Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một trang web bán hàng qua mạng
Mua hàng qua mạng - được và mất
Ở Việt Nam, có thể kể đến một số trang web chuyên kinh doanh trực tuyến như Chodientu.vn, ebay.vn, www.thegioiks.com, www.megabuy.vn, www.thegioididong.com... vv. Sự phát triển nhanh chóng của các trang TMĐT này đã cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Không mất thời gian đi mua hàng, chọn lựa, mặc cả…vv mà chỉ cần ngồi nhà với chiếc máy tính nối mạng là người mua đã có thể dễ dàng chọn mua được sản phẩm mình cần. Đây có lẽ là yếu tố hấp dẫn nhất khiến việc mua hàng qua mạng ngày càng thu hút được nhiều người như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hình thức mua sắm này cũng tồn tại nhiều bất cập. Theo nhận định của nhiều người đã từng mua hàng qua mạng thì khả năng rủi ro khi mua hàng là rất lớn, những người này đa số là nạn nhân của các vụ lừa đảo, hay bị gian lận khi mua hàng.
Hiện nay, trên các website bán hàng thường có hình thức người bán đưa hình ảnh sản phẩm, nói là mình đang có hoặc hàng sắp nhập về và ra giá bán. Người mua thấy ưng ý thì đưa trước 30 - 70% giá tiền, khi nhận hàng sẽ giao nốt số tiền còn lại. Nhiều trường hợp còn đưa trước 100%, đến khi nhận hàng thì chất lượng và quảng cáo khác xa nhau. T.A ở Hà Đông từng mua chiếc vespa cổ trên mạng bức xúc “Mình đọc được tin rao vặt bán một chiếc Vespa cổ với lời rao bán rất hấp dẫn “Yêu xe cổ, chỉ bán xe cho ai đam mê xe, giá cả không quan trọng. Xe tốt, được giữ gìn cẩn thận…”. Mình liên lạc, được anh ta “luyến tiếc” bán cho với giá 14 triệu đồng. Sau gặp một bác chơi Vespa lâu năm mình mới biết người bán xe kia là dân buôn. Cái xe mình mua giá chỉ 6-7 triệu và đã bị làm lại nhiều”.
Không chỉ bị lừa vì mua sản phẩm không giống với lời quảng cáo, những kẻ lừa đảo trên mạng còn dùng chiêu thức rao bán nhiều sản phẩm có giá rẻ hơn so với giá thị trường, nhiều người tiêu dùng cả tin, tham rẻ đã liên hệ để mua sản phẩm và chuyển một khoản tiền đặt cọc cho người bán. Tuy nhiên, sau một thời gian thì người mua vẫn không nhận được sản phẩm mà mình đặt mua, gọi điện lại thì số điện thoại luôn không liên lạc được.
Làm sao để mua hàng qua mạng an toàn?
Một sản phẩm được rao trên trang bán hàng qua mạng
Uy tín là yếu tố hàng đầu quyết định việc khách hàng có thể tiếp tục mua sản phẩm của người bán và có tiếp tục quay lại trang web đó nữa hay không. Tuy nhiên, các admin (quản trị mạng) lại không thể kiểm soát được các sản phẩm mà người bán giao bán có đúng với lời quảng cáo hay không. Theo tâm sự của admin một diễn đàn mua – bán thì “việc kiểm soát các gian thương Internet" hiện vô cùng khó khăn bởi việc giao dịch trên mạng hầu như không thể kiểm soát nổi. Các admin chủ yếu chỉ kiểm soát những thành viên bán hàng cấm, nhạy cảm, còn việc ai bán hàng giả, hàng không đúng chất lượng như quảng cáo thì chỉ khi xảy ra những vụ kiện cáo, tố cáo nhau thì họ mới biết, tuỳ theo mức độ mà xử lý.”
Thực tế, nhiều trang web mua bán trên mạng của VN chỉ là trang rao vặt, chứ chưa phải là mua bán online theo đúng nghĩa, bởi những trang web đó không có ràng buộc và kiểm soát gì đối với cả người mua lẫn người bán, vì thế dẫn đến rủi ro cao cho người mua.
Bà Đào Lan Hương – GĐ khối thị trường nội địa của Liên doanh ChợĐiệnTử - eBay cho biết “Trước đây, chodientu.vn cũng thường xuyên phải đối mặt với các gian lận trong giao dịch như nhận tiền không chuyển hàng hoặc chuyển hàng không đúng mô tả, nhưng từ khi tích hợp công cụ TTTT NgânLượng.vn vào thì các vụ lừa đảo trong giao dịch đã giảm hẳn”.
“Để mua được món hàng qua mạng, người mua phải tỏ ra mình là một người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những người bán uy tín (dựa vào các feeaback của những người đã từng giao dịch trước đó), xem xét kỹ mô tả của sản phẩm trước khi mua và đặc biệt nên chọn các website có công cụ thanh toán trực tuyến trung gian và có cơ chế bảo hiểm giao dịch để mua hàng, điều đó đem lại sự an toàn cho người mua và sự chuyên nghiệp cho người bán”. Bà Hương nói.
Việc ra đời và tích hợp cổng thanh toán, là trung gian giữa người bán và người mua là một nhu cầu bức thiết để giải quyết bài toán mua hàng qua mạng an toàn. Hiện nay, có rất nhiều các cổng thanh toán trực tuyến ra đời nhằm đáp ứng cho việc phát triển TMĐT VN như: Payoo, Paynet, Ngânlượng.vn,… Với NgânLượng.vn, đây là cổng thanh toán mặc định được áp dụng đối với các giao dịch thông qua các website bán hàng trực tuyến như chodientu.vn, ebay.vn, muahangtragop.com, thegioikts.com,… Với những website có tích hợp công cụ TTTT NgânLượng.vn sẽ được NgânLượng.vn đứng ra làm trung gian trong việc thanh toán và với chính sách “Bảo hiểm người mua” – là chương trình bồi hoàn lại toàn bộ số tiền (100% số tiền) mà người mua đã thanh toán cho người bán. Với phương thức thanh toán tạm giữ, người mua không nhận được sản phẩm hoặc sản phẩm không đúng như mô tả sẽ được nganluong.vn hoàn lại 100% số tiền đã mua.
Thực tế nhiều người mua hàng qua mạng đã bị mất tiền oan, dù số tiền mất không nhiều nhưng lòng tin giữa con người với con người đã trở nên không còn giá trị. Theo lời khuyên của một người có nickname giangnt trên Chodientu.vn thì “bất kỳ một hình thức kinh doanh nào cũng có những mặt trái của nó, nhất là đối với hình thức mua hàng qua mạng, việc lựa chọn website mua bán cũng như cổng thanh toán nào còn tùy thuộc vào sự sáng suốt của khách hàng”.
Một số lời khuyên khi mua hàng qua mạng:
1. Xác nhận thông tin sản phẩm
- Kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm theo các thông số mô tả
- Tốt nhất bạn nên vào website của hãng sản xuất để xác định ký hiệu, ảnh, thông số liên quan đến sản phẩm. Lấy mã hoặc tên Sản phẩm tìm kiếm thêm thông tin trên Gooogle.com để xác định giá cả của món hàng
- Kiểm tra những đặc điểm về hàng hóa như kích cỡ, màu sắc, phụ kiện đi kèm sản phẩm.
2. Chắc chắn đã hiểu rõ toàn bộ thông tin trước khi mua hàng.
- Nếu có vấn đề nào chưa rõ, người mua cần liên lạc với người bán để hỏi rõ mọi vấn đề liên quan đến sản phẩm và mua hàng như: Hàng mới hay cũ, thời hạn chuyển tiền, thời gian chuyển hàng, thời gian hàng đến.
3. Xác nhận tổng số tiền phải trả
- Hầu hết các thông tin về giá cả hàng hóa trên các trang rao vặt (Trừ các trang web có tích hợp công cụ TTTT) đều chưa bao gồm tiền vận chuyển, do vậy khi mua hàng cần phải làm rõ toàn bộ số tiền phải trả.
4. Xác nhận các điều kiện bảo hành hoặc trả lại hàng
- Nên xác nhận chính xác các điều kiện đổi, trả lại khi hàng hóa có lỗi. Đặt khi hủy đơn đặt hàng có mất phí không? Phí tốn bao nhiêu? Thời hạn cho phép đổi, trả?
5. Xác nhận phương thức thanh toán
Ở Việt Nam có 4 hình thức thanh toán chủ yếu đó là nhận hàng và trả bằng tiện mặt, chuyển khoản qua ngân hàng rồi nhận hàng, nhận hàng rồi trừ vào thẻ tín dụng hoặc thanh toán qua các công cụ thanh toán trực tuyến trung gian.
6. In lưu lại màn hình xác nhận cuối cùng khi đặt hàng và hóa đơn mua hàng
Lưu lại màn hình cuối của món hàng và hóa đơn mua hàng phát sinh (Đối với các trang có TTTT) để tránh những tranh chấp phát sinh sau này.
7. Xem xét kỹ khi nhận sản phẩm gửi đến
Khi nhận hàng bạn nên kiểm tra kỹ, sản phẩm có còn nguyên trong hộp hay không, có đúng mô tả, sản phẩm có bị chày xước không, hàng còn chạy tốt, phiếu bảo hành và hóa đơn đi kèm? Nếu có gì thì thông báo ngay với chủ shop bởi thời gian để khiếu nại và trả lại hàng thường rất ngắn.
8. Giữ lại hóa đơn mua hàng
Bạn nên bảo quản hóa đơn sau khi mua hàng. Trong trường hợp hàng có vấn đề, đây là căn cứ để hoàn trả, bảo hành khi hàng có vấn đề.
9. Nên chọn các website bán hàng uy tín và có công cụ Thanh toán trung gian bảo vệ .