Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
Con kênh dẫn nước chính của xã Lê Hồ (huyện Kim Bảng) nay đã thay đổi rất nhiều. Nhờ sự phát triển của kinh tế ở địa phương, hai bên bờ kênh được kè chắc chắn. Lòng kênh được nạo vét sâu, giúp việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp được dễ dàng hơn. Thế nhưng, hiện nay màu nước ở kênh hiếm khi trong xanh hay đỏ nặng phù sa như trước. Trong lòng kênh, những thực vật như rong, trang, tóc tiên, hoa súng cũng không còn. Cá, tôm trong lòng kênh cũng hầu như biến mất. Chỉ còn lại duy nhất một loài có thể sống chung với ô nhiễm, đó là cá rô phi. Cũng không còn cảnh người dân tấp nập đổ dồn ra kênh bắt cua bắt hến mỗi độ nước cạn. Với chức năng chính là tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, mỗi năm, hai lần nước được tích đầy con kênh trước mỗi vụ sản xuất. Từ nhiều
năm nay, câu nói cửa miệng của người dân là “nước sông Tô Lịch lại về”. Nước về qua hệ thống cống dẫn tràn vào các cánh đồng. Một màu xanh đen phủ đầy các thửa ruộng trồng lúa, trồng hoa màu. Nước thấm vào đất. Đất nuôi cây lúa, cây rau, cây ngô, cây đậu. Cây lại nuôi người.
Hà Nam là tỉnh chiêm trũng, nơi có bốn con sông chảy qua, gồm: Sông Đáy, Nhuệ, Châu Giang và sông Hồng. Theo số liệu phân tích thường kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, nước ở sông Nhuệ và Châu Giang luôn trong tình trạng ô nhiễm. Nhiều chỉ số vượt mức an toàn cho phép nhiều lần, thậm chí hàng chục lần tùy theo thời điểm trong năm. Nước ở sông Đáy cũng có nhiều thời điểm trong năm không đạt tiêu chuẩn an toàn. Đã rất nhiều lần, vào thời điểm nước sông Tô Lịch được xả, cá nuôi trong bè trên dòng Châu Giang lại bị chết hàng loạt do bị ô nhiễm nặng . Số hộ nuôi cá trên sông ngày cảng giảm do thiệt hại lớn khi cá chết mà không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Người dân hai bên bờ sông nhiều lần phải di tản khỏi nhà vì không chịu nổi mùi hôi từ nước sông bốc lên.
Cũng chính nước từ những con sông này, thông qua hệ thống thủy lợi đã được đổ về hệ thống kênh mương, đồng ruộng các xã trong toàn tỉnh Hà Nam. Nước ô nhiễm được chia cho tất cả các cánh đồng. Cây trồng sinh trưởng cũng nhờ nguồn nước này. Người dân trồng lúa, trồng rau bằng nguồn nước này và đương nhiên cũng phải tiêu thụ những dư lượng chất độc hại mà cây đã thẩm thấu để sinh trưởng. Nước còn ngấm xuống lòng đất, lẫn vào nguồn nước ngầm của Hà Nam.
Đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu bài bản, công phu những ảnh hưởng của nước sông ô nhiễm đối với sức khỏe của người dân Hà Nam . Chỉ có một thực tế là, số người chết vì căn bệnh ung thư ở các thôn xóm ngày một nhiều. Độ tuổi người bị bệnh cũng ngày càng trẻ hơn. Đương nhiên, căn bệnh ung thư do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng không thể phủ nhận được ô nhiễm nguồn nước chính là một những nguyên nhân quan trọng.
Người dân hạ nguồn không trực tiếp gây ô nhiễm. Nhưng họ lại là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đã có nhiều lời kiến nghị của người dân, có nhiều cuộc họp liên ngành, liên tỉnh được tổ chức. Song, hiệu quả đạt được còn quá ít ỏi so với mong muốn của người dân, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Người dân vẫn hàng ngày phải gánh chịu những hậu quả do nguồn nước ô nhiễm gây ra. Nước trên các các con kênh khắp vùng chiêm trũng này vẫn đen kịt hoặc xanh đen và bốc mùi hôi mỗi độ mùa vụ về.