đặt hàng và phải xem cam kết cụ thể như thế nào.
Trong trường hợp có doanh nghiệp đặt hàng thì bước đầu chính quyền cũng nên tham gia để tránh những rủi ro phá hợp đồng hay không để đảm bảo thành công ban đầu cho nông dân khi trồng trên diện rộng thì sau này mới họ mới có điều kiện để làm. Nếu không sẽ rất khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trước đây một công ty của Mỹ khi đưa giống cây ca cao vào Việt Nam đã phổ biến giá rất cao.Nhưng chỉ mấy năm sau giá ca cao xuống thấp hẳn.