Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bản sắc
Bài chòi dân gian là sản phẩm đặc sắc của cộng đồng người Việt Trung bộ. Mang theo mình chức năng giải trí, cầu lộc, thử vận đầu năm, nghệ thuật bài chòi trải qua nhiều thăng trầm. Ngay tên gọi, hình thức diễn xướng cũng liên tục thay đổi, từ hô đến hát, từ bài chòi đất đến bài chòi giàn, từ bên trong đến bên ngoài lễ hội... Từng bị lãng quên, mai một, cuối thập niên 1990, bài chòi dân gian mới dần dà hồi phục. Giai đoạn thực sự sôi nổi của bài chòi là 15 năm trở lại đây, sau một chủ trương rất được lòng địa phương của Bộ VHTTDL. Bây giờ, đi dọc Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên... rất hiếm nơi thiếu vắng "sàn diễn" bài chòi truyền thống mỗi khi xuân về, tết đến.
GS. TS Trần Quang Hải (Pháp), ở một bài viết nhan đề "Nguồn gốc hình thành, đặc trưng nhạc ngữ, tiết tấu, thi ca trong hát bài chòi miền Trung Việt Nam" đã cất công trích lục nhiều nguồn tư liệu, tóm tắt các kiến giải về cơ sở đời sống - xã hội của bài chòi.
Công trình của GS. TS Trần Quang Hải mô tả từ cách tổ chức ("Bài chòi thường được tổ chức ở sân đình, sân chùa hoặc chợ. Người ta cất 9 chòi xếp chung quanh thành hình chữ nhật, quay mặt vào sân chơi. 8 chòi nằm dọc theo hai cạnh chữ nhật, mỗi bên 4 chòi. Chòi trung ương, lớn hơn, nằm chính giữa. Đối diện với chòi trung ương là rạp hội đồng dành cho ban tổ chức"), hình dạng bộ bài đến thể thức một cuộc chơi bài chòi.
Tìm hiểu quá trình phát triển, biến thể của bài chòi, ông Hải tỉ mỉ dẫn ra cả số lượng lẫn tuổi tác của những "anh hiệu" đang sống và trình diễn bài chòi ở Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn. Phần quan trọng nhất của tiểu luận phân tích đặc trưng làn điệu, thang âm, kỹ thuật hát, nhịp, phách, thể thơ... của bài chòi.
Nhà trí thức Việt kiều tâm huyết với âm nhạc, văn hóa dân tộc khuyến cáo: "Điều quan trọng nhứt là nhu cầu đánh thức sự quan tâm, chú ý của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn vốn cổ. Phải quan sát tất cả những vùng có hát bài chòi để xem bộ môn này đang bành trướng hay đã mai một. Từ đó mới đưa ra chương trình phục hồi hát bài chòi cổ với tất cả những trình tự của cuộc chơi".
Có câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan, vẫn cứ còn lơ lửng là nên xác định thành tố nào cho bộ hồ sơ quốc gia về bài chòi. Cho rằng "không nên và không thể bắt bài chòi dân gian cùng các yếu tố của nó đóng băng ở một dạng hoặc một giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển tự nhiên", tác giả kiến nghị đặt sân khấu bài chòi dân gian bên cạnh dạng thức hô bài thai, bài chòi độc diễn. Đây là ý kiến đi ngược xu hướng được nhiều người cổ vũ, chẳng hạn như ở hội thảo bài chòi hồi tháng 9.2014, rằng chỉ nên tập trung vào bài chòi nguyên gốc.
Đã có nhiều cố gắng "khai quật" bản sắc nghệ thuật chơi bài chòi ở từng vùng đất: Quảng Trị, Phú Xuân - Huế, Hội An, Bình Định. NSUT Nguyễn Kiểm, bậc "trưởng lão" làng bài chòi Bình Định không thôi đắm đuối với cái độc đáo lạ lùng của bài chòi chiếu và vai trò anh hiệu.
Ở cuộc hội thảo bài chòi vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn hôm 13, 14.1, nhiều người đã xúc động nghe nghệ nhân này trình bày tham luận về chủ đề trên bằng văn bản trước khi biểu diển thị phạm với tất cả sự run rẩy của một ông già ngoại 80 suốt đời đau đáu cùng bài chòi.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khảo sát đời sống của "thai, hô thai và hô bài chòi". Ông Trảng đã chỉ ra khả năng tổng hợp mạnh mẽ của nghệ thuật bài chòi. Ở đó có trò chơi - giải trí, có thử tài - thắng thua, có "công chúng" và "nghệ sĩ", khuôn mẫu và sáng tạo. Một trong những biểu hiện sáng tạo, theo ông, là cách phúng dụ tên con bài trong bộ bài tới: "Phúng dụ được sử dụng như thành tố thi pháp góp phân làm thi vị ca từ của hô thai/ bài chòi, theo đó, tăng cường sự lý thú cho người chơi".
Và sự tương đồng
Viện trưởng Viện Ân nhạc Việt Nam, TS Nguyễn Bình Định, là một trong những người tâm đắc với hướng đi mới trong nghiên cứu bài chòi: Khảo sát sự gặp gỡ, tương đồng giữa bài chòi với một số hình thức nghệ thuật khác trên thế giới. Ông Định nhắc tới sự gần gũi của lối độc diễn bài chòi Việt Nam với pansori Hàn Quốc, cổ từ Trung Quốc, hát nói Angieri, Ấn Độ.
Ông bày tỏ niềm tin rằng hướng nghiên cứu so sánh, một khi được khai phá sẽ cung cấp thêm cơ sở khẳng định những nét riêng, độc đáo của nghệ thuật bài chòi. Không cần chờ lâu, lời "kêu gọi" của TS Định được nhà nghiên cứu Lào Bountheng Souksavatd hưởng ứng bằng thao tác đối chiếu nguồn gốc bài chòi với lý do xuất hiện của đàn tunglung, nhạc cụ dân tộc vùng Nam Lào ra đời từ những chòi canh thú rừng cũng như sự đồng điệu giữa vai trò anh hiệu trong bài chòi với khô - xốc trong nghệ thuật lăm - vông.
"Họ chẳng khác gì các MC thời đại, là người dẫn chương trình chính không thể thiếu trong các buổi diễn thuyết hay biểu diễn", Bountheng Souksavatd nhận xét. TS Seong - Yong Park (Hàn Quốc) liệt kê hàng loạt "dấu hiệu tương tự" của bài chòi với nhiều di sản phi vật thể ở đất nước ông như baltal (được UNESCO công nhận là tài sản phi vật thể quan trọng số 79), jindo dasiraegi (số 81), pansori (số 5).
Làm việc cho một tổ chức hợp tác với Bộ VHTTDL về bảo tồn di sản, TS Seong - Yong Park cung cấp kinh nghiệm nhận diện các mối đe dọa đối với di sản, sự phụ thuộc của tương lai di sản trước hành động, ý thức cộng đồng. Bảo vệ, trao truyền di sản thông qua cộng đồng, theo ông là mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức, phát triển các chương trình giáo dục, cho phép người dân tham gia quá trình đề cử, tăng cường bảo vệ bản quyền liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể...