Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
Theo các hộ dân sống dọc sông Lam, đoạn chảy qua huyện Nam Đàn, trong hai tháng trở lại đây với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nên các đối tượng khai thác cát trái phép chỉ tiến hành vào ban đêm. Còn trước đó, các xà lan, thuyền sắt ngang nhiên thọc "vòi rồng" xuống lòng sông Lam khai thác cát trái phép cả ngày lẫn đêm. Hoạt động trái pháp luật này khiến tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt, cuộc sống của các hộ dân sống ven sông Lam bị ảnh hưởng do những tiếng nổ lớn của các xà lan hút cát trên sông; dòng chảy của sông Lam ngày càng thay đổi, gây nguy cơ sạt lở ở bờ sông, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu của người dân.
Tình trạng trên tiếp diễn từ lâu là do tại huyện Nam Đàn có gần 60 hộ dân ở khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn chuyên sống bằng nghề sông nước. Đây là những hộ dân không có ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, họ thuộc Hợp tác xã vận tải trên sông Lam được thành lập từ hồi còn chiến tranh chuyên vận chuyển hàng hóa trên sông, sau này khi đất nước hòa bình những hộ dân này sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá. Tuy nhiên, việc chài lưới đánh bắt cá trên sông cũng ngày càng khó khăn nên vì gánh nặng kinh tế, nhiều hộ dân quay sang khai thác cát trái phép trên sông, một số hộ trở thành người vận chuyển thuê trên sông cho các công ty khai thác cát sạn khác. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, khối Lam Sơn (thị trấn Nam Đàn), gia đình ông và nhiều hộ dân khác vẫn biết khi chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác cát trên sông Lam mà vẫn tiến hành khai thác chui là không đúng với quy định của pháp luật, tuy nhiên vì nhu cầu duy trì cuộc sống gia đình hàng ngày nên biết sai mà vẫn làm.
Vướng mắc lớn nhất trong việc cấp phép cho các hộ dân khai thác cát là tiến độ rất chậm, nhiều hộ phải đợi trong nhiều năm. Nguyên nhân là do Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải đủ thủ tục, hồ sơ, thời gian để khảo sát, điều tra, đánh giá trữ lượng cát trên địa bàn mới có thể cấp phép hoạt động. Mặt khác, theo nhiều hộ dân, việc khai thác cát sỏi trái phép đoạn sông Lam chảy qua huyện Nam Đàn còn có sự tham gia của các xà lan, tàu thuyền của những người dân ở các huyện lận cận như Hưng Nguyên, Thanh Chương... Khi các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, truy đuổi thì các đối tượng này lập tức bỏ chạy, khai thác ở các địa điểm khác. Do lực lượng kiểm tra còn mỏng, trong khi các hoạt động khai thác cát trái phép thường diễn ra vào ban đêm, thiếu phương tiện truy đuổi tốc độ cao nên việc kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng này vẫn còn nhiều hạn chế.
Để ngăn chặn tình trạng trên, lãnh đạo huyện Nam Đàn, chính quyền các xã đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra để xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép diễn ra trên sông. Trong năm 2014, huyện Nam Đàn đã tiến hành kiểm tra, xử lý 10 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 30 triệu đồng, tiến hành đình chỉ và tịch thu nhiều phương tiện khai thác cát trái phép. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền vận động người dân về tác hại, ảnh hưởng của việc khai thác cát trái phép trên sông, huyện Nam Đàn còn tích cực hướng dẫn các công ty khai thác cát và hàng chục hộ dân khối Lam Sơn tiến hành các thủ tục để được cấp phép khai thác cát trên sông Lam.
Bà Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Tín hiệu vui trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay là trong tháng 1/2015, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Nghệ An, của lãnh đạo huyện Nam Đàn thì Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành đã được cấp phép khai thác cát theo đúng quy định. Đây là một niềm vui, là niềm mong ước của hàng chục hộ dân khối Lam Sơn từ lâu đến nay. Với việc cấp phép khai thác cát cho Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành - nơi tập hợp các hộ dân có tàu thuyền ở khối Lam Sơn, việc quản lý người dân trong khai thác cát sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, các hộ dân cũng gắn trách nhiệm và quyền lợi của mình hơn trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước. Và quan trọng hơn, khi được cấp giấy phép khai thác, các hộ dân này sẽ được khai thác cát theo đúng vùng mỏ đã thăm dò, theo đúng vùng quy hoạch của các cơ quan chức năng, không còn tình trạng khai thác chui nữa.
Cũng trong tháng 1/2015, với sự gấp rút, khẩn trương xử lý hồ sơ, tiến hành các thủ tục cần thiết thì 3/4 công ty khai thác cát trên địa bàn huyện Nam Đàn đã được cấp phép khai thác. Huyện Nam Đàn cùng chính quyền các địa phương đang tích cực hướng dẫn cho các hộ đã được cấp giấy phép, tiến hành khai thác đúng tọa độ ở các vùng mỏ đã được các cơ quan chức năng kiểm tra khảo sát, cắm mốc để đảm bảo việc khai thác diễn ra theo đúng quy hoạch.
Không chỉ ở huyện Nam Đàn, tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra khá phổ biến ở các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương, Nghĩa Đàn... của tỉnh Nghệ An. Để giải quyết triệt để tình trạng này, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các đối tượng vi phạm, UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương tiến hành xử lý các hồ sơ, thủ tục của các hợp tác xã, các công ty khai thác cát có nhu cầu cấp giấy phép khai thác. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép cho trên 25 hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc khai thác cát sỏi trên sông Lam đồng thời khẩn trương tiến hành việc thăm dò, khảo sát, cắm mốc các vùng mỏ được phép khai thác cát sỏi, hướng dẫn người dân được cấp phép khai thác đúng vùng mỏ đã quy định.