Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lấy nước ngọt từ nước biển

(15:09:54 PM 20/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Sử dụng các cồn cát để chưng cất nước ngọt từ nước biển là ý tưởng sáng tạo của TS. Bùi Du Dương, Phó Trưởng Ban Quan trắc Tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia. Giải pháp này có thể mang đến nguồn nước cho các vùng biển, vùng khô hạn trên khắp cả nước.

 Lấy nước ngọt từ nước biển

TS. Bùi Du Dương trình bày ý tưởng giải pháp công nghệ sáng tạo đề xuất 


Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt


Cứ mỗi năm bước vào mùa khô hạn, người dân miền Trung lại lo lắng phải đối mặt với tình trạng khô hạn thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.


Nguyên nhân là do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, do điều kiện khí hậu, thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch ở nhiều nơi. Ngoài ra, nguyên nhân còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm nước... Nước sạch đang ngày một khan hiếm. An ninh về nước cho đời sống và phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo vệ môi trường đã và đang không được bảo đảm ở nhiều nơi.


Ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2014, các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 50% - 90% so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, dòng chảy từ thượng nguồn các năm suy giảm, nhiễm mặn xâm nhập khá sâu vào vùng hạ lưu.


Khắc phục tình trạng thiếu nước sạch cho người dân, các địa phương miền Trung đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, tranh thủ huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình nước sạch như thực hiện các giải pháp tích trữ nước mưa, tiết kiệm nước sạch, nhất là trong mùa hè, khoan giếng tìm mạch nước ngầm sạch phục vụ đời sống hàng ngày…


Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ áp dụng có hiệu quả tại một số địa phương, nhiều nơi vẫn báo động tình trạng thiếu nước sạch như Nghệ An, Thanh Hoá… Bởi vào mùa khô hạn, nhiều nơi không có mưa, hay có nước mưa cũng không đảm bảo được vệ sinh an toàn nguồn nước do ô nhiễm đô thị hóa nặng nề. Nhiều địa phương, không có mạch nước ngầm sạch để người dân khoan lấy nước, đặc biệt các địa phương ven biển, việc xâm nhập mặn ngày càng lớn vẫn là nguy cơ lan giải cho bài toán nước sạch…


Lấy nước ngọt từ nước biển
Sơ đồ tổng thể giải pháp công nghệ “Hệ thống chưng cất nước ngọt từ nước biển sử dụng các cồn cát tự nhiên”


Áp dụng giải pháp công nghệ xử lý nguồn nước


Nhằm thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng thành quả khoa học công nghệ vào cuộc sống và mang trí tuệ của mình đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt trong việc xử lý nguồn nước sạch, TS. Bùi Du Dương, Phó Trưởng Ban Quan trắc Tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã nghiên cứu và phát minh ra ý tưởng sáng tạo “Thiết kế hệ thống chưng cất nước ngọt từ nước biển sử dụng các cồn cát tự nhiên” và giành chiến thắng Cuộc thi Sáng tạo Việt với chủ đề “Giải pháp mới hỗ trợ cấp thoát nước, phát triển kinh tế địa phương”.


Theo TS. Dương, ý tưởng này sử dụng các cồn cát tự nhiên bằng cách rất đơn giản là đặt thêm một lớp vải địa kỹ thuật vào sát bề mặt bãi cát làm ngưng tụ hơi nước và hạn chế bốc hơi, dưới tác động của bức xạ mặt trời, nước biển sẽ bốc hơi và ngưng tụ tại lớp vải địa kỹ thuật, kết hợp với nước mưa thấm từ trên bề mặt sẽ hình thành lớp nước ngọt trong lòng bãi cát. Người dân có thể bơm khai thác trực tiếp hoặc sử dụng nước ngọt thông qua các mạch lộ hoặc bầu nước ở khu vực địa hình thấp. Điểm mới của ý tưởng sáng tạo là sử dụng cồn cát tự nhiên và năng lượng mặt trời để phục vụ cho quá trình hoạt động của cả hệ thống chưng cất nước ngọt.


TS. Dương cho biết, giải pháp sáng tạo này có rất nhiều ưu điểm. Do không sử dụng nhiên liệu, không xả thải, ít sử dụng vật liệu xây dựng cho nên hệ thống chưng cất rất thân thiện với môi trường. Hơn nữa, chi phí đầu tư thấp, dễ vận hành nên có thể ứng dụng rộng rãi, ngay cả ở nơi xa xôi, hẻo lánh, khoa học công nghệ kém phát triển; không chỉ hiệu quả cao về nước sử dụng mà còn giúp đẩy mặn, hạn chế sa mạc hóa và tăng cường đa dạng sinh học.


Hiện nay, ở các khu vực ven biển, hải đảo... tình hình khô hạn, thiếu nước đang ở mức hết sức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Với ý tưởng sáng tạo này, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ góp phần đem thành tựu của khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống và giải quyết hiệu quả tình trạng khan hiếm nước ngọt của các tỉnh miền Trung đất nước.

Theo MONRE.GOV.VN