Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
* Tiềm năng kinh tế trên các đảo
Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển, là cửa mở của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc đã và đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng.
Quan điểm chỉ đạo trong Chiến lược biển đến năm 2020 cũng đã nhấn mạnh: “Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn”. Mục tiêu tổng quát trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 nhằm “ Hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển, thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”.
Hiện nay theo địa bàn hành chính, cả nước có các huyện đảo là Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải (gồm đảo Cát Bà và Cát Hải), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Cồn Cỏ (Quảng Trị). Muốn phát triển kinh tế - xã hội ở các đảo, trước hết phải đánh giá tiềm năng nước ngọt và tiến hành quản lý tài nguyên nước.
Nhìn chung đa số các đảo có diện tích nhỏ, địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi và núi thấp, có độ cao phổ biến 100 - 200m, có 8 đảo ở độ cao trên 400m. Độ dốc sườn phổ biến 15 - 25 0 C. Độ chia cắt ngang trên các đảo trung bình và lớn phổ biến là 0,5 - 1,5km, độ chia cắt sâu đạt 5 - 100m/km2. Các dãy núi nhiều khi tiến sát ra mép bờ, vì thế các sông suối ở trên đảo thường rất ngắn và dốc, diện tích lưu vực chỉ khoảng vài km2 , chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ khí tượng thủy văn biển. Hầu hết các sông suối trên đảo chỉ có nước trong mùa lũ và khô cạn trong mùa kiệt.
Trên một số đảo tương đối lớn tồn tại một vài sông suối có nước chảy quanh năm như suối Thuồng Luồng, suối nước nóng ở xã Xuân Đán thuộc đảo Cát Bà, suối ở Hòn Tiên Mối trên đảo Thổ Chu, sông Dương Đông ở Phú Quốc. Ngoài ra ở một số đảo còn có ao, đầm nước ngọt, là nguồn nước quan trọng cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất trên đảo trong mùa khô như Ao Ẽch (Cát Bà), Quang Trung, Mường Sấu (Côn Đảo), Vũng Bầu, Cửa Cạn (Phú Quốc) ... Các nguồn nước chủ yếu ở đảo được quan tâm là nước mưa, nước mặt (các sông, suối, ao, hồ) và nước dưới đất.
* Tài nguyên nước trên các đảo
Theo tài liệu quan trắc ở các trạm khí tượng trên đảo, lượng mưa năm ở các đảo thay đổi trong khoảng 1126 mm đến 3067 mm, nhưng phân bố rất không đều theo thời gian. Các đảo ở phía Bắc và phía Nam có lượng mưa cao (trên 2000mmm) như Cửa Ông 2250mm; Côn Đảo 2095mm. Một số đảo có lượng mưa khá nhỏ là Hòn Dấu 1495mm; Bạch Long Vĩ 1126mm; Phú Quý 1199mm. Lượng mưa tại Trường Sa là 2510mm và tại Phú Quốc đạt đến 3067mm. Thời gian mùa mưa ở các đảo cũng khác nhau, tùy theo vị trí địa lý của các đảo.
Trên các đảo ở phần phía Bắc và phía Nam, mùa mưa kéo dài khoảng 6 tháng, từ tháng 5 - 10, trong đó lượng mưa tháng 8 là lớn nhất, chiếm 20 -25% lượng mưa cả năm. Riêng đảo Bạch Long Vĩ nằm khá xa bờ, thời gian mùa mưa chỉ kéo dài 5 tháng từ tháng 6 - 10. Các đảo ở khu vực miền Trung (Hòn Ngư, Phú Quý) có mùa mưa kéo dài từ tháng 5 - 11. Song tháng 7 là thời gian có lượng mưa giảm rõ rệt, làm cho quá trình mưa trong năm gồm hai đỉnh: Đỉnh thấp xuất hiện ở tháng đầu mùa (tháng 5 hoặc tháng 6) và đỉnh cao xuất hiện vào tháng 9 (hoặc 10), với lượng mưa chiếm 18 - 20% lượng mưa năm.
Khu vực quần đảo Trường Sa thời gian mùa mưa kéo dài từ tháng 6 - 12, thậm chí đến tháng 1 năm sau, do đó lượng mưa mùa mưa chiếm đến 90% lượng mưa năm. Ở Côn Đảo và Phú Quốc, mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 (hoặc tháng 5) và kết thúc vào tháng 11, nên lượng mưa trong mùa mưa cũng chiếm hơn 90% lượng mưa trong năm. Tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 8 (hoặc tháng 9) với lượng mưa chiếm khoảng 16% năm.
Do các đảo nằm trong một vùng biển rộng, trải dài trên nhiều vĩ tuyến, ở khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nên lượng mưa trên các đảo có sự phân hóa rất sâu sắc từ Bắc đến Nam. Trong đó Trường Sa, Côn Đảo và Phú Quốc là những đảo có lượng mưa cao nhất. Tính chất phân hóa sâu sắc cũng biểu hiện ở chỗ, thời gian mùa khô kéo dài 5 - 6 tháng nhưng có lượng mưa rất nhỏ và tháng có lượng mưa thấp nhất trong năm thường là tháng 2 (hoặc tháng 3). Thời gian liên tục có lượng mưa thấp nhất là từ tháng 1-3. Đây là thời gian khô hạn kéo dài, rất khó khăn trong việc cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên đảo, nếu như không tiến hành các biện pháp trữ nước mưa trong thời kỳ mùa mưa. Nhiều đảo có diện tích quá nhỏ nên không tồn tại sông suối.
Trên những hòn đảo tương đối lớn, có thảm thực vật che phủ, lượng nước ngầm đáng kể, bảo đảm cho các sông suối có nước chảy quanh năm dù với lưu lượng rất nhỏ, chỉ từ 1 - 5 l/s. Hơn nữa, do không có trạm thủy văn đảo hoặc các cuộc khảo sát chi tiết nguồn nước mặt trên các đảo, vì vậy khó có thể đánh giá đầy đủ nguồn nước mặt trên các đảo. Trên thực tế, sông Dương Đông ở Phú Quốc có thể xem như một dòng sông đáng kể nhất trên các hòn đảo ở nước ta.
Theo kết quả khảo sát phục vụ công tác quy hoạch thủy lợi ở một số đảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành, lượng nước mặt ước tính cho các đảo cụ thể: Côn Đảo 66 triệu m3 ; Phú Quý 14 triệu m3 , Cô Tô 13 triệu m3. Việc thăm dò nước dưới đất ở nước ta nói chung và ở các đảo nói riêng còn rất hạn chế.
Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhu cầu phát triển du lịch, đã tiến hành khoan thăm dò ở đảo Cát Bà. Trên đảo còn giữ được một thảm rừng nhiệt đới rộng đến 20.047 ha, trong đó rừng nguyên sinh rộng 570 ha, vì vậy nguồn nước dưới đất khá phong phú. Qua kết quả khoan tại 3 lỗ khoan tại thị trấn Cát Bà ở độ sâu 40 - 50m, tổng lượng nước có thể khai thác đạt 1240 m3/ngày - đêm, trong đó giếng số 1, lưu lượng khai thác là 450 m3 /ngày đêm, giếng số 2: 440 m3/ngày đêm và giếng số 3: 350 m3/ngày đêm.
Trên đảo Phú Quý, theo điều tra của Viện Quy hoạch thủy lợi và Đoàn Địa chất 705, trữ lượng nước dưới đất tiềm năng là 14.981 m3/ngày đêm và trữ lượng khai thác là 2313 m3 /ngày đêm. Ngoài ra theo ước tính, trữ lượng nước dưới đất ở Côn Đảo là 17 triệu m3; Hòn Khoai 2 triệu m3; Phú Quốc 200 triệu m3. Trên đảo Cô Tô, trữ lượng nước tiềm năng là 18.470 m3/ngày đêm và trữ lượng khai thác là 1414 m3/ngày đêm.
* Quản lý và khai thác tài nguyên nước ở các đảo ven bờ
Hiện trên nhiều đảo lớn nhỏ ở nước ta đã có dân ở, trong đó trên các đảo Vĩnh Thực, Tuần Châu, Cô Tô, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nam Du, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, quần đảo Trường Sa, số dân lên tới hàng nghìn người. Việc khai thác tiềm năng thiên nhiên của các đảo, nhất là các đảo lớn (Vĩnh Thực, Tuần Châu, Cô Tô, Phú Quý, Phú Quốc) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên đảo có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực ngư nghiệp, du lịch và dịch vụ biển, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.
Việc phát triển kinh tế đảo gắn liền với các hoạt động khai thác nguồn nước bao gồm cả 3 dạng (nước mưa, nước mặt trong các sông suối và nước dưới đất). Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là du lịch, đem lại sự tăng trưởng đáng kể cho ngân sách ở Cát Bà, Tuần Châu, Phú Quốc...nhưng cũng bộc lộ những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất. Vì vậy, để bảo đảm việc khai thác nước đáp ứng nhu cầu, đồng thời bảo vệ môi trường nước nói riêng và môi trường nói chung, cần phải tiến hành các hoạt động quản lý một cách hiệu quả.
Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu: Những hoạt động chủ yếu là thiết lập hệ thống quan trắc lượng mưa, nước sông suối và động thái nước dưới đất ở những hòn đảo có dân cư và có thể đưa dân cư ra cũng như các đảo có khả năng phát triển kinh tế trong thời gian không xa. Trước mắt cần nhanh chóng xây dựng trạm đo mưa (hoặc trạm khí tượng) tại đảo Cù Lao Chàm, đồng thời xây dựng trạm thủy văn, quan trắc lưu lượng trên sông suối tại các đảo như Cái Bàu, Cát Bà, Phú Quốc.
Trên những dòng sông có nước chảy quanh năm có thể tiến hành đo thường xuyên. Ở những dòng sông chỉ có nước trong mùa mưa, bố trí đo đạc trong mùa giai đoạn có nước chảy và cần xác định được khoảng thời gian có nước chảy trong năm (thời điểm bắt đầu và kết thúc dòng chảy). Cần xác định mức độ và phạm vi ảnh hưởng của thủy triều biển cũng như tình hình xâm nhập nước mặn. Tiến hành khoan thăm dò nước dưới đất ở các đảo, chú ý các đảo không có sông suối. Đánh giá tiềm năng các nguồn nước trên các đảo và khả năng khai thác chúng thông qua phân tích, tính toán từ các số liệu quan trắc và khảo sát thu được.
Lập quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên các đảo trong mối tương quan với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên các đảo hoặc cụm đảo có tiềm năng, bảo đảm sự phát triển bền vững. Nước có vai trò thiết yếu đối với đời sống con người và mọi hoạt động kinh tế. Nhưng nguồn nước ngọt trên các đảo nói chung rất hạn chế, dễ bị cạn kiệt và ô nhiễm, trước hết là nguy cơ nhiễm mặn đối với cả nước mặt và nước dưới đất nếu như lưu lượng khai thác lớn hơn khả năng phục hồi.
Chính vì vậy, phải tiến hành quy hoạch nguồn nước nhằm xác định nguồn nước giới hạn có thể đáp ứng nhu cầu của các hoạt động kinh tế chủ yếu mà không gây suy thoái, từ đó lập tổng sơ đồ khai thác tài nguyên nước cho mỗi đảo riêng biệt. Trong đó cần quan tâm khai thác triệt để nguồn nước mưa, bao gồm cả các biện pháp trữ nước để sử dụng trong mùa khô. Quy hoạch phát triển các ngành liên quan đến nhu cầu cấp nước phải phù hợp với quy hoạch này. Trên quan điểm đó, việc quy hoạch nguồn nước được xây dựng trên cơ sở xem xét các quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch khai thác, phát triển, bảo vệ rừng ở trên đảo, gắn liền với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.