Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giao diện trang chủ Tin Môi Trường - Tin nhanh về môi trường Việt Nam - Ảnh:TL
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng – Tổ chức điều phối Liên minh Nước sạch Nguyễn Ngọc Lý cho biết: Mục tiêu của Tọa đàm nhằm nâng cao vai trò truyền thông trong giám sát, phát hiện ô nhiễm nước, trong việc thúc đẩy người dân, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia kiểm soát ô nhiễm nước, nêu các gương doanh nghiệp tốt trong kiểm soát ô nhiễm nước, cùng với Liên minh Nước sạch nâng cao nhận thức về sự khẩn cấp phải có những chính sách đúng đắn, có tính thực thi cao về kiểm soát ô nhiễm nước, đặc biệt là trong cuộc vận động xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước mà Liên minh sẽ đẩy mạnh trong năm 2015, để bảo vệ nguồn nước của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.
Các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi về thực trạng kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam như vai trò của truyền thông trong giám sát, phát hiện ô nhiễm nước; vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy người dân, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia kiểm soát ô nhiễm nước; vai trò của truyền thông trong vận động chính sách về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước… Hầu hết các ý kiến cho rằng môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm do nguồn nước thải, khí thải và chất thải rắn.
Ở các tỉnh, thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Trong những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nước luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật Bảo vệ môi trường 2005 (sửa đổi năm 2014), Luật Tài nguyên nước năm 1998 (sửa đổi năm 2012), Chiến lược Bảo vệ Môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020…
Cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sông, hồ; quy chuẩn nước thải sinh hoạt, nước thải đối với các ngành công nghiệp... đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nước. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng đã khẳng định rõ vai trò truyền thông trong việc vận động chính sách về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Thực tế nhiều năm qua, các cơ quan truyền thông đã tham gia tích cực phản ánh thông tin đa chiều các vụ việc như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bauxite Tây Nguyên, Công ty Vedan Việt Nam… giúp các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kịp thời có chính sách quản lý hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Hệ thống nguồn nước mặt lục địa của Việt Nam khá dồi dào và đa dạng, với khoảng 2.360 sông, suối dài trên 10 km và hàng nghìn hồ, ao, đất ngập nước. Nhưng những nguồn nước này đã và đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng bởi các chất thải phế liệu, đặc biệt là nước thải từ các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của con người.
Theo “Báo cáo môi trường quốc gia 2012”, chỉ trong vòng 4 năm gần đây đã có khoảng 6 triệu ca bệnh liên quan đến nước trên phạm vi toàn quốc, chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng. Các con số thiệt hại do nước bị ô nhiễm tới nông nghiệp, thủy sản, khắc phục sự cố môi trường hàng năm theo ước tính cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Thực trạng này đòi hỏi phải kịp thời có giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa các hoạt động gây ô nhiễm nước do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh của con người. Trong đó, sự tham gia của truyền thông được coi là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần phản ánh toàn diện, trung thực, khách quan, đa chiều các vấn đề kiểm soát ô nhiễm nước, đồng thời là kênh phản biện xã hội sâu sắc, chỉ ra những yếu kém và đề xuất các giải pháp xử lý.