Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hóc Môn: Gần hai năm lội 'sông' để… ra khỏi nhà

(09:32:51 AM 27/01/2015)
(Tin Môi Trường) - Đó là tình cảnh mà vợ chồng ông Tất Hứng và bà Hồ Thị Tho, 54 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM phải chịu đựng gần hai năm nay. Không chỉ hộ bà Tho, khoảng năm hộ khác cũng chịu ảnh hưởng cảnh lầy lội, hoa màu chết rũ vì ngập nước.

Người lội “sông”, kẻ chèo xuồng


Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm khi nước lớn, vợ chồng bà Tho phải lội “sông” đi làm, đến chiều tối họ cũng lại trở về nhà trong "mênh mông nước". Mỗi khi ra khỏi nhà, họ mang theo một bộ quần áo khô để qua khỏi bờ thì thay vào. Do cả hai không biết bơi nên hai cây gậy là bảo bối giúp họ an toàn gần hai năm nay.


Dùng một cây gậy dài, xắn quần cao qua gối, tất cả đồ dùng cá nhân được cho vào bao ni lông vác trên vai, bà Hồ Thị Tho dẫn chúng tôi vào nhà. Đoạn đường từ đầu hẻm vào nhà bà dài gần 2km, trong đó, hơn 1km chúng tôi phải lội bì bõm, còn lại là băng qua sình lầy. Dù có gậy dò đường nhưng thi thoảng chúng tôi cũng hụt chân bởi nhiều chỗ sâu, nước ngập đến cổ. Nhìn khách ướt mem, bà Tho ái ngại nói, gần hai năm nay, nhà bà chẳng có khách khứa hay bà con đến thăm vì họ không thể lội nước vào nhà. Cô con gái duy nhất của bà là Tất Huyền (17 tuổi) năm tháng nay cũng phải đi ở nhờ nhà người thân vì không thể mỗi ngày lội nước đi học.


Không phải lội “sông” để ra khỏi nhà như bà Tho nhưng bốn người trong gia đình ông Lê Văn Dũng (ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh) cũng trầy trật không kém. Hẻm nhỏ vào nhà ông chỉ 500m nhưng mất gần 20 phút chúng tôi mới vào đến nhà bởi nó lầy lội, trơn trượt, rất khó đi. Vợ chồng con trai và con gái lớn của ông phải mướn nhà trọ ở. “Mỗi khi mấy đứa cháu về chơi, ba mẹ nó phải gọi điện trước xem nước ròng hay không, nếu nước ròng, tôi ra đầu hẻm cõng nó vào. Còn nước lớn, ba mẹ nó đi đường khác, đứng bên kia bờ Rạch Tra chờ tôi lấy xuồng ra đón”, ông Dũng nói.


Không chỉ khổ vì đi lại, một số hộ dân còn bị thiệt hại vì hoa màu chết rũ. Hộ ông Võ Văn Mến một năm nay phải bỏ hoang mảnh vườn rộng hơn 7.000m2 vốn là nơi trồng hàng ngàn cây hoa lài, cây ăn trái. “Nước ngập quá, đến cỏ cho bò ăn cũng không trồng được, tôi phải bỏ hoang chờ Nhà nước đắp bờ thôi”, ông Mến cho biết. Tương tự hộ bà Phan Thị Lan trồng cây kiểng cũng phải bỏ vườn hơn một năm nay do ngập nước.


Hóc Môn: Gần hai năm lội 'sông' để… ra khỏi nhà
Mỗi ngày bà Tho đều phải lội “sông” để ra khỏi nhà


Hóc Môn: Gần hai năm lội 'sông' để… ra khỏi nhà

Hai chiếc ghe vừa là phương tiện mưu sinh của vợ chồng ông Dũng, vừa để đón cháu vào thăm ông bà mỗi khi nước lớn


Sẽ đắp bờ, giải quyết ngập úng cho dân


Ông Trần Quang Duy - Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết có bốn hộ với 18 nhân khẩu có nhà hoặc nhà tạm ở sát mé sông Rạch Tra bị ảnh hưởng mỗi khi nước lớn hay triều cường. Năm nào địa phương cũng huy động lực lượng dân quân, nhân công hỗ trợ đắp bờ mỗi khi nước từ sông tràn vào nhưng không xuể, "về lâu dài chúng tôi đã đề nghị Chi cục Phòng chống lụt bão TP kiến nghị UBND TP bố trí vốn đầu tư nâng cao cao trình cho đoạn vành đai 450m cặp sông Rạch Tra. Trước mắt, để đảm bảo cho người dân vui Tết, khu vực nào ngập nặng, địa phương sẽ cho xà lan đắp bờ".


Giải thích nguyên nhân ngập úng kéo dài hơn một năm qua dù không rơi vào đợt triều cường, ông Trần Hiển Vinh - cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Đông Thạnh, cho biết, do một đoạn bờ bao của rạch Rỗng Gáo (một nhánh nhỏ nối ra sông Rạch Tra) bị vỡ, cộng thêm đợt triều cường tháng 10 vừa qua khiến ngập úng kéo dài, dù địa phương đã hỗ trợ xà lan đắp bờ nhưng không ngăn nổi nước từ sông tràn vào.


“Ngày 8/1/2015, Ủy ban xã và huyện phối hợp Chi cục Phòng chống lụt bão TP khảo sát khu vực trên và thống nhất sẽ kiến nghị UBND TP đầu tư nâng cao cao trình vành đai này, khả năng qua Tết sẽ triển khai. Đầu tư đoạn vành đai này, không chỉ giải quyết chuyện ngập, đi lại cho các hộ dân mà còn nâng cao đời sống người dân vì sẽ có đường điện đi vào, bà con có thể canh tác hoa màu nâng cao đời sống”, ông Vinh cho biết.

 

HỒNG NGUYÊN/PNO