Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hội thảo về nền kinh tế xanh ở Việt Nam

(13:02:32 PM 11/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Hội thảo nền kinh tế xanh ở Việt Nam vừa được Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM phối hợp với Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) tổ chức tại Tp.HCM.


Chương trình hội thảo xanh tại trường Đại học Kinh tế Tp.HCM


Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng; đặc biệt là sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét, khủng hoảng kinh tế chưa được phục hồi...  đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân. Do đó, cần phải có một mô hình phát triển mới để giải quyết các vấn đề trên, nhằm hướng đến việc tăng trưởng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường…, trong đó thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh (TTX) là rất cần thiết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách và tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), TTX  là sự phát triển kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, TTX còn hướng tơi việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động, đồng thời giảm các tác động đến môi trường. Vì vậy, TTX lấy chính các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH làm động lực cho tăng trưởng và hướng đến các mục tiêu xã hội như giảm nghèo, giảm sự bất bình đẳng.

Đối với Việt Nam, nhiệm vụ đặt ra cho TTX là tự nguyện giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% vào năm 2020 so với mức năm 2010 và 20%, nếu có sự hỗ trợ của quốc tế; xanh hóa sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh và nông nghiệp xanh theo cơ cấu, công nghệ và thiết bị thân thiện với môi trường; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Để thực hiện được những mục tiêu nhiệm vụ đó, trước tiên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan đơn vị... để cùng nhau hỗ trợ thực hiện; giảm khí thải nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; phát triển các ngành kinh tế xanh để tăng thêm việc làm, thu nhập nhưng vẫn làm giàu thêm vốn tự nhiên; tăng cường hợp tác quốc tế...

Đề cập đến những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về TTX, ông Nguyễn Đình Thông - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Tiền Giang nhận định, các thể chế về TTX ở Việt Nam ngoài chiến lược và kế hoạch hành động mới được ban hành những năm gần đây, còn lại chưa có những quy định cụ thể trong triển khai thực hiện, đánh giá; kế hoạch hành động cấp địa phương chỉ mới có một số địa phương xây dựng thí điểm.

Bên cạnh đó, nhận thức của lãnh đạo, cán bộ công chức, DN, nhân dân và xã hội về tăng trưởng kinh tế xanh là chưa cao, thiếu ưu tiên cho sự phát triển dài hạn;... Cán bộ trực tiếp xây dựng các kế hoạch hành động, triển khai thực hiện ở cấp địa phương chưa nắm rõ về kinh tế xanh, khả năng, trình độ và kinh nghiệm quản lý mô hình TTX còn rất hạn chế, chưa xác định được những chính sách cân bằng giữa các định hướng và mục tiêu phát triển...

Do đó, cần phải có cơ chế khuyến khích người dân và DN chú trọng đầu tư hơn nữa về vật chất lẫn nhân lực nhằm hướng đến các quy trình sản xuất sạch hơn. Các chính sách khuyến khích đầu tư và các chính sách hỗ trợ liên quan đến việc “xanh hóa” nên hướng đến các DN thuộc những nhóm ngành quan trọng trong vùng. Đây sẽ là một quá trình khá cam go, lâu dài nhưng hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích lớn như cải thiện điều kiện sống, lao động và việc làm (đô thị xanh, công nghiệp xanh, nông thôn xanh), giảm chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, đảm bảo an sinh xã hội...
                               
PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng, qua nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo hướng TTX tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm liều lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp; vẫn còn tồn tại các hình thức vệ sinh bình phun xịt và xử lý bao bì thuốc không đảm bảo an toàn cho môi trường... Riêng đối với phát triển công nghiệp theo hướng TTX, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp (DN) tại Đồng Bằng Sông Cửu Long có báo cáo thông tin về các hoạt động môi trường; khoảng 28% số DN có áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn và đa số các DN này thuộc loại chế biến thủy hải sản.

Hải Âu – Trương Đình