Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rừng là văn hóa

(15:50:49 PM 01/03/2015)
(Tin Môi Trường) - Văn hóa là phạm trù thuộc về con người, phân biệt con người với tự nhiên, đưa con người “thoát ra” khỏi tự nhiên để thành người; là dấu vết của con người in lên tự nhiên. Các nghiên cứu văn hóa đã chia thế giới ra làm hai phần: tự nhiên và văn hóa. Tự nhiên là những gì chưa thành văn hóa. Văn hóa là những gì không phải tự nhiên.

Rừng là văn hóa

Những hàng cây xanh dọc đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Nội) bị chặt đi để lại nhiều tiếc nuối với người thủ đô - Ảnh: Lê Hiếu


Lâu nay, ai cũng biết rừng là tự nhiên, tức là không phải văn hóa theo cách hiểu thông thường. Quan niệm rừng là tự nhiên là quan niệm vẫn đúng. Nhưng từ đó mà cho rằng rừng không phải là văn hóa thì lại không đúng. Trong quan niệm chia thế giới thành hai phần, tự nhiên và văn hóa, thì rừng là vùng trùng lắp, vừa là tự nhiên vừa là văn hóa. Vì vậy, vai trò của rừng quan trọng như vai trò của tự nhiên cộng với vai trò của văn hóa. Nói cách khác, rừng còn quan trọng hơn tự nhiên và cũng quan trọng hơn văn hóa. Rất đặc biệt.


Như chúng ta đã biết, thuở xa xưa, khi bắt đầu xuất hiện con người, từ sự tiến hóa của một loài vượn người thông qua lao động và các sinh hoạt cộng đồng, con người từ trong rừng sâu hun hút bước ra, tụ tập lại bên các dòng suối, dòng sông, người hóa một không gian rừng để thành làng, rồi sau đó tiếp tục di chuyển xuống đồng bằng và ra biển. Vậy là con người, đồng thời với con người là văn hóa, đã khởi nguyên từ rừng. Nói cách khác, rừng là “chiếc nôi” mà từ đó con người được sinh ra, lớn dần lên. Cho đến ngày nay, đồng bào ở miền núi nhiều nơi vẫn còn giữ phong tục “bỏ mả”. Khi con người mất đi, sau một thời gian không lâu sẽ làm lễ trả họ về với núi rừng, nơi từ đó con người đã bước ra, để họ hóa thân trở lại với rừng, hóa thân vào từng ngọn cỏ cành cây, để cho cỏ cây cũng có linh hồn, để có không gian sinh tồn của con người giàu tính nhân văn. Rừng thiêng đã góp phần cho ổn định xã hội, yên vui cho cuộc sống con người. Đồng bào miền núi một số nơi đã biết răn bảo nhau cùng bảo vệ các loài cây có bộ rễ giữ nước tốt, dù đó chỉ là thứ cây gỗ tạp; biết cúi lạy cây trước khi chặt về làm nhà, bề ngoài là chuyện thần linh, nhưng bên trong sâu xa là văn hóa ứng xử với rừng.


Rừng Tây nguyên là không gian sinh tồn của đồng bào bản địa. Rừng không chỉ cho con người cái ăn, cái mặc mà còn nuôi dưỡng tâm hồn cho phong phú và chân thiện hơn. Âm nhạc, hội họa, thi ca, điêu khắc... của Tây nguyên phản ánh cuộc sống của con người gắn bó trong máu thịt với tự nhiên bao la và chân thật. Tôi đã nghe chuyện anh bộ đội trốn đơn vị chạy về thăm làng và thăm rừng cho đỡ nhớ rồi trở lại công tác và chiến đấu anh dũng cùng đồng đội của mình.


Một tiếng suối róc rách, tiếng con chim, con thú, tiếng mưa rừng và cả mảnh trăng cuối rừng kia nữa... tất cả đều là cuộc sống tâm hồn của con người. Không chỉ Tây nguyên đâu, không chỉ miền núi đâu. Tôi có biết mấy người bạn tốt quê ở Hà Nội, ở TP.HCM, khi đi xa, sống xa, cả không gian và năm tháng, các anh ấy vẫn nhớ hoài trong ký ức về hàng cây cuối phố, với bóng mát, màu xanh, hương thơm dịu nhẹ và cả những kỷ niệm của hai người hò hẹn. Những hàng cây cuối phố ấy, và những công viên cây xanh nữa, tự khi nào không biết, đã ở trong tâm hồn các anh và góp phần làm nên nhân cách.


Mà không riêng ở VN ta đâu. Ở châu Âu cũng vậy. Một lần khi đến London, chúng tôi hỏi một người Anh ở thủ đô của họ có những công trình văn hóa nào mà chúng tôi nên đến tham quan. Ông ấy kể trước tiên là một rừng cây (có người còn gọi là khu rừng nguyên sinh) và sau đó mới đến các công trình khác. Tại Paris và Kiev tôi cũng nghe người Pháp và người Ukraine nói về sự yêu thích của họ đối với những rừng cây trong thành phố. Người ta nói và tự hào Kiev là một thành phố xanh, nơi có rừng trong phố và phố trong rừng. Một lần khác, đến Moscow, chúng tôi đi thăm 6 công trình văn hóa nổi tiếng, trước khi về nước, một ông bạn người Nga nói: “Tiếc quá, không còn thời gian nữa để tôi đưa các anh đi xem các cánh rừng ven đô Moscow. Chưa đến đó, các anh chưa hiểu hết được tâm hồn Nga của chúng tôi đâu”. Nghe ông nói vậy, tôi nhớ lại một mảng văn học, nghệ thuật Nga rất nổi tiếng về “Mùa hè rớt”, “Mùa thu vàng”, “Mùa lá đỏ” và “Mùa lá đổ” có ngọn nguồn từ những cánh rừng Nga. Ở nước Áo cũng vậy, nơi đây là một trong số các trung tâm du lịch và chiếc nôi của nền âm nhạc thế giới, Mozart và Beethoven đã sống và sáng tác âm nhạc, người ta đã yêu quý và bảo vệ các rừng cây là di sản quốc gia.


Tại châu Âu, ở các trung tâm - khu phố bán tranh vẽ, có lần tôi đã thử đếm và phân tích xem người ta đã vẽ những gì. Bảy mươi phần trăm là rừng và làng, mười phần trăm là người đẹp, hai mươi phần trăm còn lại là các đề tài khác. Không thấy người ta vẽ phố, mặc dù đang ở giữa khu phố chọc trời. Có chăng chỉ là một vài góc phố cổ, như những hồi ức. Không phải nói chuyện người ta đã vẽ gì mà tôi muốn nói những gì đã làm cho tâm hồn người nghệ sĩ rung động để họ thể hiện trong những bức vẽ rất có hồn. Rừng và làng vẫn là thứ hấp dẫn nhất, hơn gấp nhiều lần so với người đẹp.


Vậy đó. Cho nên tôi nghĩ, rừng là văn hóa. Ứng xử với rừng như thế nào đó là biểu hiện văn minh hay dã man. Nghĩ mà tiếc cho rừng đại ngàn ở Tây nguyên gần như đã mất, cũng có nghĩa là xóa bỏ phần rất quan trọng của nền tảng văn hóa; tiếc cho những hàng cây xanh dọc phố đã bị chặt đi, tiếc cho việc quy hoạch các khu phố không có các rừng cây, để môi trường ấy ngày đêm bền bỉ và cần mẫn làm cho tâm hồn con người phong phú hơn lên, chân thiện hơn lên. Việc quy hoạch các đô thị không nên bắt đầu bằng xây dựng cái gì ở đâu, tận dụng không gian tối đa, mà trước tiên hãy bắt đầu tính những chỗ không xây gì cả, chừa cho các rừng cây, không sợ dư thừa lãng phí không gian. Bởi đó là không gian sống. Đừng để cho các khối bê tông chèn ép con người, làm cho con người trở nên bé nhỏ lại.

TS Vũ Ngọc Hoàng /TNO