Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lộn xộn, bừa phứa vì không người quản lý!
Phía sau xe rác kinh khủng giữa trung tâm Sa Pa đông đúc này là đoàn người… thi nhau bịt mũi.
Sự bát nháo của du lịch Sa Pa hiện nay là do đâu? Có người đổ lỗi cho lượng khách đổ về quá đông, do đời sống bà con người Việt được nâng cao, xe hơi cá nhân nhiều, xăng giảm giá liên tiếp và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì đã rèo rèo thẳng tiến. Nhưng, thử hỏi, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) còn đông đúc khách du lịch gấp nhiều lần, sao họ không tắc nghẽn đường xá, dịch vụ đội giá rồi các nhân viên tinh tướng đục nước béo cò? Có lẽ, bản chất câu chuyện của Sa Pa, nằm ở cung cách và thái độ quản lý. Những ngày sau Tết Nguyên đán, dù Sa Pa không có băng tuyết để cơ quan chức năng đổ lỗi “người hiếu kỳ đi thăm xứ lạnh” gây tắc đường, song, đường vẫn tắc và vẫn tai nạn như thường. Ôtô đâm nhau trước mắt chúng tôi, trên các cung đường rợn tóc gáy.
Tắc đường ở thị trấn Sa Pa rất trầm trọng.
Xe máy chở 4 người, không mũ bảo hiểm, lao băng băng qua các cung đường dốc, khi gặp tắc đường các trai bản đành phải quay lại, bỏ cuộc du xuân xuống phố.
Các trục đường chính của Sa Pa tắc đến mức… tất cả đứng ị ra rất lâu. Rời Hà Nội để tránh đông đúc, nhiều du khách ngán ngẩm nhìn mấy hướng dẫn viên du lịch đứng ra điều tiết giao thông. Suốt thời gian rất dài ở lại Sa Pa, chúng tôi tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông hay lực lượng quản lý đô thị. Ở khu vực phố Cầu Mây, mấy khách sạn lớn vừa mọc lên để chiếm điểm “view” (cảnh đẹp). Khách sạn quá lớn, mà bãi đỗ xe thì không có. Người ta ngang nhiên chiếm mặt đường làm nơi đón trả khách.
Vì không ai quản lý, nên các nhân viên kinh doanh du lịch thiếu văn hóa cứ cho xe 45 chỗ đỗ chình ình giữa con đường bé toen hoẻn để đón trả khách. Họ đón trả vài chục phút mỗi xe. Lúc ấy, không xe nào đi vừa nữa, thế là tắc. Thậm chí, chúng tôi quay phim chụp ảnh cả những cảnh: Nhân viên khách sạn dẹp đường, bắt các xe lùi tránh để một xe 45 chỗ đỗ bên trái con đường nó đang đi để trả khách, đón khách. Dọc các con đường dốc dác của thị trấn, các nhà hàng khách sạn vô tư cho ôtô của ông bà chủ và xe của khách đỗ trước cửa, chiếm 50% bề rộng con đường. Xe đỗ suốt ngày đêm. Các lái xe thì vô tư quay đầu, quay cả xe 29 chỗ ở con đường chỉ dài gấp rưỡi thân cái xe đó. Họ quay mười mấy phút mới xong một lượt xe.
Trước cửa nhà thờ đá Sa Pa, có biển sắt treo đàng hoàng là cấm xe ôtô vào giờ cao điểm, nhưng xe không chỉ đi thoải mái suốt ngày đêm mà còn đỗ vô lối suốt ngày đêm ở đó. Các khu vui chơi công cộng, các ngã ba đường rộng rãi trước cửa Công an huyện, ven sân vận động trung tâm, bạt ngàn xe máy, ôtô đỗ kín. Không còn không gian cho các hoạt động du lịch. Chúng tôi đã “thí nghiệm” để kiểm tra nỗ lực của các cơ quan quản lý đô thị, quản lý du lịch của Sa Pa: Bất kỳ nơi nào có chỗ trống, bạn đều có thể đỗ xe hơi thoải mái, kể cả nơi có biển cấm đỗ, cứ bỏ đó suốt ngày đêm không ai hỏi han gì. Các khách sạn đều bảo khách của mình: Đỗ xe ven đường dốc rồi vào nghỉ, bên mép vực hun hút, mặc các xe khác len lỏi khó nhọc, chỉ một va chạm nhẹ là xe nọ ủi xe kia xuống vực.
Câu hỏi đặt ra là: Lực lượng chức năng ở đâu? Với cung cách quản lý èo uột, được chăng hay chớ đó, thì uy tín của du lịch Sa Pa sẽ đi về đâu? Nếu cứ để những người trực tiếp trục lợi nhờ kinh doanh du lịch chụp giật kia “quản lý”, thì không chỉ hình ảnh “con gà đẻ trứng vàng” Sa Pa sẽ mất uy tín mà hơn thế, nó còn là một nỗi hổ thẹn của tất cả chúng ta trước du khách quốc tế. Tôi bị ám ảnh bởi những buổi sáng tắc đường cả tiếng đồng hồ trên phố Cầu Mây của Sa Pa. Một vị tu hành mặc áo thâm đứng ra điều hành các xe ôtô chen nhau trên con đường bé xíu. Phía dưới là vực sâu.
Các xe lùi vào phía bụi tre, mép vực trong tiếng hò hét hốt hoảng: “Thôi ôi!” của rất nhiều người chứng kiến. Không xe nào nhường xe nào, chỉ một sơ xuất nhỏ là nhiều người tan xác. Các tài xế phải đề-pa rất vất vả để nhích từng tí một trên cung đường dốc cao. Đoàn người Mông từ Hầu Thào, Bản Dền, Sa Pả… cũng chán nản vòng lại bản mình, không thể nào xuống được thị trấn để du xuân. Nhiều du khách bị lạc nhau nháo nhác. Chợt nghĩ: Với lượng du khách đó, với lượng ôtô quá nhiều đó, Sa Pa cần có phương án cấm xe to, thậm chí cấm ôtô vào các con phố bé bằng “mắt muỗi” kia trong những ngày cao điểm, giờ cao điểm. Sa Pa cũng cần quy trách nhiệm, bố trí người điều tiết giao thông. Lúc tai nạn xảy ra, cũng đừng đổ lỗi cho… số trời rồi các cán bộ vuỗi tay bảo “đã làm hết trách nhiệm”. Xin nhấn mạnh: Sa Pa đang thu tiền du khách đến du lịch bản làng, họ cần có trách nhiệm với các sản phẩm du lịch họ đưa ra, cần có trách nhiệm với sự an nguy của du khách!
Đeo bám khách du lịch nước ngoài một cách khủng khiếp.
Khu vực “đài vọng cảnh” mới xây dựng, trở thành nơi bán hàng và đem con nhỏ trần truồng nhếch nhác ra… xin tiền.
Một hòn đá chênh vênh dọc con đường đông đúc, phố Cầu Mây, người ta phải dùng cọc gỗ chống đỡ cho nó.
Những cô gái Mông bịt mũi và các nàng Tây bỏ chạy
Một vấn đề nữa là tính minh bạch trong quản lý du lịch ở Sa Pa. Nhiều người đưa ra những bằng chứng cụ thể, tố các nhân viên khách sạn ở Sa Pa lúng túng, vụng về, vô trách nhiệm trong việc nhận thông tin đặt phòng của du khách. Có người hướng dẫn địa điểm sai, khiến người ta “chết chìm” trong các đám tắc đường và không thể nào quay nổi xe ra khỏi các con đường hẹp, rồi phải xin lỗi khách. Có người nhận thông tin đặt phòng, rồi lấy phòng đó cho người trả giá cao hơn để kiếm lời, lúc khách đến thì vứt cho họ cái đệm nằm dưới sàn. Lúc cao điểm, giá phòng được “hét” trên trời. Đường xá tắc tị, các điểm đỗ xe tạm bợ, vừa san ủi lổn nhổn vừa khai thác, nhiều khối đá lớn dọc con đường trục chính của thị trấn du lịch vẫn đang trong trạng thái… chống cột gỗ để tránh đổ sập, vậy mà xe cộ, người thăm ngắm vẫn ùn ùn. Nhiều công trình phủ bạt bẩn thỉu, nước lênh láng đổ ra đường, trong khi du khách thì kêu trời vì không có nước sinh hoạt. Hàng trăm nhà nghỉ khách sạn mọc lên, 100% xe cộ đỗ ven mặt đường. Đoạn cuối phố Cầu Mây xuống các bản, mặt đường chỉ rộng vừa hai cái ô tô 7 chỗ tránh nhau, vậy mà các “trung tâm du lịch”, nhà hàng khách sạn (nhiều khách sạn 6-7 tầng) vẫn dùng 100% bãi đỗ xe của mình là mặt đường! Vấn đề ở đây không còn là ý thức của người kinh doanh nữa, mà nó là bài toán quy hoạch, là trách nhiệm của nhà quản lý ở địa phương!
“Thú rừng” bị chặt đầu, thui đen nhẻm, kẹp vào các phên tre lớn được các chàng trai đứng ven các con đường dốc đứng thò thụt, nhử nhử… mời các xe du lịch dừng lại mua. Liên tục các gã trai bản tay cầm con rắn cuồn cuộn, giơ ra đường nhựa chào hàng. Đứng ở góc độ bảo tồn, văn hóa, đó là một thứ kinh doanh du lịch dã man. Đứng ở góc độ an toàn giao thông, đó là điều không chấp nhận được.
Nhưng đứng ở góc độ quản lý: Đó là một sự “sống chết mặc bay”. Cả nước từng bức xúc với mười mấy cái dự án thủy điện tung hoành, băm nát Sa Pa. Báo chí lên tiếng, ngót chục cái dự án thủy điện bị dừng. Số còn lại vẫn tưng bừng phá núi. Và chúng tôi nghe tiếng rên xiết của các bản làng ven suối Mường Hoa tuyệt đẹp, tre trúc, rừng cây từng in đậm trong trí nhớ, trong hàng triệu thước phim của du khách trong và ngoài nước của họ bị phá tan hoang, suối hết nước, suối nước nóng cạn trơ, du lịch nhà sàn (homstay) không còn một du khách nào dám đến. Các con đường du lịch cũng bị cày xới tan tành. Người ta vô tư lập chốt thu vé 50.000 đồng/khách đi xuống phía Hầu Thào, Bản Dền, rồi cũng chả thèm đếm người, chả thèm xé vé, lấy tiền xong ai đi đâu thì đi, đỗ xe chỗ nào thì đỗ, đoạn nào xấu quá không đi được nữa thì quay lại mà… về.
Gần đây, Sa Pa có bắt chước các nơi khác, làm vài cái sàn bêtông thò ra mép vực có thắng cảnh đẹp, gọi là địa điểm dừng lại để ngắm. Tuy nhiên, kết cấu, vóc dáng các điểm đó cứ lù lù, thô kệch, chính nó lại phá vỡ cảnh quan của Sa Pa. Chưa kể, lên mặt sàn ngắm cảnh đó, thấy la liệt toàn phụ nữ và trẻ em bán hàng, những đứa trẻ trần truồng nằm phơi nắng, lũ lượt phụ nữ bế con ra vừa bán hàng vừa kéo tay chân du khách, tôi luôn có cảm giác họ đang phơi bày đói khổ để ăn xin. Và sự thật là họ đã xin tiền chúng tôi một cách dai dẳng vô cùng. Nếu xem những bức ảnh dưới đây, bạn sẽ tin lời tôi, rằng: Nếu phỏng vấn 100 khách du lịch nước ngoài về cái điều họ sợ nhất khi đến Sa Pa, ngoài tắc đường thì dĩ nhiên là có nạn… chèo kéo, xin tiền, đeo bám dai như đỉa kể trên.
Năm nay, chùa Hương khai hội với chi tiết rất mới: Lực lượng công an bắt tạm giam, xử lý nghiêm nhiều đối tượng cò mồi từng gây bức xúc lớn trong dư luận. Thử hỏi, Sa Pa bao giờ mới xem lại mình để có một không gian và cung cách phục vụ du khách tử tế hơn? Nói thì bảo “kỹ tính”, nhưng giữa phố núi tắc đường hàng tiếng đồng hồ, không thấy bất cứ lực lượng nào đứng ra giải vây cho du khách thì đã đành, tôi còn liên tục chứng kiến các “cỗ quan tài bay” mang tên “vì môi trường xanh sạch đẹp”, cũng vô cùng đáng sợ. Những xe rác há mồm (xem ảnh) toàn xú uế, trên đó vắt vẻo vài công nhân môi trường, họ đổ ào ào, néo vèo vèo rác lên xe, rồi phụt khói đen kịt đứng rất lâu trên các triền dốc “làm nhiệm vụ”. Lại tắc đường, tắc trong bẩn thỉu hôi thối, các cỗ xe rác há mồm nhểu nước bẩn. Khách Tây bịt mũi chạy, các chị em người Mông chỉ biết đứng im, bịt mũi, nhăn mặt (xem ảnh). Xin hỏi: Có nhất thiết phải thu gom rác vào giờ đó không, có thu gom bằng cách nào khác để không làm náo loạn và kinh sợ phố núi vốn tuyệt mỹ kia như thế không?
Vâng, thiếu gì cách, vấn đề là quý vị quản lý ở địa phương ấy có định tìm một cách tử tế để phố núi, thiên đường du lịch này đỡ thấy xấu hổ với du khách hay không thôi! Vài chuyện kể trên, nói là lặt vặt thì cũng lặt vặt, nói là to tát, nó phủ lên tâm trạng và ký ức của hàng triệu du khách Việt Nam và quốc tế khi đến với Sa Pa thì cũng là rất to tát. To đến như việc băm nham nhở, tàn sát hệ sinh thái trên nóc nhà Đông Dương Phansipang ra để làm cáp treo, to đến như “kỷ lục Việt Nam” mười mấy cái dự án thủy điện “bủa vây” một miền du lịch cổ tích bé nhỏ Sa Pa… thì dĩ nhiên là việc của quốc gia đại sự rồi. To vậy họ còn vẫn làm. Làm ngót hai chục dự án thủy điện ở các con suối toen hoẻn ấy (họ làm vì muốn trục lợi ở cái khác, chứ không phải vì thủy điện!), đến lúc bị kêu ca tố cáo thì cắt giảm bớt dăm bảy cái đi (!), coi như mình đã sai, sai nhưng họ vẫn làm. Họ đã làm. Cứ với đà này, thì bao giờ Sa Pa mới “xem lại mình” được đây?
Tôi hứa, cứ với sự xuống dốc này, tôi sẽ không quay trở lại Sa Pa để “du lịch bực mình” nữa; nhưng mà tôi cũng biết, tôi chứ một triệu người như tôi không muốn quay trở lại Sa Pa nữa, thì các nhà quản lý, các cá nhân trục lợi thiển nghĩ ở nơi này họ cũng chẳng cần. Nhìn cái cách họ làm, tôi biết họ chẳng cần du khách phải quay trở lại.