Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nỗi buồn mang tên VAM
Ở tuổi 80, ông Lê Trọng Sành vẫn tâm huyết với công trình chế tạo máy bay nhỏ của VN. Dù không phải là người trong cuộc, nhưng vị trung tá không quân này là một trong những người buồn nhất và cũng bức xúc nhất khi chiếc máy bay VAM-1 đang bị lãng quên.
Trong buổi gặp gỡ với những người cùng tâm huyết tại TP.HCM gần đây, ông Lê Trọng Sành không giấu nỗi bức xúc.
"Tôi cảm thấy đáng tiếc cho chiếc VAM-1, bay chưa được 1 tiếng đồng hồ rồi đem cất trong kho suốt hơn 5 năm rưỡi qua. Xe gắn máy để lâu ngày không chạy cũng bị hư hỏng, huống gì là máy bay. Để lâu 2 năm nữa có nước đem đi bán phế liệu", ông Sành lo lắng.
Ngày 8.12.2005, chiếc VAM-1 do phi công Phạm Duy Long lái cất cánh tại sân bay Long Thành (Đồng Nai) - Ảnh: do ông Lê Trọng Sành cung cấp
Tháng 4.2003, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Hội Cơ học VN chủ trì chế tạo thử máy bay cánh quạt nhỏ loại 2 chỗ ngồi. Chiếc máy bay nhỏ VAM-1 đã được thiết kế, chế tạo với nguồn vốn đầu tư được huy động từ nhiều người, không sử dụng vốn ngân sách. Đây là máy bay cánh quạt 1 động cơ loại nhỏ, chiều dài 6,4m, sải cánh 9,7m, tốc độ tối đa 150 km/giờ, tiêu hao nhiên liệu 20 lít/giờ, trọng lượng 150 kg, bay ở độ cao 2.500m, tầm bay khoảng 500 km.
Theo ông Lê Trọng Sành, đường hạ cất cánh cho loại máy bay này dài 200m, chỉ cần đường đất đỏ được lu lèn cứng là hạ cất cánh được. Ngày 8.12.2005, chiếc VAM-1 do phi công Phạm Duy Long lái đã cất cánh bay thử thành công tại sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Thời điểm đó, Hội Cơ học cũng đã tập hợp các nhà khoa học chế tạo chiếc VAM-2. Hẩm hiu hơn cả VAM-1, chiếc VAM-2 chưa được một lần cất cánh và giờ thì đang cùng “ông anh” VAM-1 nằm trong kho ở Q.12, TP.HCM.
Một trong những người trong cuộc là ông Việt kiều Canada Vimar Nguyễn, chuyên gia về chế tạo máy bay nhỏ, người đã cùng với Hội Cơ học VN đầu tư vốn chế tạo máy bay nhỏ "made in VN" cho biết, dù không được tiếp tục bay, nhưng VAM-1 và VAM-2 hiện vẫn bình thường vì được bảo dưỡng thường xuyên. Còn phi công Phạm Duy Long, người đã trực tiếp lái chiếc VAM-1 trong lần bay thử duy nhất vào ngày 8.12.2005 thì mong ước sẽ được tiếp tục bay trên chiếc máy bay nhỏ này.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - Phó hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long - là một trong những người đã trực tiếp chế tạo chiếc VAM-2, nói: Khi VAM-2 được phép chế tạo, sinh viên hàng không rất phấn khởi. Nhưng vì thiếu hành lang pháp lý, nên làm gì cũng phải xin phép, trong khi xã hội đang có nhu cầu sử dụng máy bay nhỏ để bảo vệ rừng, cấp cứu y tế, cứu hộ cứu nạn, tuần tra kiểm soát, tham quan du lịch...
Vì một ngành công nghiệp hàng không
Với ông Vimar Nguyễn, chế tạo máy bay nhỏ là một đam mê. Ông cho biết, việc chế tạo máy bay từ 20 chỗ ngồi trở xuống, về kỹ thuật cũng đơn giản, nhưng do hành lang pháp lý về chế tạo máy bay tại VN chưa có, cho nên không thể phát triển ngành công nghiệp hàng không.
“Thật tiếc cho đội ngũ kỹ sư hàng không không có môi trường để hoạt động. Nếu VN có hành lang pháp lý, có chính sách phát triển ngành công nghiệp hàng không, thì tôi chắc chắn trong 5-10 năm nữa, chúng ta có thể chế tạo máy bay không người lái, sánh kịp với các nước trong lĩnh vực chế tạo máy bay nhỏ. Trong ngành hàng không, không ít người thao thức về việc này. Nên làm sao cho thế hệ những kỹ sư trẻ VN có điều kiện để thể hiện mình, để có thể chế tạo được máy bay nhỏ, tạo nên niềm tự hào của dân tộc VN”, ông Vimar Nguyễn trăn trở.
ThS Ngô Đình Trí - giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM - tâm tư: "Tại sao thế giới hơn 100 năm trước có anh em nhà Wright (Mỹ) đã chế tạo thành công chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới; 100 năm sau nhiều quốc gia đã làm được, còn VN thì tới giờ vẫn chưa có hành lang pháp lý cho máy bay nhỏ?".
ThS. Trí nỗi niềm: "Chúng ta không phải chế tạo máy bay là để cho sở thích của mình, mà là để tích lũy kinh nghiệm cho tương lai. Chúng ta cũng không nên có suy nghĩ rằng, các nước người ta đã chế tạo sẵn máy bay rồi thì mua về sử dụng. Khả năng mình sản xuất được máy bay nhỏ thì tại sao mình lại không làm?".
Ông Trí đề nghị, về chính sách, cần có định hướng rõ ràng chứ không thể chỉ là những ý tưởng, những nghiên cứu manh mún như trong thời gian qua. Nhà nước cần nghiên cứu ban hành luật và các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hàng không.
"Vấn đề ở đây, không phải là việc lãng phí chi phí chế tạo chiếc máy bay của Hội Cơ học VN, mà còn là sự lãng phí chất xám, tâm huyết một công trình nghiên cứu, chế tạo ở tầm cao" - ông Lê Trọng Sành.