Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tận diệt tài nguyên biển

(07:57:32 AM 03/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Các tàu giã cào đang hoành hành tại nhiều vùng biển miền Trung khiến tài nguyên bị tận diệt, ngư dân khốn đốn

Mấy năm trở lại đây, nhiều vùng biển miền Trung xuất hiện hàng trăm tàu đánh bắt bằng giã cào (một hình thức giăng lưới mành có lỗ rất nhỏ “quét” tất cả các loài hải sản từ lớn đến bé - PV). Việc đánh bắt này khiến nguồn tài nguyên biển ven bờ bị tận diệt.


Dọa giết, đánh thuốc nổ


Những ngày qua, rất nhiều người dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bức xúc vì có hàng chục chiếc tàu giã cào công suất lớn từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đến “càn quét” vùng biển ven bờ các xã Bình Châu, Bình Hải, Bình Chánh. Để chứng minh, ngư dân Ngô Văn Bông (ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu) đưa chúng tôi đi vòng quanh bờ biển xã Bình Châu khi đang có hàng chục tàu công suất lớn từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đánh bắt bằng hình thức giã cào.


Ông Bông cho biết các tàu giã cào thường xuất hiện quanh các vùng biển ven bờ để đánh bắt, đặc biệt những lúc trời tối thường có cả chục chiếc “quét” tất cả sinh vật dưới biển. Việc đánh bắt của các tàu này không những làm nguồn hải sản bị tận diệt mà còn khiến các rạn san hô ngầm cũng bị tàn phá sạch sẽ. “Hồi trước, với nghề đánh bắt truyền thống, mỗi ngày, tôi cũng được 5-10 kg cá, mực. Từ khi có tàu giã cào, các loài chỉ bằng ngón tay cũng bị bắt, làm gì còn cá, mực để đánh bắt” - ông Bông bức xúc.


 Tận diệt tài nguyên biển

Tàu giã cào “quét” tất cả sinh vật dưới biển Ảnh: Trần Thường

 

Không những tận diệt nguồn tài nguyên biển, khi các tàu giã cào đi qua, tất cả lưới, dây câu của ngư dân địa phương cũng bị phá. “Khi thấy tàu giã cào xuất hiện, chúng tôi vội thu lưới, dây câu chứ không thì hư hỏng hết. Những người phản ứng lại liền bị các tàu giả cào đâm cho chìm ghe, xuồng. Họ rất manh động!” - ông Bông nói.


Không những ven biển Bình Châu, tại huyện Lý Sơn cũng có hàng chục tàu giã cào đánh bắt vào ban đêm. Theo ngư dân Nguyễn Thanh Vinh (ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), các tàu giã cào hoạt động hết sức ngang ngược, ai phản ứng thì bị dọa giết, đánh thuốc nổ.


Trưa 30-1, nhiều tàu cá ở thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cập bờ chỉ thu được một số lượng hải sản rất khiêm tốn. “Đi từ sáng nhưng mỗi người chắc chưa được trăm ngàn. Nguồn cá ở ven bờ đã bị các tàu giã cào đánh bắt hết rồi. Với đà này, khoảng vài năm sau chắc không còn gì” - ngư dân Nguyễn Văn Sửu (ngụ xã Tam Tiến) than thở. Các ngư dân cho biết mấy tuần trước, có khoảng 40 tàu giã cào đến từ Quảng Ngãi khai thác ngày đêm, cách bờ chỉ 2-3 hải lý.


Theo ông Ngô Văn Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Nam, tàu giã cào tập trung chủ yếu ở huyện Núi Thành, TP Hội An. Trong năm 2014, đơn vị này đã bắt quả tang 27 tàu giã cào tại vùng biển ven bờ, xử phạt 589 triệu đồng.


Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, tàu giã cào cũng là nỗi kinh hoàng của ngư dân vùng biển Vinh Thanh (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang). “Rất nhiều lần khi chúng tôi đang hành nghề thì bị tàu giã cào “càn quét”, kéo mất lưới. Tàu này mà hoạt động thì không có thứ gì lọt lưới khi nó đi qua” - ngư dân Trần Ngọc Sơn lắc đầu.


Theo ông Sơn, từ năm 2013 đến nay, vùng biển Vinh Thanh thường xuất hiện rất nhiều tàu giã cào từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... hoạt động ven bờ. “Có lần, tôi lên tàu giã cào để xin lại lưới của mình bị hư mang về vá cho đỡ bớt thiệt hại thì bị đe dọa, một người dùng dao gí vào cổ nên phải nhảy xuống biển thoát thân. Thiệt hại lần đó khoảng 20 triệu đồng” - ông Sơn kể.


Thiệt hại rất lớn


Ông Nguyễn Trường Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, cho biết từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm, tại vùng biển Vinh Thanh, tàu giã cào hoạt động ngày đêm. Năm 2014 có 68 hộ dân xã Vinh Thanh bị thiệt hại về ngư lưới cụ lên đến 621 triệu đồng vì loại tàu này. “Một số ngư dân mất hết chài lưới nên đã bỏ nghề” - ông Chính nói.


Theo thống kê của UBND xã Phú Diên, huyện Phú Vang, trong 2 năm 2013 và 2014, có 40 hộ dân xã này bị tàu giã cào phá nát ngư lưới cụ, thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Trước thực trạng nhiều tàu giã cào tàn phá nguồn tài nguyên biển ven bờ, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức bắt giữ nhưng chỉ một thời gian sau thì chúng lại xuất hiện.


Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo của ngư dân về tàu giã cào. Mới đây, Đồn Biên phòng Lý Sơn bắt 3 tàu giã cào khi đang “càn quét” vùng biển quanh đảo Lý Sơn. Các tàu này ban ngày neo đậu ngoài khơi để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, tối đến tập trung hoạt động khiến công tác truy bắt gặp khó khăn. “Việc các tàu giã cào hoành hành, tàn phá nguồn tài nguyên biển, chúng tôi đều nắm rất rõ. Tuy nhiên, do không có phương tiện ra khơi xử phạt nên chủ yếu tuyên truyền là chính” - ông Lê Văn Hưng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, phân trần.


Sẵn sàng chống trả


Ông Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã cấm tàu giã cào khai thác tại vùng biển ven bờ nhưng do thời điểm từ tháng 1 đến tháng 8 có rất nhiều loài cá vào sinh sản nên các tàu này vẫn hoạt động.


Năm 2014, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ đội Biên phòng phát hiện 6 tàu giã cào vi phạm. Tuy nhiên, chỉ xử phạt được 3 trường hợp với số tiền 72 triệu đồng (24 triệu đồng/trường hợp). Trong 3 trường hợp còn lại, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì một tàu cắt lưới bỏ chạy, 2 tàu khác chống trả quyết liệt. “Chúng tôi phát hiện lúc 11 giờ nhưng đến 16 giờ cùng ngày mới khống chế được tàu giã cào. Khi lực lượng chức năng lên tàu thì các đối tượng nhảy xuống biển nhằm gây áp lực. Vì tránh gây thiệt hại về người nên chúng tôi đành rút lui” - ông Bôn kể.


Theo ông Bôn, các đối tượng vi phạm rất liều lĩnh, trên tàu của họ lúc nào cũng có gạch, đá, vỏ chai... và sẵn sàng chống trả. “Hầu hết các trường hợp bị bắt không bao giờ đưa giấy tờ để kiểm tra, xử phạt. Chúng tôi phải vất vả lai dắt tàu vi phạm vào bờ mới xử lý được” - ông Bôn nói.

 

Theo NLĐ