Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khơi thông lòng tin

(22:22:20 PM 02/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Người dân tin tưởng chính quyền thành phố và sẽ chung tay cùng khơi thông lại dòng chảy của kênh rạch.

Khơi thông lòng tin
Phần kênh Hàng Bàng còn sót lại bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: Thuận Thắng


Sáng nay, liên tiếp nhận được tin nhắn, điện thoại của các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhà môi trường với tâm trạng hồ hởi về chuyện TP.HCM cho khôi phục 600m kênh Hàng Bàng, gỡ bỏ nút nghẽn làm toàn bộ tuyến kênh dài gần 2km thông thoáng trở lại.

Vì sao thông tin này lại được đón nhận với nhiều xúc cảm?

Người dân dọc con kênh hẳn rất vui vì sẽ không phải chịu cảnh ao tù nước đọng, thoát cảnh sống chung với nước ngập trong mùa mưa..., kéo theo đó là những lợi ích khác như cảnh quan đẹp dọc con kênh.

Thông tin ấy là tín hiệu tích cực cho thấy lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở nhận thức vấn đề mà có quyết tâm sửa chữa những quy hoạch trước đây chưa phù hợp.

Khôi phục con kênh, nhiều tỉ đồng phải bỏ ra, nhiều hộ dân bị tác động, nhưng chắc chắn niềm tin của nhân dân vào chính quyền sẽ tăng lên, bởi kiên quyết khắc phục chuyện đã rồi phải có một dũng khí, một sự thành thật rất cao.

Nhìn sang Hàn Quốc, du khách đến nước này đều cố gắng thu xếp thời gian dạo bước và chiêm ngưỡng con suối Cheonggye dài 5,8 km chảy qua Seoul. Con suối tuyệt đẹp này là niềm tự hào của người Hàn, mà trước đó vào năm 1968 đã bị lấp đi để làm đường.

Năm 2003, ông Lee Myung Bak khi ấy là thị trưởng Seoul, sau này là tổng thống Hàn Quốc, đưa ra đề án phục hồi dòng suối với những quyết định cực kỳ khó khăn, gặp phải sự phản kháng quyết liệt bởi tâm lý cái gì đã qua thì cho qua, cái gì đã ổn định cho dù chưa hài lòng thì cứ để yên như thế.

Hơn nữa hành động này vô hình trung động chạm đến uy tín của vị tổng thống tiền nhiệm. Cuối cùng với một quyết tâm sắt đá, năm 2005 công trình góp phần làm thay đổi bộ mặt và làm giảm 2OC vào mùa nóng đã hoàn thành.

Không chỉ Hàn Quốc, nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia cũng đã trả giá khi nôn nóng đẩy nhanh quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt “một ngày bằng 20 năm”, đôi khi cái giá phải trả không hề rẻ.

Chúng ta - cả chính quyền và người dân - đã làm rất nhiều cho thành phố này, nhưng cũng đã có những quyết định chưa phù hợp trong quy hoạch không gian, kiến trúc, kiến tạo cảnh quan, bảo tồn di sản, sử dụng đất...

Có những chuyện đã rồi không làm lại được nữa, nhưng có những thứ chúng ta hoàn toàn có thể làm lại được trong tầm tay, ấy là việc trả lại cho Sài Gòn - TP.HCM hình ảnh của một thành phố sông nước.

Người dân tin tưởng chính quyền thành phố và sẽ chung tay cùng khơi thông lại dòng chảy của kênh rạch.

Người dân cũng tin rằng các doanh nghiệp ngừng lại việc bức tử những con kênh và tự tay móc những khối bêtông đã trót ấn xuống những dòng kênh hiền hòa như một hành động sám hối. Khơi thông những dòng kênh còn có một ý nghĩa cao hơn là khơi thông sự đồng thuận xã hội.

NGUYỄN MINH HÒA (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)