Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghe chapi chợt thấy nao lòng...

(09:27:49 AM 01/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Hơn nửa đời người rong ruổi sưu tầm sử thi và tìm cách lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai, nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến luôn đau đáu nỗi lo những vốn quý này sẽ dần mai một

 Nghe chapi chợt thấy nao lòng...
Ông Mấu Quốc Tiến biểu diễn các làn điệu từ đàn chapi

 

Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn chapi… Lời ca của nhạc sĩ Trần Tiến đã nhắc đến một phần văn hóa, tính cách của đồng bào Raglai - sống chủ yếu ở vùng rừng núi Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ngoài đàn chapi, người Raglai còn nổi tiếng với lễ Bỏ mả (Vidhi atơu), đàn đá Khánh Sơn... và nhất là một kho tàng sử thi khổng lồ. Tuy nhiên, thực tế đáng lo là những vốn quý này đang dần phai nhạt theo thời gian.

Hòa nhập thiên nhiên

Là cán bộ Phòng Truyền thống Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, ông Mấu Quốc Tiến luôn đi đầu trong việc sưu tầm và bảo tồn văn hóa đồng bào Raglai ở đây. Mỗi lần gặp ông là một lần chúng tôi được khám phá nhiều điều mới mẻ từ người đàn ông gần 60 tuổi này.

Theo ông Tiến, người Raglai sống rất hòa nhập với thiên nhiên. Núi rừng, sông suối đều được họ coi như ông bà, thần linh. Khác với một số dân tộc ở Tây Nguyên, người Raglai tuyệt đối không sử dụng thịt rừng làm lễ vật cúng thần rừng, thần sông suối. Các họ của người Raglai cũng đều liên quan đến cây cối, như: Pinang (cao - nghĩa là cây cau), Chamaliaq (mấu - cây dây máu), Adưq (môn - cây khoai môn)... “Người Raglai không bao giờ xâm phạm vùng đất của người khác. Họ không du canh du cư mà chỉ canh tác luân phiên trên rẫy của ông bà để lại” - ông Tiến cho biết

Kể về văn hóa Raglai, đôi mắt ông Tiến ánh lên niềm tự hào lạ thường. Với lấy chiếc đàn chapi, ông biểu diễn cho chúng tôi nghe các giai điệu trầm đục, dìu dặt và giải thích đó là âm nhạc khi người Raglai có chuyện buồn. Rồi ông chuyển qua chơi điệu “tán gái”, điệu con chim với âm sắc vui nhộn...

“Mỗi làng Raglai đều có một bộ mã la, tức nhạc cụ cồng chiêng, để chơi ở các dịp lễ hội. Nhưng phổ biến nhất vẫn là đàn chapi với vật liệu tự nhiên sẵn có của núi rừng như: nứa, lồ ô. Chapi mô phỏng theo làn điệu mã la. Đàn này có thể đánh đến 30 giai điệu khác nhau tùy tâm trạng người chơi” - ông Tiến giải thích.

Mới đây, lễ Bỏ mã của đồng bào Raglai ở tỉnh Khánh Hòa đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia khiến người dân nơi đây rất vui mừng. Để hoàn tất hồ sơ, ông Tiến cùng một số cán bộ huyện Khánh Sơn đã bỏ không ít công sức sưu tầm, chuẩn bị tư liệu về nghi lễ này.

“Lễ Bỏ mả được tổ chức trong 3 ngày, vào tháng 3 và 4 hằng năm. Lễ này được xem là quan trọng nhất của đồng bào Raglai - ngày chia tay vĩnh viễn giữa người sống và kẻ chết, để người đã khuất thực sự trở về cõi vĩnh hằng. Chủ lễ chuẩn bị rượu cần, làm nhà mồ, mời bà con gần xa về tề tựu... Lễ có nhiều nghi thức, nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian độc đáo, nhờ vậy mà được lưu truyền khá nguyên vẹn từ đời này sang đời khác” - ông Tiến tự hào.

Giữ hồn Raglai

 

  Nghe chapi chợt thấy nao lòng...
Ông Tiến giới thiệu bộ mã la của người Raglai

 

Không để văn hóa Raglai mai một theo thời gian, trăn trở ấy đã thôi thúc ông Mấu Quốc Tiến rong ruổi băng rừng, vượt suối sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân tộc mình từ hàng chục năm trước. Năm 1985, ông bắt đầu sưu tầm sử thi Raglai cùng với những nghiên cứu của cụ Nguyễn Thế Sang, cụ Trần Vũ (nguyên cán bộ văn hóa tỉnh Khánh Hòa).

Năm 1987, tác phẩm đầu tiên Bảo tồn chữ viết và văn hóa Raglai của ông Tiến được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá cao. Phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, từ năm 1999-2009, ông cho ra đời 4 bộ sử thi: Akhàt jucar Raglai, Udai- Ujac, Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi và Awơi nãi tilơr dày hơn 10.000 trang, viết bằng chữ Raglai và chữ Việt. Hiện ông đang biên soạn 4 bộ sử thi qua hơn 300 băng ghi âm.

“Sử thi Raglai là những câu chuyện kể về các anh hùng chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, đấu tranh sinh tồn và chống giặc ngoại xâm. Bậc anh hùng của người Raglai là những chàng trai vạm vỡ như Udai-Ujàc, là người đội lốt thú như Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi. Cũng có khi, đó là một phụ nữ như Awơi nãi tilơr đấu tranh chống lại thần rừng, thần biển bảo vệ người dân...” - ông hào hứng.

Theo ông Tiến, những câu chuyện trong sử thi được truyền từ đời này sang đời khác bằng nhiều âm điệu. Chẳng hạn, điệu Siri dìu dặt kéo dài như lời ru con của các bà mẹ Raglai trên đường lên rẫy trỉa bắp, trồng mì, hái rau rừng. Điệu Majêng ngân nga như lời tâm tình của người mẹ với con thơ khi ru bé ngủ. Điệu Adoh nhanh, rộn ràng thường được dùng cho những buổi sinh hoạt cộng đồng, những mùa lễ hội...

“Mỗi lần nhớ về những bài hát ru của mẹ, hình ảnh các bậc anh hùng lại hiện lên trong trí tưởng tượng của mình. Họ uy nghi, mạnh mẽ, làm được những việc phi thường, khuấy động đất trời... Mỗi lần nghe lại, mình thêm yêu mến vùng đất này, thêm niềm tự hào về dân tộc đã có được những nét văn hóa đặc sắc” - ông tâm sự.

Để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa Raglai, ông Tiến còn sưu tầm, tập hợp hàng loạt Truyện cổ Raglai, Tri thức bản địa của người Raglai, Thành ngữ - tục ngữ Raglai, Khánh Hòa - diện mạo văn hóa một vùng đất... Các tác phẩm này thể hiện bằng tiếng Raglai và tiếng Việt, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng chứng nhận.

Lo cho thế hệ trẻ

Theo ông Tiến, trước đây, nhiều người còn biết và nhớ đến sử thi Raglai nên việc thu âm khá thuận lợi. Vài năm gần đây, công việc trở nên rất khó khăn. Không kể những bậc cao niên dần khuất núi, các bà, các mẹ giờ tuổi đã già, trí nhớ giảm sút. Huyện Khánh Sơn chỉ còn 2 cụ bà nắm rõ sử thi Raglai nhưng đều đã yếu lắm rồi.

“Thế hệ chúng tôi lớn lên trên lưng của bà, của mẹ bằng tiếng ru dìu dặt, dịu dàng. Những đêm hội cồng chiêng vang vọng cũng ngấm dần vào tâm hồn. Để rồi khi chúng tôi lớn lên, những âm sắc ấy không sao phai nhạt trong tâm trí. Vậy mà nền văn hóa Raglai ngày càng mai một. Lớp trẻ hôm nay ít quan tâm đến sử thi, đến âm nhạc dân tộc mà chỉ thích thú với nhạc trẻ, phim Hàn...” - ông trăn trở.

Ông Tiến còn cho biết đàn đá Khánh Sơn nổi tiếng là vậy nhưng hiện vùng này không còn được bộ nào hoàn chỉnh. “Chỉ còn vài người có thể thẩm âm các phiến đá để ráp thành bộ đàn. Kiếm được loại đá gõ ra tiếng rất khó nhưng hễ có tấm nào là người ta lại bán mất. Rừng thiêng là vậy nhưng nhiều người trẻ sẵn sàng đốn hạ lấy gỗ bán lâm tặc. Còn sử thi Raglai, giờ rất ít người thuộc...” - ông băn khoăn.

Để lưu giữ vốn văn hóa dân tộc, ông Tiến đã kiến nghị UBND huyện Khánh Sơn tổ chức lớp học chữ Raglai cho con em đồng bào mình. Đến nay, lớp học đã hoạt động vào các ngày thứ bảy hằng tuần. “Những đêm ngồi bên bếp lửa, tôi lại nghiền ngẫm từng đoạn, từng câu sử thi. Đoạn nào hay, sống động, tôi trích dẫn và soạn thành từng tập nhỏ để hát lại cho thế hệ trẻ nghe. Tôi cũng đang đề nghị huyện Khánh Sơn hoàn chỉnh bộ sưu tầm đàn đá, mở lớp giảng dạy các nhạc cụ, dạy múa Raglai” - ông tiết lộ.

Những ngày giáp Tết, rừng núi Khánh Sơn bàng bạc ánh nắng, hơi lạnh len vào từng khe cửa. Ngược xuôi khắp các thôn làng cùng chiếc xe máy cũ kỹ, mang những câu chuyện về các bậc anh hùng Akhàt Jucar, Udai-Ujàc, Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi... đến với thế hệ trẻ Raglai, người cán bộ văn hóa ấy luôn mong mỏi những làn điệu Siri, Majêng, Adoh... mãi vang lên trên nương rẫy, bên bếp lửa bập bùng...

 Nghe chapi chợt thấy nao lòng...
Chỉ với chiếc cassette nhỏ, ông Tiến đã sưu tầm được 8 bộ sử thi Raglai


Đầy đam mê, nhiệt huyết

Theo ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện đánh giá rất cao những công trình về sử thi Raglai do ông Mấu Quốc Tiến biên soạn, phiên âm, dịch nghĩa. Đó thực sự là một kho tàng đồ sộ về nền văn hóa truyền thống Raglai.

“Ông Tiến là người đam mê, nhiệt huyết với văn hóa Raglai nhất mà tôi từng biết. Ông là dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Raglai hàng đầu ở Khánh Hòa hiện nay” - ông Dũng nhận xét.

KỲ NAM/ NLĐ