Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>TP.HCM trả tiền xử lý rác cho VWS cao hơn doanh nghiệp khác 3 triệu USD/năm
>>Yêu cầu David Dương không được phép độc quyền xử lý rác
>>VWS: Chưa nâng công suất bãi rác, dân cũng khổ lắm rồi
>>TP HCM: Đóng cửa bãi rác Phước Hiệp, nguy cơ bị nhà đầu tư Hàn Quốc kiện
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà
Theo kế hoạch của thành phố, bãi rác số 3 Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp tại Củ Chi sẽ đóng cửa và chuyển rác sinh hoạt sang xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh do công ty Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS). Theo ý kiến đánh giá của ông về hoạt động của công ty này như thế nào?
Công ty VWS đã không thực hiện đúng Giấy phép đầu tư. Công ty không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn/ngày theo quy định của Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28.12.2005.
Thay vào đó, Công ty VWS đang vận hành một bãi chôn lấp rác với công suất 2.500-3.000 tấn/ngày. Không hề có công nghệ xử lý rác hiện đại nào ở đây cả, chỉ là một bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đến ngày 13.1.2014 Ủy ban nhân dân thành phố đã cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư số 2535/GCNĐC1/41/1 cho đúng với thực tế chôn lấp rác của Khu xử lý rác Đa Phước. Đây là một dự án bất thường, rất bất thường.
Cụ thể những bất thường đó là gì, thưa ông?
Bất thường thứ nhất là về giá xử lý rác. Mặc dù công ty VWS không thực hiện xây nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác, nhưng Công ty vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho các doanh nghiệp khác cũng thực hiện chôn lấp. Hiện nay thành phố phải thanh toán cho công ty VWS 3 đô-la Mỹ/tấn so với doanh nghiệp cũng thực hiện chôn lấp có công nghệ tương tự khu Đa Phước của VWS. Hàng năm ngân sách thành phố chạy thẳng vào lợi nhuận của doanh nghiệp này ít nhất 3 triệu đô- la.
Vô lý hơn nữa, Nhà nước phải thanh toán tăng hàng năm 3% giá xử lý rác trong khi các doanh nghiệp khác không được tăng theo từng năm như vậy. Thậm chí giá chôn lấp của Đa Phước còn cao hơn giá tái chế rác của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa. Hai công ty này xử lý rác theo đúng chủ trương hiện nay. Đầu vào là rác, sau khi xử lý là phân bón và nhựa tái chế. Trong một thời gian dài và hiện nay giá xử lý rác theo công nghệ tái chế rác thải trả cho Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa thấp hơn rất nhiều so với giá chôn lấp trả cho Công ty VWS là bất hợp lý và không khuyến khích sử dụng công nghệ tái chế rác thải là công nghệ cao hơn chôn lấp rác
Bất thường thứ 2 là xử lý rác là dịch vụ công ích nhưng công ty lại có lợi nhuận rất cao, có thể nói là siêu lợi nhuận. Giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hàng năm của Công ty VWS từ 25-40%, cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực (Công ty Môi trường đô thị có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 3%/năm). Đây là bất hợp lý cần được giải quyết kịp thời nhằm tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và bảo đảm hoạt động công ích là phục vụ người dân, không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận.
Bất thường thứ 3 liên quan đến giá xử lý rác nữa là theo quy định của pháp luật, giá cung cấp dịch vụ công ích do nhà nước ấn định, không phải là giá thỏa thuận. Hiện nay các công ty khác đều do thành phố ấn định giá, riêng với Đa Phước thì phải thỏa thuận.
Được biết, Công ty VWS đang đề nghị tăng công suất chôn lấp rác lên 10.000 tấn/ngày tại bãi rác Đa Phước. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Thành phố chủ trương từng bước phải áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường theo hướng giảm tỷ lệ rác chôn lấp, tăng tỷ lệ rác tái chế. Hiện nay, lượng rác phát sinh của Thành phố là 6.700 tấn/ngày. Trường hợp chấp thuận cho Công ty VWS tăng công suất lên 10.000 tấn/ngày thì gần như 100% lượng rác của Thành phố được chôn lấp và như vậy là đi ngược lại chủ trương tăng cường bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, tăng lượng rác cho Đa Phước là tạo cho công ty VWS ở thế độc quyền, vi phạm luật cạnh tranh. Điều đó là không chấp nhận được. Hiện nay Đa Phước đang ở vị trí thống lĩnh thị trường với 45% lượng rác thải của thành phố mà nhà nước đã phải trả giá rất cao. Khi ở vị trí độc quyền thì sẽ khó tránh khỏi ngân sách nhà nước phải trả cao hơn nữa, nghĩa là người dân phải bỏ tiền túi cho công ty gọi là phục vụ công ích có được siêu lợi nhuận.
Theo ông, việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 của Khu xử lý rác Phước Hiệp để chuyển rác về cho Đa Phước có cần thiết không?
Tôi cho rằng Hội đồng nhân dân đã không đủ thông tin khi chấp thuận đề nghị đóng cửa Phước Hiệp và chuyển rác về Đa Phước. Việc đóng cửa Phước Hiệp là bất thường (lại bất thường nữa) và sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Phước Hiệp có công nghệ chôn lấp rác của Hàn Quốc và không gây ô nhiễm. Thế nhưng chỉ vì có thông tin sai lạc là công ty Môi trường đô thị chôn lấp trực tiếp và gây ô nhiễm môi trường dẫn đến quyết định phải đóng cửa bãi chôn lấp số 3 ở Phước Hiệp.
Chuyển rác từ bãi Phước Hiệp đã được đánh giá tác động môi trường và không gây ô nhiễm về Khu xử lý rác Đa Phước chưa có đánh giá tác động môi trường (khi tăng công suất) là quyết định vội vàng và sai pháp luật. Khi chưa đánh giá tác động môi trường thì không thể chắc chắn được bãi Đa Phước không gây ô nhiễm. Khu xử lý rác Đa Phước đã từng gây ô nhiễm khi chôn lấp chỉ với 3.000 tấn rác, với công suất 5.000 tấn và hơn nữa thì khả năng ô nhiễm không phải là nhỏ.
Sẽ lãng phí 400 tỉ đồng đã đầu tư vào Phước Hiệp. Tiền của dân mà lãng phí. Rất đau xót và phẫn nộ. 300 công nhân sẽ mất việc làm. 2 công ty cùng tham gia xử lý rác, trong đó có một công ty của Cựu chiến binh đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cũng mất tiền, mất việc.
Đau hơn là mất tiền, mất việc của những người dân nghèo khổ, của những cựu chiến binh lẽ ra phải được hỗ trợ lại mang đến siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp vốn đã không khó khăn gì.
Có người biện minh,không phải là đóng cửa Phước Hiệp mà sẽ dùng khu này làm khu xử lý rác dự trữ. Đó chỉ là nói cho xong chuyện. Khu xử lý dự trữ cũng phải có chất lượng tương đương với khu xử lý chính thức. Nếu đã có chất lượng bảo đảm rồi thì tại sao lại không cho xử lý rác vào lúc này.
Đa Phước và Phước Hiệp đang được xử lý một cách kỳ lạ, hết sức bất thường!
Cám ơn ông về buổi trao đổi!