Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Loay hoay "chém lợn", "rước lợn"

(10:43:53 AM 08/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Một lãnh đạo Cục Di sản nhấn mạnh lễ hội nào mang tính chất phong tục tập quán thì không thể can thiệp bằng văn bản hành chính

Sau nhiều ý kiến trái chiều suốt tuần qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bắc Ninh vừa đề nghị lấy ý kiến người dân để từ mùa lễ hội 2015, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) đổi tên thành rước lợn.


Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay sẽ yêu cầu Sở VH-TT-DL cử người giám sát lễ hội để việc chém lợn không diễn ra giữa sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người. Thay vào đó, lễ hội chỉ diễn ra trong khu vực phía sau sân đình, có ít người chứng kiến. Đồng tình, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, khẳng định bộ không cổ xúy cho những lễ hội mang tính chất bạo lực như thế.


Một lãnh đạo của Cục Di sản - Bộ VH-TT-DL lại nhấn mạnh bản chất vấn đề cần soi tỏ dưới góc nhìn khoa học. Những lễ hội mang tính chất phong tục tập quán cũng như tính chất lâu đời thì không thể can thiệp bằng văn bản hành chính.


 Loay hoay “chém lợn”, “rước lợn”

Cảnh chém lợn trong lễ hội truyền thống của làng Ném Thượng Ảnh: AAF

 

GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam - cũng cho rằng không nên can thiệp hay áp đặt những mệnh lệnh hành chính lên văn hóa truyền thống. Việc phản cảm hay không, chấm dứt hay tiếp tục lễ hội chém lợn là do người dân địa phương quyết định.


GS Thịnh nhấn mạnh có những hành động người ngoài thấy dã man nhưng dân làng cho là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn, do đó không thể ngăn cấm. Tuy nhiên, nên tổ chức lễ hội này trong một không gian nhỏ, với một cộng đồng nhất định để tránh cái nhìn thiếu đồng cảm của dư luận.


Theo TS triết học Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, chém lợn xuất phát từ tục hiến sinh. Các dân tộc trên thế giới đều từng có phong tục này, mà cao nhất là hiến sinh chính con người. Tuy nhiên, ngày nay, tục hiến sinh mất dần. Không ai có quyền phủ nhận niềm tin tín ngưỡng của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Việc giữ hay bỏ hoạt động tín ngưỡng phải do chủ thể văn hóa đó quyết định. Do đó, không thể cấm đoán các phong tục, lễ hội bằng các mệnh lệnh hành chính. Các tổ chức, cá nhân khuyến cáo là việc của họ nhưng không nên bài xích, chỉ trích, dù với lý do gì.


Trong khi đó, người dân làng Ném Thượng cho hay không đồng tình với việc “rước lợn” thay vì “chém lợn” vì làm mất đi truyền thống của lễ hội. Họ khẳng định thực hiện nghi lễ của địa phương mình chứ không phải là của địa phương khác.


Ông Vũ Quang Hòa (ngụ khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) - người được giao trọng trách nuôi dưỡng “ông ỉn” kể từ ngày 15-8-2014, cho hay rất vinh dự được chăm sóc lợn. “Tôi rất mạnh khỏe và mong muốn lễ hội của làng được tổ chức như vốn có” - ông bày tỏ.

 

Hiến dâng cho thần linh

 


Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh, cho biết lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng xuất phát từ sự tôn vinh người có công chống giặc ngoại xâm là tướng quân Lý Đoàn Thượng. Dân địa phương quan niệm tia máu phun ra từ việc chém lợn mang hình ảnh của tia chớp - tượng trưng cho sự no ấm, sung túc trong năm mới.


TS Trần Đình Luyện, Phó Chủ tịch Hội sử học Bắc Ninh, nhấn mạnh cúng lễ thần linh đã có từ xưa. Người dân hiến dâng cho thần linh, sau này là hiến dâng cho tổ tiên, bằng những lễ vật do chính họ làm ra. Ví dụ, chăn nuôi thì hiến lợn, gà; trồng trọt thì hiến xôi, gạo...

Yến Anh/NLĐ