Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TPHCM:Cần xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên các sông ngòi, kênh rạch

(07:36:55 AM 29/01/2015)
(Tin Môi Trường) - Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 2.000 km với mật độ dày và đan xen kết nối xuyên suốt cả địa bàn, có vai trò giao thông thủy, tiêu thoát nước, điều hòa không khí và làm sạch môi trường. Tuy nhiên, hệ thống kênh rạch tại thành phố đang bị ô nhiễm nặng do việc xả thải, nhất là đoạn sông ngòi, kênh rạch ở quận Thủ Đức. Ở đây được xem là "điểm nóng" về xả thải với mức độ ô nhiễm đáng báo động trên hệ thống kênh rạch toàn địa bàn.

 Thành phố Hồ Chí Minh: Cần xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên các sông ngòi, kênh rạch

Ảnh minh hoạ

 

Theo thông số quan trắc của Tổng cục Môi trường triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức độ ảnh hưởng của các loại hình nước thải bao gồm: nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi, nước thải y tế, nước rỉ từ các bãi rác. Trong số này, nước thải sinh hoạt chiếm lưu lượng khoảng 1,2 triệu m3/ngày, đứng đầu về tải lượng ô nhiễm của các nguồn thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. 

 

Quận Thủ Đức với vị trí thấp trũng hiện nay được xem là điểm nóng về xả thải vào kênh rạch vì nơi này tập trung nhiều nguồn thải khiến chất lượng nguồn nước kênh rạch giảm sút nhanh chóng, trong đó có nguyên nhân về hệ số nước thải sinh hoạt. Mặt khác, quận Thủ Đức còn là nơi tiếp giáp với Đồng Nai, Bình Dương nên phải "gánh" lượng nước thải từ hai tỉnh lân cận này chảy qua địa bàn. 

 

Tổng diện tích đất sông ngòi, kênh rạch ở Thủ Đức khoảng 423,62 ha với 60 hệ thống kênh rạch lớn nhỏ đang bị tác động rất lớn từ hệ thống cống xả thải trực tiếp của các hộ dân, phòng trọ sát kênh rạch trên địa bàn mà không qua bể tự hoại từ nhà vệ sinh. Mặt khác, nhiều hộ dân vẫn vứt rác trực tiếp ra kênh rạch gây tăng thêm ô nhiễm, làm tắc nghẽn dòng chảy khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn. H ệ thống quán ăn, nhà hàng, nước thải sản xuất công nghiệp, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, chợ…dày đặc. Đây là nguồn thải "góp phần" không nhỏ lượng nước thải sinh hoạt ô nhiễm vào hệ thống kênh rạch, sông ngòi ở địa phương. Một tác nhân không thể không nhắc đến gây ảnh hưởng đến sự ô nhiễm trên địa bàn Quận Thủ Đức con kênh Ba Bò, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương. 

 

Nhiều năm trước, kênh Ba Bò là điểm nóng về xả thải khi tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với quận Thủ Đức cũng làm tăng mức độ ô nhiễm của con kênh. Nước kênh Ba Bò đen sì, đặc quánh và bốc mùi rất khó chịu. Con kênh này tiếp nhận nước thải trực tiếp của các khu công nghiệp Sóng thần 1, Sóng Thần 2, nước thải sinh hoạt của các hộ dân từ tổ 11 đến tổ 16 xã Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương), một phần nước thải từ các sơ sở sản xuất thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Đặc biệt, nhánh rạch đổ vào kênh Ba Bò còn là nơi trực tiếp nhận nước thải từ chợ nông sản Thủ Đức và các hộ dân xung quanh khu vực này. 

 

Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa thành phố Hồ Chí Minh- Bình Dương nhằm kiểm tra nguồn thải, chống xả thải trộm và đề ra các biện pháp xử lý chất thải cơ hữu. Song kênh Ba Bò vẫn tiếp tục là một "điểm đen" về xả thải với mức độ nhiễm sắt (Fe) lên cao nhất đến 4,93 lần, Coliform lên cao nhất đến 32.933 lần và nhiều độc chất khác vượt mức cho phép nhiều lần. 

Theo các kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường, đa số các kênh rạch trên địa bàn quận Thủ Đức bị ô nhiễm bởi các thông số BOD5, NH40N, TSS, Coliforms.. ở mức cao tại các phường Tam Phú, Tam Bình, Trường Thọ, Trường Thọ và Linh Trung.

 

Qua khảo sát tại Thủ Đức, Viện Môi trường và Tài nguyên đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường nạo vét kênh rạch, áp dụng cơ chế liên phường, liên quận, liên tỉnh trong vùng giáp ranh để kiểm soát ô nhiễm và vận động người dân không xả rác bừa bãi, cải tạo hệ thống vệ sinh. Tuy nhiên, các giải pháp này không được thực hiện đồng bộ nên hiệu quả khắc phục ô nhiễm chưa cao. 

 

Một yếu tố khách quan khiến tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện chính là chế độ bán nhật triều ảnh hưởng từ Biển Đông khiến việc tiêu thoát nước của Thủ Đức rất chậm. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm cao về bản chất vẫn do sự xả thải từ các hộ dân và các hoạt động công nghiệp trên địa bàn. Tỉ lệ thu gom rác ở quận Thủ Đức chưa bao giờ đạt mức 100% .


Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên: Quận Thủ Đức có suối Cái Nhum và suối Xuân Trường phía Đồng Bắc chảy theo hướng từ cao xuống thấp; còn khu phía Tây Nam (giáp ranh trung tâm) là hệ thống kênh rạch dày đặc chịu ảnh hưởng của thủy triều. Địa hình này cộng thêm sự gia tăng nhanh của dân số cơ học do thu hút lao động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cùng như sự gia tăng các trường đại học tạo một sức ép rất lớn về môi trường cho Thủ Đức. Dù chính quyền địa phương có ban hành và thực thi một số chính sách về kiểm soát và xử phạt song tình trạng ô nhiễm vẫn chưa cải thiện. 

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, chính quyền cần quyết liệt hơn đối với các cơ sở vi phạm để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm, "cứu" các con kênh trên địa bàn.

 

Mai Quốc Ấn