Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”
Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, tính đến tháng 8/2014, số lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam khoảng 5.450 container và 1.323 kiện. Trong đó, cảng Hải Phòng có hơn 5.000 container chiếm số lượng lớn nhất, Quảng Ninh: 52 container, Đà Nẵng: 99 container, cảng TP.HCM có 177 container và 1.323 kiện hàng…
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hình xuất nhập khẩu như: tạm nhập tái xuất, nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh.
Mặt hàng tồn đọng chủ yếu gồm: cao su, lốp cao su đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phế liệu, thiết bị điện đã qua sử dụng, hàng điện tử đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh…
“Cảng Hải Phòng có những container hàng đã tồn đọng cả 5-10 năm. Trong số hơn 5.000 container hàng hóa tồn đọng tại cảng này thì có tới hơn 1.000 container tồn từ năm 2006.
Nguyên nhân tồn đọng luợng hàng này là do hàng hóa về cảng Hải Phòng sau đó tái xuất đi Trung Quốc hoặc nước thứ 3 nhưng do chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới phía Trung Quốc nên việc tái xuất hàng hóa gặp khó khăn”, ông Nguyễn Nhật cho hay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nhật cũng nhận định, khoảng 2 năm trở lại đây, quy định về tạm nhập tái xuất thông thoáng hơn, nhiều doanh nghiệp tham gia tạm nhập, khi không tái xuất được đã “bỏ của chạy lấy người”, từ chối nhận hàng.
Hiện nay, số lượng hàng hóa tồn đọng quá lớn, gia tăng nhanh trong thời gian ngắn, đa phần hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng lại có giá trị thấp. Qua kiểm tra, đánh giá chi phí lưu container, phí lưu bãi phải trả cho đơn vị vận tải và kinh doanh kho bãi của nhiều lô hàng lớn hơn giá trị thực tế của lô hàng đó.
Ví dụ, các lô hàng phế liệu cao su hoặc lốp cao su đã qua sử dụng chi phí bình quân trả phí lưu container, kho bãi khoảng 300 triệu đồng/container, trong khi giá trị hàng hóa chỉ khoảng 10-20 triệu đồng/container.
Giải pháp “cứu” cảng biển
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, qua kiểm tra 1.426 container hàng hóa tại cảng Hải Phòng, đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm về việc vận chuyển vào Việt Nam những mặt hàng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập tái xuất không có giấy phép, hàng hóa thuộc danh mục cấm tạm nhập tái xuất, hoặc đã tạm dừng.
Dù đã tính đến việc xử lý hàng hóa tồn đọng, nhưng theo tính toán, cần rất nhiều thời gian, cơ quan chức năng phải kiểm tra thực tế hàng hóa, xác định phân loại đối tượng, thời gian thông báo tìm chủ sở hữu…
Để giải tỏa số hàng hóa trên khỏi các cảng biển, đại diện Cục Hàng hải đề xuất, một số hàng hóa đã có hướng dẫn của Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định.
Còn đối với các lô hàng hóa có người nhận ở Việt Nam nhưng không xuất trình được giấy phép do Bộ Công Thương cấp sẽ phạt tiền và buộc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà doanh nghiệp không thực hiện thì tịch thu hoặc tiêu hủy hàng hóa theo quy định.
Ông Nguyễn Nhật còn kiến nghị Bộ GTVT, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) xử lý 183 container của đơn vị này đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm nhằm hạn chế hư hỏng. Đồng thời, Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan Việt Nam khẩn trương bố trí ngân sách để xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển.
Đối với hơn 2.700 container lốp cao su đã qua sử dụng, ông Nguyễn Nhật kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu, hoặc xử lý làm nguyên liệu sản xuất được thu mua số lượng này.
Theo Thông tư 15/2014 của Bộ Tài chính, toàn bộ các chi phí kho, bãi, kho ngoại quan trước ngày Cục trưởng Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước do chủ hàng hóa chi trả.
Trường hợp chủ hàng hóa từ bỏ, từ chối hoặc không chi trả các chi phí cho các cảng, chủ kho bãi, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; những đơn vị này được phép hạch toán các phần đó vào chi phí doanh nghiệp.