Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình Đô thị Huế: Bình thường, ở thành phố Huế, lượng rác phải thu gom, vận chuyển và xử lý gần 200 tấn rác các loại/ngày thì ngày Tết phải gấp năm, gấp bảy lần. Ngày thường đã vất vả, ngày Tết đối với những người công nhân Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình Đô thị Huế lại càng vất vả hơn, mọi người phải tham gia thu gom rác thải cả ngày lẫn đêm. Các chợ, nhất là các chợ hoa, các trung tâm tổ chức hội chợ, triển lãm là những nơi có lượng rác thải lớn nhất. Đặc biệt, chợ hoa lớn nhất thành phố trước Phu Văn Lâu phải thu dọn sạch sẽ lượng rác thải khổng lồ trước 20h đêm 30 Tết Ất Mùi để phục vụ cho lễ đón giao thừa nên công ty phải tổ chức thật hợp lý để không để rác thải ùn ứ.
Bên cạnh đó, công ty cũng phải tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác vệ sinh cho gần 400 km đường trên địa bàn thành phố; quản lý điện chiếu sáng hơn 250km với 8.500 bóng, tổng công suất hơn 1.250Kwh; gần 7.000 cột các loại và 195 trạm được điều chỉnh tự động với nhiều chế độ đóng cắt; quản lý, vận hành hệ thống điện trang trí cầu, hệ thống đèn trang trí đường phố... Tất cả đều phải vận hành trơn tru trong những ngày Tết, để phố phường sạch đẹp, khang trang, phục vụ tối đa mọi nhu cầu của nhân dân trước thời khắc đón năm mới.
Đối với các chợ, cùng với các hoạt động thu gom rác thải của Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình Đô thị Huế, thành phố Huế còn đề ra tiêu chí để xây dựng văn hóa và thu hút người dân đến chợ giao thương là các chợ luôn đảm bảo các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo công tác môi trường. Các chợ luôn phải quan tâm đến vệ sinh môi trường trong lành, xanh sạch đẹp để vừa đảm bảo mỹ quan thành phố, vừa góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Chợ An Cựu đã xây dựng thực hiện các tiêu chí, trong đó có yếu tố đảm bảo vệ sinh cảnh quang môi trường chợ ngày càng sạch, đẹp hơn, không rác thải bừa bãi.
Mới đây, chợ An Cựu cũng đã được thành phố Huế chon làm thí điểm mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên diện tích sử dụng đất khoảng 810m2, chợ An Cựu cải tạo, nâng cấp khu vực bán thịt, diện tích khoảng 250m2, khu vực bán cá, diện tích khoảng 450m2, khu vực bán hàng ăn, diện tích khoảng 110m2. Để các chợ trên địa bàn không rác thải, sạch đẹp thì yếu tố quan trọng là xây dựng ý thức cho người nội trợ, những người đi chợ và tiểu thương tại chợ hạn chế sử dụng túi ni lông hằng ngày. Theo ban quản lý chợ An Cựu, hiện nay số người đi chợ sử dụng các làn, giỏ đi chợ, túi sách thân thiện ngày càng nhiều hơn. Họ đã bắt đầu có ý thức xây dựng nếp sống văn minh, tiện ích và sống thân thiện với môi trường. Bởi làm như vậy mới nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính gia đình mình và cả cộng đồng.
Chợ Tây Lộc ở phía Bắc thành phố Huế, nơi giao thương mua bán khá sầm uất nên luôn đặt ra tiêu chí là phải sạch và an toàn. Ban quản lý chợ đã kêu gọi, vận động các tiểu thương trong chợ thực hiện nếp sống văn minh đô thị, hạn chế sử dụng túi ni lông, để rác đúng nơi qui định, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường do các tổ chức xã hội phát động. Đó cũng là xây dựng một nét văn hóa kinh doanh thể hiện văn minh thương mại trong quá trình phát triển và hội nhập. Để làm được điều này cũng không dễ chút nào. Trong những năm qua, Ban quản lý chợ cũng đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như có các hành động thiết thực cụ thể để người đi chợ và cả các tiểu thương có ý thức đúng đắn xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường.
Mới đây, Công ty TNHH nhà nước Một thành viên Môi trường và Công trình Đô thị Huế cũng vừa hoàn chỉnh và đưa đề tài "Ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng hệ thống thoát nước và phương tiện vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố Huế" vào hoạt động. Trên cơ sở dữ liệu địa lý theo mô hình Geodatabase, đề tài sử dụng các phần mềm GIS quản lý hạ tầng hệ thống thoát nước; phần mềm GIS quản lý hệ thống thu gom rác thải và phần mềm tích hợp công nghệ GIS, GPS & GPRS quản lý phương tiện vận chuyển rác thải, trong phạm vi thành phố Huế. Kết quả được mô phỏng trực quan trên máy tính bằng hình ảnh, giúp bộ máy hạ tầng đô thị xử lý nhanh bài toán quản lý hết sức linh động và chính xác, phù hợp với việc quản lý, giám sát phương tiện vận chuyển rác, từ đó quản lý chặt chẽ và hạn chế được nguy cơ ô nhiễm môi trường ở thành phố Huế.
Năm 2015, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu có trên 95% tổng lượng chất thải trong sinh hoạt nội thị các đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó có 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 70% tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tại nông thôn, khu vực đầm phá và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Trong quy hoạch xử lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Thừa Thiên - Huế huy động khoảng 1.093 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp hơn 509 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 465 tỷ đồng và nguồn đóng góp của nhân dân, các tổ chức hợp pháp khác hơn 118 tỷ đồng, hướng đến việc đảm bảo xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại..