Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trước đó nữa là những bài học từ Quốc văn giáo khoa thư cũng như những bài học Đạo đức, Giáo dục công dân hôm nay đều nhằm rèn người từ thuở còn thơ. Một thời những hành vi ứng xử như đi thưa về trình, khoanh tay đứng lại chào mỗi khi thầy cô giáo đi qua hay khi đi ngang xe tang thì ngả mũ nón để từ biệt một người vừa rời cõi trần... là bình thường.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Nhưng ngày nay, những ứng xử đó hiếm hoi dần và đạo đức xã hội xuống cấp kéo theo nhiều giá trị mai một. Thật đáng buồn khi nhiều lúc nhiều nơi, người ngay phải sợ kẻ gian và sự giả trá lên ngôi. Trên đường phố hay trên xe buýt, nhìn thấy kẻ cắp kẻ cướp phạm tội mà nhiều người không dám lên tiếng hay ra tay chặn bắt bởi họ biết mình sẽ cô độc, không đủ sức đối phó với kẻ gian. Không ít kẻ đạo đức giả lại lên lớp về đạo đức, “chém gió” không ngượng mồm. Người trong cuộc biết đấy là giả tạo, dối trá mà vẫn phải “ngậm bồ hòn”. Sự cầu an, ngại đấu tranh đó cũng quy về lý do an toàn cho bản thân, vì cuộc sống của gia đình nên không thể dấn thân, làm nghĩa cử. Thật khó để tin trẻ lớn lên sẽ sống tử tế hơn khi cha mẹ chở con trên đường mà không đội mũ bảo hiểm, khạc nhổ hay vượt đèn đỏ...
Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử trả lời Trọng Cung về thế nào là nhân, rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (việc gì mình không muốn thì đừng làm đối với người khác). Nhưng thời nay có bao người làm tổn thương, làm hại kẻ khác mà không chùn tay, không mảy may day dứt, như rải đinh, trồng rau dơ, làm thực phẩm bẩn... Vì lợi riêng, họ mặc cho sự an nguy của đồng loại...
Vậy có phải chăng khi đạo đức xã hội xuống cấp thì sống tử tế là quá khó khăn? Có phải chăng, chưa cần phải làm điều tốt, làm điều phải làm thôi đã là tử tế hay chỉ với là những ứng xử thường tình thôi, cũng đã là tử tế? Xét cho cùng, sống tử tế chẳng phải cao siêu mà cũng chỉ là những bài học, khuôn phép ứng xử phải đạo làm người. Mà phải học, phải nhập tâm, phải hành xử, thành nền nếp, thành tư duy, đạo đức. Từ thói quen đến thái độ, đến kỹ năng và cách sống, cách làm người.
Để thành người đàng hoàng, nhân cách phải từ tâm, từ giáo dục mà ra, tự mỗi người lựa chọn để hành xử. Muốn người khác tử tế với mình thì mình phải tử tế trước, phải là bạn tốt mới có bạn tốt. Thực tế cho thấy cũng đã có những bài học, những câu chuyện đẹp về tình người. Cái tốt đẹp, sự tử tế cũng ở quanh ta, do chính ta thôi, đừng mãi đi tìm... Chỉ cần tâm sáng lòng trong, biết quên mình vì người, ứng xử khoan hòa, nói không với cái ác và cái xấu... là đủ để chúng ta xây dựng không gian sống, môi trường sống tốt đẹp hơn nhiều.