Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trồng rừng ngập mặn ven biển, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu
Đáng chú ý là 10 dự án trọng điểm được ưu tiên hàng đầu với tổng kinh phí trên 6.918 tỉ đồng, gồm: Dự án nâng cấp đê biển Gò Công; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp bến cá Vàm Láng; Dự án phòng chống xói lở, ổn định bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Long; Dự án bờ kè sông Tiền (thành phố Mỹ Tho); Dự án kè dọc sông Bảo Định (thành phố Mỹ Tho); Hoàn thiện dự án ngọt hóa Gò Công; Dự án gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công; Dự án các tuyến đê huyện cù lao Tân Phú Đông; Dự án trồng mới rừng phòng hộ.
Để giải quyết khó khăn về kinh phí, Tiền Giang tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương cũng như huy động các nguồn vốn, ưu tiên cho những dự án thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vùng khó khăn; kết hợp kinh phí Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ, các thành phần kinh tế và nhân dân theo hướng xã hội hóa... Một số dự án đã triển khai thực hiện như: Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu hiện đã xây kè trên 4.500 m2 trong tổng số trên 21.000 m2 đê biển; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Soài Rạp đã thực hiện được 5/6 hạng mục công trình; Dự án phòng chống xói lở và ổn định bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong đã hoàn thành phần chống sạt lở khu vực phía tây cù lao với kinh phí 27 tỉ đồng... sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2015. Các dự án còn lại được tỉnh phân khai hợp lý theo lộ trình giai đoạn 2015 – 2020 hoàn tất đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đối với sản xuất và đời sống.
Theo ông Huỳnh Phước Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do nằm ở cuối nguồn sông Mêkông và tiếp giáp với biển Đông, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tỉnh Tiền Giang sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng rõ nét nhất đối với Tiền Giang là: rừng ngập mặn ven biển có tác dụng phòng hộ bị xâm thực và suy thoái nghiêm trọng, tình trạng sạt lở bờ sông rạch diễn ra ngày một phức tạp và trên diện rộng, hạn hán và lũ lụt xảy ra hàng năm tại những vùng sinh thái khác nhau do ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu về phía thượng lưu sông Tiền đe dọa cuộc sống và sản xuất của nhân dân địa phương...
Để nâng cao hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu, ngoài giải pháp triển khai quyết liệt các dự án trọng điểm giai đoạn 2015 – 2020, Tiền Giang tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng phó thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của các cấp và các ngành, học tập và ứng dụng khoa học công nghệ mới trong ứng phó thiên tai... Từ đó, giúp người dân an tâm ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo an sinh xã hội theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, “chung sống với lũ”, sản xuất “né lũ, né hạn mặn”, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.