Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rừng giao khoán cho Cty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Tín bị đốt, phá.
Tại thôn 4, xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắc Lắc), 15 hộ do ông Huỳnh Tấn Hùng làm trưởng nhóm được giao 300ha rừng để quản lý, toàn bộ diện tích này đã bị phá sạch. Ông Hùng cho biết, do diện tích rừng được giao cách nhà 30 - 40km, bà con đi lại tốn kém tiền xăng, mà ít đi thì rừng bị phá nhiều. Nhóm ông Hùng chỉ là một trong 13 nhóm hộ ở xã Ea Bung, được giao tổng diện tích 1.661ha rừng, sau vài năm chỉ còn lại... 600ha.
Còn tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo), 4.000ha rừng được giao cho 428 hộ thuộc cộng đồng 4 buôn vào năm 2006, đến nay cũng có hơn 1.000ha bị chặt trụi. Để giải quyết hậu quả phá rừng, được UBND tỉnh Đắc Lắc và huyện Ea H’leo chấp thuận, các buôn đem đất rừng liên kết với doanh nghiệp, vậy là rừng biến thành vườn... caosu.
Ở huyện Krông Bông, 9.196ha rừng được giao cho 11 cộng đồng thôn/buôn và 37 nhóm hộ quản lý, đến nay có hơn 6.000ha bị chặt trụi - trong đó xã Yang Mao mất 2.274ha, xã Cư Đrăm mất 2.228ha, xã Ea Trul mất 599ha... Thậm chí tại huyện Cư M'gar, chỉ có 692ha rừng được giao cho 84 hộ dân, tính ra mỗi hộ chỉ quản lý 8,2ha, mà sau 2 năm giao khoán cũng có hơn 150ha rừng biến thành nương rẫy.
Không sống nổi bằng nghề rừng, không bảo vệ được rừng, nhiều người dân phải xin trả lại rừng cho Nhà nước. Bà Tạ Thị Dung - đại diện cho nhóm 16 hộ ở thôn 6, xã Cư M'lan (huyện Ea Súp) - vừa đến UBND xã nộp đơn xin trả hơn 223ha rừng cho xã. "Trước tình huống này, lãnh đạo xã cũng không biết xử lý thế nào, bèn vận động người dân rút đơn, chờ tỉnh và trung ương điều chỉnh chính sách hưởng lợi cho phù hợp" - ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã Cư M'lan - bi hài kể lại.
Về nguyên nhân mất rừng, ông Ksơr Grư - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sol, huyện Ea H'leo - cho biết: “Người dân quản lý rừng có hưởng lợi, nhưng rừng nghèo quá, chẳng có gì để hưởng, nên họ mặc kệ rừng luôn". Còn theo Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, diện tích này trước do các lâm trường quản lý, khi hết gỗ họ mới chuyển giao cho chính quyền địa phương. Người dân nhận khoán phải chờ 20 - 30 năm, thậm chí 40 năm sau mới được khai thác gỗ, trong khi họ đang cần cái ăn hằng ngày. Riêng với Quyết định 304/2005/QĐ-TTg áp dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nhận rừng được thêm 100.000 đồng/ha/năm, nhưng tính ra hộ nhận khoán 10ha thì mỗi năm chỉ được 1 triệu đồng, không đáng kể. Do vậy người dân không tâm huyết với rừng, nhận khoán nhưng không lo bảo vệ.
Thừa nhận không hiệu quả
Trong khi ở Đắc Lắc, chính quyền địa phương trực tiếp giao rừng cho cộng đồng thôn/buôn hoặc nhóm hộ theo các quyết định 178, 304 thì tại Đắc Nông, các Cty lâm nghiệp giao khoán cho từng hộ theo Nghị định 135/NĐ-CP và hậu quả cũng nghiêm trọng không kém. Từ năm 2006, 4 Cty lâm nghiệp tại tỉnh này giao khoán hơn 4.000ha rừng và đất lâm nghiệp cho 367 hộ, đến nay gần một nửa đã bị "xóa sổ". Trong đó Cty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Tín mất 1.903ha/2.106ha - khoảng 90% diện tích rừng giao khoán, Cty TNHH MTV Gia Nghĩa 51ha/136ha - 37,5%. Sau nhiều lần tranh chấp suýt đổ máu, ông Nguyễn Đức Biên (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) đành đến trụ sở Cty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Tín thanh lý hợp đồng giao khoán trước thời hạn 30 năm, vì rừng Cty giao cho ông đã bị người khác xâm canh từ lâu.
Cũng tình cảnh này, nhưng ông Nguyễn Trịnh Trãi (xã Đắc Ngo) lại chọn cách giải quyết đưa tiền cho những hộ xâm canh. "Tôi bỏ ra 30 triệu đồng để lấy lại rừng cho Nhà nước, nhưng mới được 8ha thôi, còn 6ha đang bị xâm canh, dù trên hồ sơ là tôi nhận khoán". Mặc dù vậy, các Cty lâm nghiệp đều cho rằng, nguyên nhân mất rừng là do người nhận khoán không có mục đích trồng rừng, bảo vệ rừng. “Quy định là phải trồng rừng, nhưng nhiều hộ lợi dụng chương trình để lấy đất trồng càphê, tiêu, sắn... vì có lợi nhuận cao hơn" - ông Trần Quyết Tâm - Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân - cho biết. Thậm chí có trường hợp bán luôn đất rừng, như 2 hộ nhận khoán 37ha của Cty TNHH MTV Gia Nghĩa, người mua cuối cùng là ông Trần Quang Vinh ở tỉnh Trà Vinh. Sau khi giao 815/900 triệu đồng, ông Vinh nhận được 2 hợp đồng giao khoán, nhưng khi vào trồng càphê thì bị tranh chấp, phải nhờ cơ quan công an can thiệp.
Sau khi hàng nghìn hécta rừng bị cạo trọc, Sở NNPTNT Đắc Nông mới kiến nghị UBND tỉnh tạm dừng việc giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP để khắc phục hậu quả, trước mắt xử lý trách nhiệm các chủ rừng và hộ nhận khoán vi phạm hợp đồng, thu hồi lại đất rừng. Tại Đắc Lắc, mới đây Sở NNPTNT cũng thừa nhận việc giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ theo các quyết định 178, 304 là không hiệu quả và đề nghị UBND tỉnh dừng triển khai để... nghiên cứu thêm.