Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
.Việt Nam – Quốc gia đầu tiên xây dựng Báo cáo SREX
Các đại biểu và thành viên VPCC chụp ảnh kỷ niệm
Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu tập hợp các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về các lĩnh vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà là Chủ tịch VPCC. Ngoài ra còn có 2 Phó Chủ tịch và 20 thành viên.
Hội đồng tư vấn VPCC ra đời trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Để trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả, kịp thời để ứng phó với thách thức này. VPCC sẽ tư vấn cho Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu các chính sách và cơ sở khoa học nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; các định hướng kết quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN; đề xuất các hoạt động, chương trình nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ, giải pháp ứng phó với BĐKH phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH Việt Nam và các định hướng HTQT trong NCKH và ứng dụng công nghệ ứng phó với BĐKH và kinh tế các-bon thấp.
Bên cạnh đó, VPCC có nhiệm vụ tư vấn các giải pháp và đề xuất các chương trình, dự án nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, phát triển nguồn nhân lực ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nhấn mạnh, thời gian tới, Hội đồng tư vấn sẽ có những báo cáo tư vấn xác đáng và thường xuyên để Chính phủ có cơ sở xác định các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong tất ca các lĩnh vực trong thời gian tới.
Tại Lễ ra mắt VPCC, các đại biểu còn được giới thiệu Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam). Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng báo cáo SREX cho mình.
Báo cáo SREX Việt Nam được xây dựng dựa trên Báo cáo đặc biệt về Quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu (SREX) của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Đây là những phân tích khoa học có sự hợp tác lớn đầu tiên về biến đổi khí hậu của hơn 40 nhà khoa học đến từ 20 cơ quan nghiên cứu củaViệt Nam.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để làm rõ hơn những nguyên nhân bất thường của thời tiết, khí hậu tại Việt Nam trong những năm gần đây và trong những năm tới, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, xây dựng “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu” (Báo cáo SREX Việt Nam). Báo cáo này cung cấp những thông tin rất quan trọng hỗ trợ Chính phủ xác định và tập trung đầu tư cho các kế hoạch và biện pháp cấp bách không thể trì hoãn trong phòng tránh thiên tai và thích ứng với các tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
GS.TS. Trần Thục, Phó Chủ tịch VPCC, đồng tác giả Báo cáo SREX Việt Nam cho biết, Báo cáo phân tích và đánh giá các hiện tượng cực đoan, tác động của chúng đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam; diễn biến của các hiện tượng khí hậu cực đoan trong tương lai do biến đổi khí hậu; sự tương tác giữa các yếu tố khí hậu, môi trường và con người nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan ở Việt Nam.
Nhóm tác giả đã phối hợp biên soạn Tóm tắt cho các Nhà hoạch định Chính sách phục vụ các nhà quản lý, hoạch định chính sách, làm cơ sở định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch ứng phó hiệu quả để quản lý tốt các rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ đánh giá: "Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng cực đoan và phụ nữ, trẻ em, người già và đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất, vì vậy họ và cộng đồng của họ phải trở nên kiên cường hơn. Nếu không có điều này, không thể có phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam. Điều này là hoàn toàn cần thiết và các nhà khoa học Việt Nam đã tổng hợp tất cả các kiến thức khoa học và thực tiễn để tư vấn cho Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương về các biện pháp ưu tiên nhằm giảm thiểu rủi ro khí hậu".