Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Vụ đóng cửa bãi rác Phước Hiệp: Vì sao trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?
>>Vụ đóng cửa bãi rác Phước Hiệp: Ai tham mưu cho Công ty VWS độc quyền?
Biểu tình chống tình trạng tội phạm thao túng ngành xử lý rác tại Napoli -Ảnh: Vice
Theo tờ Le Monde, hằng năm các nước EU thải ra 2,6 tỉ tấn rác, trong đó có 90 triệu tấn là rác độc hại. Kết quả thanh tra mới nhất tại châu Âu cho thấy khoảng 19% lượng rác trên được xử lý bất hợp pháp và nằm dưới sự thao túng của nhiều tập đoàn tội phạm đa quốc gia, đặc biệt là tại Ý và Pháp.
Trong đó, khét tiếng nhất là tổ chức Camorra được cho là kiểm soát gần như toàn bộ những gì liên quan đến rác thải ở Napoli, thủ phủ vùng Campania của Ý như thu gom, vận chuyển và xử lý.
Tờ Les Echos dẫn lời một số chuyên gia và quan chức cho hay trong hơn 2 thập niên qua, Camorra đã bất chấp luật pháp chôn gần 10 triệu tấn rác thải công nghiệp độc hại tại Napoli.
“Ngon ăn” hơn ma túy
Theo tờ Le Figaro, doanh thu từ rác của Camorra lên tới 7 tỉ euro/năm, chỉ thấp hơn một chút so với doanh thu của buôn lậu ma túy nhưng ít rủi ro và quản lý dễ dàng hơn nhiều.
Như lời của Nunzio Perrella, một ông trùm hoàn lương, nói: “Chúng tôi không còn chơi với ma túy nữa mà chuyển sang thứ khác, mang lại nhiều tiền và ít nguy cơ hơn – đó là rác. Với chúng tôi, rác là vàng”.
Lợi nhuận cao như vậy nên nhiều tổ chức tội phạm ở các nước khác cũng đã theo chân Camorra để tiến vào thị trường rác. Mới đây, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 12 thành viên của băng nhóm do Jean-Claude Hornec đứng đầu. Nhóm này chuyên thầu xử lý rác của các công ty xây dựng.
Rác thải, gồm những loại rất độc hại, bị chúng chôn trái phép ở các khu đất cách thủ đô Paris 20 km về phía đông bắc. Lợi nhuận từ kinh doanh rác phi pháp đã giúp chúng có cuộc sống rất xa hoa với hàng chục chiếc siêu xe hay những chuyến đi nghỉ bằng máy bay riêng…
Cách thức hoạt động của các tổ chức tội phạm rác khá giống nhau: lập hàng trăm công ty bình phong để tìm kiếm hợp đồng xử lý rác, đặc biệt là rác công nghiệp độc hại, với giá rất rẻ.
Đơn cử, Camorra sẵn sàng giải quyết mớ rác chứa đầy amiante (chất gây ung thư có trong một số vật liệu xây dựng), những thùng a xít hay cặn thừa nhiên liệu chỉ với 10 cent (chưa tới 2.400 đồng), trong khi giá của các dịch vụ hợp pháp phải gấp đôi đến gấp 6 lần tùy mức độ độc hại.
Để có mức giá “hấp dẫn” này, bọn tội phạm chôn lén rác tại các cánh đồng hoang hoặc bãi đất trống, có chỗ nằm khá gần các khu dân cư. Ngoài ra, bọn chúng còn móc nối với quan chức để “mua” đất của nông dân bằng giá rẻ mạt nhằm sở hữu thêm nhiều bãi chứa rác.
Vươn vòi đến Đông Âu
Từ Ý, Camorra đang dần mở rộng “dịch vụ vệ sinh” cho khách hàng ở nhiều nước châu Âu. Bên cạnh đó, các tổ chức tội phạm khác của Ý cũng không bỏ qua miếng bánh béo bở này nhưng không thể cạnh tranh với Camorra và mafia Tây Âu nên bắt đầu tiến sang thị trường Đông Âu.
Theo tờ L’Espresso, Interpol đã phải cảnh báo về việc các công ty xử lý chất thải từ Ý “nở rộ” tại Romania. Các công ty này thường xuyên thay đổi tên, thậm chí chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác nhưng lối hoạt động phi pháp thì “không lẫn vào đâu”: rác thải độc hại vẫn bị chôn ở các bãi chứa trái phép và gây ô nhiễm nặng cho nhiều địa phương.
Theo L’Espresso, mafia Ý sở hữu các công ty rác ở thủ đô Bucharest, vùng tây bắc và khắp miền nam Romania, kéo dài đến tận biển Đen và giành được các hợp đồng xử lý rác công cộng, vốn thường được EU hỗ trợ tài chính để hiện đại hóa trang thiết bị.
Tất nhiên không phải ở đâu ngành xử lý rác đều có mafia, nhưng sự biến tướng lộ liễu như ở châu Âu đang là mối lo của cộng đồng châu lục này.
Những vùng đất chết
Sau nhiều năm trời bị mafia rác bủa vây, vùng Campania nói chung và các thành phố Napoli, Nola, Marigliano và Ancerra nói riêng đã trở thành khu vực ô nhiễm bậc nhất châu Âu.
Le Monde dẫn kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Mỹ cho thấy chì, naphthalene (long não) và nickel hiện diện trong nước ngầm ở Napoli với nồng độ cao “không thể chấp nhận được”.
Mật độ các bãi chôn rác được bao quanh bởi Nola, Marigliano và Ancerra cao đến mức chuyên san y khoa The Lancet gọi đó là “tam giác chết”.
“Nhiều mẫu xét nghiệm máu của người dân địa phương có lượng dioxin ngang với lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của dân Campania thấp hơn 2 năm so với mặt bằng cả nước, dù chúng tôi có dân số trẻ nhất”, bác sĩ chuyên khoa ung bướu Antonio Marfella cho tờ Le Point hay.