Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
* Những bất cập trong quản lý
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, cả nước có khoảng 3.000 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống. Các làng nghề giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động thường xuyên và không thường xuyên. Trong đó số lượng làng nghề ở Miền Bắc chiếm đến 70% số lượng các làng nghề trong cả nước.
Cùng với việc gia tăng phát triển cả về số lượng làng nghề và loại ngành nghề, ô nhiễm môi trường càng gia tăng, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền. Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng là nơi có số lượng làng nghề lớn nhất nước, nên khu vực này được coi là “đại diện nhất của bức tranh về ô nhiễm môi trường làng nghề Việt Nam ”.
Nguyên nhân do nhiều hộ, cơ sở sản xuất cũng như chính quyền địa phương cấp xã, huyện không hiểu hoặc hiểu chưa đúng về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường. Trách nhiệm xử lý chất thải sản xuất do cơ sở thải ra, trách nhiệm đóng góp các khoản kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường. Chính vì thế nên ngoài rất ít số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại làng nghề đã được xử lý, những công cụ quản lý khác cùng triển khai rất khó khăn.
Tuy bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã được xây dựng, củng cố và hoàn thiện từ năm 1993, nhưng lực lượng đảm trách lĩnh vực này vẫn còn thiếu về số lượng, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn. Đặc biệt số cán bộ trực tiếp tham gia quản lý môi trường làng nghề rất mỏng.
Qua đợt kiểm tra vào đầu năm 2014 vừa qua của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các làng nghề ở tỉnh Nam Định cho thấy, cấp ủy Đảng, chính quyền một số cơ sở có làng nghề chưa thật sự quan tâm quản lý công tác bảo vệ môi trường. Tại nhiều làng nghề còn tồn tại nhiều vi phạm với mức độ khác nhau, gây khó khăn, tốn kém cho công tác khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe người dân sinh sống tại làng nghề và các vùng lân cận.
Mặc dù các địa phương đều có kế hoạch “Triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Nhưng các giải pháp đều mang tính chất chỉ đạo chung chung, thiếu các giải pháp cụ thể, nhất là các giải pháp về tài chính.
* Thúc đẩy xã hội hóa
Trên cơ sở nghiên cứu những bất cập trong quản lý môi trường của các làng nghề trong những năm qua, các nhà khoa học thuộc Viện Địa lý Nhân văn đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy Chương trình xã hội hóa bảo vệ môi trường trong các làng nghề, tập trung vào 5 giải pháp chính.
Đó là thiết lập cơ sở pháp lý cho vấn đề xã hội hóa; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường; phát triển phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình xã hội hóa đối với từng làng nghề; xây dựng và hoàn thiện cơ chế huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực.
Trước hết là thiết lập cơ sở pháp lý cho vấn đề xã hội hóa bảo vệ môi trường làng nghề, trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước, tiến hành xây dựng, ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo ra môi trường pháp lý cần thiết cho hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường làng nghề.
Đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các chương trình hành động theo hướng khuyến khích, động viên cá nhân, tổ chức tham gia công tác bảo vệ môi trường. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về bảo vệ môi trường.
Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường trong làng nghề. Việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm xã hội này dựa trên ý chí, nguyện vọng, sự tự nguyện thỏa thuận và cũng là những quy tắc xử sự chung, áp dụng cho mỗi cá nhân và toàn thể cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Phát triển phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường phải tác động trực tiếp đến nhận thức của mọi người dân. Đặc biệt là người dân của các làng nghề. Qua đó tuyên truyền, vận động và huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng vào hoạt động bảo vệ môi trường.
Xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường cụ thể, có tính chất thuyết phục đối với từng loại làng nghề. Việc xây dựng các mô hình phải gắn liền với đời sống văn hóa của người dân, được lồng ghép vào các hoạt động kinh tế-xã hội và hoạt động văn hóa của cả cộng đồng làng nghề và cấp xã. Qua tổ chức thực hiện các mô hình sẽ là cơ sở đánh giá, từ đó phát hiện các mô hình điểm để phổ biến và nhân rộng.
Điều quan trọng nữa là xây dựng và hoàn thiện cơ chế huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường. Nguồn lực bao gồm sự đầu tư về vốn, nguồn lực con người, nguồn lực khoa học và công nghệ, các sáng kiến về tổ chức...Trên cơ sở đó góp phần thực hiện thành công các chương trình, mô hình cúng như các phong trào bảo vệ môi trường.
Để có thể duy trì việc xã hội hóa bảo vệ môi trường làng nghề một cách bền vững, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, huyện, xã và thôn. Tiến hành xây dựng các tiêu chí bảo vệ môi trường nước, đất, không khí trở thành các quy ước thực hiện của các xóm, ngõ và hương ước chung của làng nghề đến quy ước của xã. Coi đây là điều kiện xét thi đua, công nhận gia đình văn hóa...
Nhưng để giải quyết một cách triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, không thể thiếu được các giải pháp mang tính chính sách. Như công tác quy hoạch, sản xuất sạch hơn, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất...Cần phải căn cứ vào điều kiện sản xuất, vai trò năng lực sản xuất chủ đạo của từng gia đình, để có những giải pháp bền vững mang tính chính sách và chú trọng đến giải pháp nâng cao năng lực quản lý môi trường, từ chính các hộ sản xuất đến cộng đồng làng nghề.