Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cộng đồng cùng tham gia bảo vệ và chia sẻ lợi ích rừng từ Vườn Quốc gia Bạch Mã

(07:50:16 AM 02/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Đến thời điểm hiện tại, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã giao khoán cho 46 cá nhân, 12 xã và 1 đơn vị lực lượng vũ trang nhận bảo vệ 10.000 ha rừng, với tổng kinh phí 2 tỷ đồng; bình quân mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, khi rừng được bảo vệ, các tổ chức và cá nhân trong vùng còn chia sẻ lợi ích rừng từ Vườn Quốc gia Bạch Mã, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn.

 Cộng đồng cùng tham gia bảo vệ và chia sẻ lợi ích rừng từ Vườn Quốc gia Bạch Mã

Ảnh minh hoạ


Vườn Quốc gia Bạch Mã có hệ thực vật đa dạng và phong phú bao gồm hai kiểu rừng chính: Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao dưới 900m và rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới ở độ cao trên 900m. Rừng ở độ cao trên 900m là rừng giàu với 2.147 loài chiếm khoảng 1/5 tổng số loài thực vật ở Việt Nam, trong đó có 86 loài được liệt kê vào sách đỏ Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng; trên 500 loài có tiềm năng thương mại và được sử dụng làm cây thuốc. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú với nhiều loài đặc hữu và quý hiếm, thống kê có tới 1493 loài động vật gồm 132 loài thú (chiếm 1/2 số loài thú ở Việt Nam), 358 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 57 loài cá, 894 loài côn trùng, trong đó có 68 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam là những loài cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. 


Trong tổng số 37.487 ha rừng của Vườn Quốc gia Bạch Mã cần được quản lý và bảo vệ, huyện miền núi Nam Đông chiếm tới 24.605 ha. Để bảo vệ rừng ở vùng đệm này, từ năm 2014, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã đầu tư cho 14 thôn, mỗi thôn 40 triệu đồng để hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn, có nguồn thu chủ yếu dựa vào rừng. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn được sử dụng để xây dựng hệ thống nước sạch và làm kênh mương thủy lợi cho người dân một số thôn. 


Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cùng với nguồn vốn được hỗ trợ, huyện Nam Đông còn kết hợp với một số dự án như chính sách làm giàu rừng, phát triển lâm sản dưới tán rừng… cũng như tiến hành ký cam kết với người dân sống trong vùng đệm bảo vệ rừng, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã, vừa góp phần đem lại hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đồng thời nâng cao đời sống người dân, tiến tới chuyển đổi nghề nghiệp cho một số người dân sống chủ yếu dựa vào rừng. 


Đối với việc chia sẻ lợi ích rừng, hiện đã có 236 hộ dân đăng ký tham gia phương án chia sẻ lợi ích, được tập huấn thu hái bền vững lâm sản ngoài gỗ và được phân vùng quản lí, khai thác dưới sự giám sát của hội đồng quản lý bảo vệ rừng. Trong 7 loại lâm sản ngoài gỗ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, đã có 5 loại được người dân ở đây khai thác hiệu quả để bán ra thị trường hoặc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, bao gồm: Mây, mật ong, nấm linh chi, măng và ốc suối. Trong đó, mây và mật ong là hai sản phẩm có trữ lượng khai thác lớn và mang lại thu nhập cao cho người dân, đa phần người dân đã đáp ứng được quy trình kỹ thuật khai thác bền vững, đảm bảo duy trì tái sinh cho năm sau.


Bên cạnh việc hưởng lợi từ lợi ích rừng, người dân còn thể hiện trách nhiệm của mình trong nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ rừng. Các hộ đăng kí phương án đã thực hiện nghiêm túc việc khai thác và tham gia quản lý lâm sản ngoài gỗ trong phạm vi được giao. Những tác động tiêu cực, gây áp lực lên tài nguyên rừng cũng giảm đáng kể, số vụ vi phạm săn động vật và khai thác gỗ trái phép đã giảm 50% so với các năm trước khi chưa thực hiện dự án. Điều đặc biệt, một số người dân còn hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng; thông tin về các đối tượng săn bắt thú rừng, khai thác gỗ trái phép, hay ngăn chặn các hành vi khai thác, đào đãi vàng, khoáng sản… 


Trong năm 2014, đã có 30 trường hợp cung cấp tin báo và nhắc nhở, cảnh báo người ngoài địa phương không được vào thu hái lâm sản ngoài gỗ, cũng như khai thác, sử dụng tài nguyên trong rừng đặc dụng. Từ đó, Vườn Quốc gia Bạch Mã phối hợp xử lý 30 vụ vi phạm lâm luật, phạt tiền 22,5 triệu đồng và tịch thu gần 24 m3 gỗ khai thác trái phép...

 

Quốc Việt