Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội: Nhân giống vẹt trăm triệu từ 4 quả trứng

(09:28:07 AM 03/03/2015)
(Tin Môi Trường) - Với niềm đam mê loài vẹt châu Úc mắt xanh, anh Trần Nhữ Giáp (Thanh Trì, Hà Nội) kỳ công nghiên cứu và nhân giống thành công từ 4 quả trứng mua với giá 4 triệu đồng.

Anh Trần Nhữ Giáp, chủ trang trại gà, chim cảnh tại Thanh Trì, Hà Nội cho biết, thú chơi chim cảnh được anh duy trì hơn 10 năm nay. Một trong những loài được chuộng vì đẹp và có giá cao là vẹt châu Úc mắt xanh. Đây cũng là loài chim được anh nuôi trong hoàn cảnh rất tình cờ.


Cách đây vài năm, anh biết đến loài vẹt này qua chương trình động vật hoang dã trên truyền hình. Nhờ bạn bè giới thiệu, anh Giáp biết được tại TP HCM có một nơi bán trứng vẹt châu Úc. Vì quá mê loài này, anh đồng ý đổi 2 cặp công con (giá 4 triệu đồng) để lấy 4 quả trứng vẹt nhỏ bằng đầu ngón chân cái. Tính ra, mỗi quả trứng có giá 1 triệu đồng.


Nhân giống vẹt trăm triệu từ 4 quả trứng ở Việt Nam

Trên thị trường sinh vật cảnh, giá vẹt Úc mắt xanh được rao khoảng 50-70 triệu đồng một con. Ảnh: Ngọc Lan.

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ các nguồn cung, với kỹ thuật hiện tại ở Việt Nam để ấp nở thành công loại vẹt này là rất khó. Sau gần nửa năm bảo quản và nghiên cứu, cuối cùng anh Giáp cũng tìm ra phương pháp ấp trứng bằng máy và tỷ lệ thành công đạt 100%. Cũng từ đó, anh nuôi ý định nhân giống loài vẹt này.


"Ngoài kỹ thuật ấp trứng bằng máy, người nuôi phải thường xuyên theo dõi từ lúc con non mới nở cho đến khi trưởng thành. Ngoài ra, chế độ chăm sóc phải hết cẩn thận như điều chỉnh đủ nhiệt lượng, cho ăn hạt kê vàng, kê trắng, lúa, ngô non", anh Giáp nói. 


Với kinh nghiệm nuôi chim, gà 10 năm, chỉ trong một thời gian ngắn, từ 4 quả trứng, anh Giáp đã nhân giống thành công được 10 con và sở hữu một số trứng nhất định. Anh đã bán ra thị trường được 4 con với giá 50-70 triệu đồng/con.


Anh Giáp cho biết, trên thị trường tự do, một quả trứng vẹt có giá dao động 1-1,5 triệu đồng, loại 3-4 tháng tuổi có giá 2.000-5.000 USD, nếu đạt đến tuổi trường thành, được huấn luyện chuyên nghiệp sẽ có giá cao gấp 5-10 lần bình thường.


Thức ăn chủ yếu của vẹt mắt xanh là các loại hạt, trái cây tươi và ăn côn trùng, nước sạch nên việc nuôi không tốn kém. Để con vẹt có giá trị kinh tế cao phải phụ thuộc phần lớn vào việc huấn luyện của người nuôi. 


Bản chất loài vẹt này rất thông minh và quấn người. Vì thế, người nuôi phải huấn luyện cho chúng bay trong một phạm vi nhất định, biết nói, hát theo tiếng người và nhảy theo điệu nhạc.


Nhân giống vẹt trăm triệu từ 4 quả trứng ở Việt Nam

Vẹt Úc mắt xanh có thể nhảy, hát theo điệu nhạc. Ảnh: Ngọc Lan.

 

Anh Nguyễn Ba Lê, Giám đốc một công ty chuyên cung cấp các loài sinh vật cảnh ở phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, loài vẹt Châu Úc mắt xanh có số lượng tự nhiên và nuôi trên thế giới rất hiếm, đặc biệt ở Việt Nam. Mùa sinh sản của chúng khoảng tháng 5 đến tháng 10. 


Tuy nhiên, loài vẹt này mỗi lần chỉ đẻ 1 đến 2 trứng, tỷ lệ nở rất thấp. Vẹt sinh trưởng chậm, chừng 8-9 tháng mới có thể sống độc lập bố mẹ. Cũng chính vì vậy mà giá loài này khá rất đỏ.


Hiện tại, công ty anh Lê chưa ấp nở thành công loại vẹt này mà phải nhập nguồn từ Thái Lan và Singgapore. Nếu khách có nhu cầu mua phải đặt hàng trước một tuần. Giá mỗi con từ 3 đến 4 tháng tuổi đang trong quá trình huấn luyện dao động 40-50 triệu đồng, loại đã qua huấn luyện có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.  


Ông Trần Thế, một thành viên trong câu lạc bộ sinh vật cảnh Hà Nội cho biết, vẹt Châu Úc mắt xanh là loài chim khá quý hiếm, đặc biệt là ở Việt Nam. Với thú chơi chim, vẹt hiện nay, trên thị trường ảo, những con vẹt đẹp, thông minh, được đào tạo bài bản cũng có giá trên chục triệu, trong đó giống vẹt Cockatoo mắt xanh có thể lên đến vài trăm triệu đồng.


Chuyên gia về sinh vật cảnh này cho biết, Việt Nam không phải là môi trường tự nhiên của loài vẹt này nhưng chúng có thể dễ dàng thích nghi với môi trường mới khi còn nhỏ. Tuy nhiên, những người nuôi loài vẹt này có nguy cơ rủi ro cao vì giá đầu vào cao, sinh sản không đồng đều, tỷ lệ ấp tự nhiên thấp. 


Bên cạnh đó, trong thú vui của giới chơi, chỉ những con vẹt thông minh, được thuần hóa và đào tạo bài bản mới có giá trị kinh tế cao. Ngược lại, những con phát triển tự nhiên dù giống quý, ngoại hình đẹp cũng trở nên vô giá trị. 

 

Ngọc Lan/NZ