Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mới đây, ngày 20-1, Công an huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Nguyễn Đắc Sung (SN 1996), Nguyễn Đắc Phú (1964) và Nguyễn Thị Nhượng (1970) - cùng trú huyện Thanh Chương - khi cả nhóm đang vận chuyển 1 con hổ xẻ thịt đông lạnh nặng 140 kg và 8 con khỉ nặng 100 kg. Nhượng khai con hổ này có giá 700 triệu đồng, bà ta nhận đưa đi bán cho một người ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An với tiền công 20 triệu đồng.
Con hổ nặng 120 kg vận chuyển trái phép cuối năm 2014 bị lực lượng chức năng bắt giữ
Nguồn gốc con hổ này thế nào, hiện công an vẫn tiếp tục làm rõ. Thượng tá Nguyễn Thế Lộc, Trưởng Công an huyện Thanh Chương, cho biết: “Chúng tôi đang mở rộng điều tra vụ việc”.
Trước đó, cuối năm 2014, trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, lực lượng công an đã bắt giữ Nguyễn Văn Lập (SN 1980; trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) khi đối tượng này dùng xe tải vận chuyển trái phép một con hổ nặng 120 kg. Lập khai nhận chở hổ thuê cho một người lạ mặt ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ với giá 8 triệu đồng. Hiện Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố Nguyễn Văn Lập về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng nguy cấp quý hiếm”.
Cách đó vài tháng, tối 13-6-2014, trong lúc làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, lực lượng công an và kiểm lâm phát hiện một chiếc xe tải không mang biển số có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Bất ngờ, tài xế nhấn ga lao xe vào tổ công tác và bỏ chạy. Bị truy đuổi quyết liệt, tài xế điều khiển xe vào một con đường ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu và vứt 2 con hổ Đông Dương còn sống có trọng lượng khoảng 160 kg xuống đường rồi tẩu thoát...
Trên đây chỉ là những vụ vận chuyển, buôn bán hổ điển hình mà lực lượng chức năng phát hiện 6 tháng qua. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Nghệ An, không chỉ vận chuyển và buôn bán, tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép cũng diễn ra hết sức phức tạp.
Hai con hổ Đông Dương nêu trên đã được bàn giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Trần Xuân Cường, đây là những con hổ bị nuôi nhốt. “Mấy ngày đầu về vườn, chúng nôn ra toàn cổ, đầu gà… Bị hành xác khi nuôi nhốt nên chúng phản xạ chậm hơn hổ sống trong môi trường tự nhiên” - ông Cường lo ngại. Mới đây, 2 con hổ này đã được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ông Lê Cao Bính - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An - khẳng định: “Hổ mà các lực lượng chức năng phát hiện nếu còn sống thì nhiều khả năng đã bị nuôi nhốt. Vấn đề là chúng nuôi nhốt ở đâu, lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Trước đây, chúng tôi từng phát hiện một số vụ nuôi nhốt hổ trái phép ở huyện Yên Thành. Còn hổ xẻ thịt, đông lạnh thì có thể người ta vận chuyển từ nơi khác tới”.
Vào năm 2012-2013, nhiều xã ở 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu rộ lên phong trào nuôi hổ, beo tại nhà để giết thịt nấu cao. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng chỉ phát hiện 3 vụ nuôi nhốt trái phép, thu giữ 3 con hổ, 1 con beo lửa còn sống. Với nhiều điểm nuôi nhốt khác, khi lực lượng chức năng xuất hiện thì người dân đã tẩu tán hổ từ trước. “Chúng tôi vẫn thường xuyên chỉ đạo anh em kiểm tra, nếu phát hiện hộ nào nuôi nhốt hổ trái phép sẽ xử lý nghiêm” - ông Bính khẳng định.
Cao hổ chủ yếu phục vụ đại gia
Ngày 15-1-2014, trong lúc dùng xe tải vận chuyển một con hổ nặng trên 300 kg cho giám đốc một công ty tại Bắc Kạn mua về nấu cao, tài xế Phạm Minh Long ở Hưng Yên đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Trước đó, vào tháng 5-2013, một giám đốc doanh nghiệp ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức nấu cao hổ tại nhà thì bị lực chức năng phát hiện…
Anh L.V.T, một người chuyên buôn bán các loại cao động vật hoang dã ở Nghệ An, tiết lộ: “Cao hổ giá rất đắt, đến 15-20 triệu đồng/lượng, người mua dùng chủ yếu là các đại gia lắm tiền”.