Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Để đất nước giàu đẹp, mọi người đều phải chung sức hành động, bắt đầu từ từng cá nhân, từng gia đình, từng nhóm nhỏ, lan tỏa ra cộng đồng
Cuối năm, là tính theo lịch ta, còn lịch tây, năm mới đã gần được một tháng. Sau 40 năm thống nhất, đất nước đã có những bước tiến dài, những đổi thay ngoạn mục không thể chối cãi, dù so với một số bạn bè, vẫn ì ạch đi sau. Ta cố đi nhanh nhưng thiên hạ chạy nên khoảng cách cứ xa dần. Tại sao mình không chạy nhanh hơn để sớm đuổi kịp họ? Câu hỏi ray rứt không dễ trả lời.
Năm qua, VN đón nhận nhiều khen chê của thiên hạ. Tổ chức NEF (Anh) xếp VN là nước hạnh phúc thứ 2 thế giới. Mạng International Living.com (Ireland) xếp VN 1/25 điểm nghỉ hưu tốt nhất. Tạp chí Rough Guides (Anh) xếp VN thuộc top 20 quốc gia đẹp nhất năm châu. HSBC Expat Explore lần 7, xếp VN đứng thứ 3 châu Á về điểm đến lý tưởng của các chuyên gia. Tạp chí Travel and Leisure (Mỹ) xếp VN hạng 6/20 điểm đến tốt nhất thế giới…
Cạnh những cái nhất tốt đó, VN cũng không thiếu cái tệ nhất khi thế giới nhìn vào. Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos xếp VN nằm trong top 10 quốc gia ô nhiễm nhất, chất lượng không khí xếp 123/132 thế giới. Tổ chức Minh Bạch Quốc tế (IT) xếp VN 119/175 quốc gia về sự minh bạch (không tham nhũng). Theo tạp chí Health Brige, thuốc lá ở VN rẻ và dễ mua nhất hành tinh; là thị trường tiêu thụ bia số 1 thế giới theo đầu người. Mạng Business Insider xếp VN cuối bảng về y tế và chất lượng cuộc sống trẻ em…
Qua báo chí, thấy dư luận ít nhiều quan tâm, nhất là các cấp quản lý. Thường khi được khen thì phấn khởi ra mặt, nhưng bị chê là khó chịu. Quan sát cuộc sống, thấy mọi người có vẻ dửng dưng, bằng lòng với cả nghịch cảnh, buông xuôi cho con tạo xoay vần. Tôi may mắn được đi nhiều nước, gặp đủ hạng người; nhưng càng đi nhiều càng lắm tâm tư. Đất nước thanh bình; quá nhiều món ngon, cảnh đẹp; người dân hiền hòa, chịu khó nhưng vì sao trong xã hội vẫn còn nhiều bất cập? “Trăm dâu đổ đầu tằm”, cứ trút trách nhiệm cho nhà nước là xong, còn mình vô can như người ngoài cuộc, thản nhiên đến độ lạnh lùng.
Thử lý giải giùm, hoạt động của 2 ngành thể thao và du lịch. Từ khi hội nhập với ASEAN, thể thao từ hạng 9 lên hạng 2, còn du lịch từ hạng 8 chỉ lên được hạng 6? Cả hai cùng thể chế và chung bộ quản lý nhưng kết quả tiến bộ rất khác nhau.
Thử lý giải giùm, tại sao người Việt thích bóp còi, ưa xả rác, hay chen lấn, chuộng hình thức, khoái khoa trương và sẵn sàng “ăn gian” để hơn nhau từ chuyện nhỏ? Tại sao kinh tế phát triển, các cơ sở thờ tự tôn giáo ngày càng hoành tráng mà đạo đức xã hội ngày mỗi suy đồi? Nghiên cứu lịch sử, đó không phải là truyền thống tổ tiên để lại. Cùng cơ chế quản lý nhưng nhiều vấn nạn xã hội chỉ mới phát sinh sau này. Cũng những con người đủ thói hư tật xấu đó, khi du lịch ra nước ngoài, thường khác hẳn, lịch lãm chẳng thua ai. Nhiều người cho rằng do sợ bị phạt nặng. Cũng chưa hẳn. Theo tôi, một phần là do không thấy ai làm như vậy nên xấu hổ và do sợ bị thiên hạ cười chê thì nhục quốc thể?
Phải chăng, xã hội Việt Nam đang tồn tại tâm lý buông xuôi, bỏ mặc cho cái xấu sinh sôi, từ những việc nhỏ nhặt? Tại sao khi giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam thì khắp nơi hừng hực khí thế bảo vệ tổ quốc, dù trước đó còn những bất đồng? Phải chăng người Việt chỉ yêu nước khi lãnh thổ bị đe dọa, còn thanh bình, chỉ yêu bản thân và lo lợi ích nhóm?
Nhà nước có trách nhiệm nhà nước và công dân có trách nhiệm công dân. Nếu cứ đổ lỗi qua lại thì xã hội sẽ thụt lùi. Mỗi người thử tự vấn lương tâm xem năm qua mình đã làm được những gì có lợi và có hại cho đất nước. Dù rằng hành vi của mình không ai thấy nhưng lương tâm sẽ phân xử đúng sai. Cuộc sống mình phải do chính mình quyết định. Vậy tại sao chưa bắt tay vào cuộc? Cứ mỗi người làm thêm một việc tốt, bớt được một việc xấu thì xã hội chẳng mấy chốc tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên nhà nước phải đi đầu và cá nhân từng lãnh đạo phải tiên phong gương mẫu thực hành luật pháp nghiêm minh. Làm sao cho cái tốt sinh sôi để đẩy lùi cái xấu, phần Người sẽ lấn át phần Con.
Tự vấn lương tâm, tôi thấy mình cũng từng làm những việc chưa tốt. Vì vội vã, có lúc không đủ kiên nhẫn nên đã leo lên lề hoặc vượt đèn đỏ đêm khuya. Theo thói quen, có lúc tiện tay vứt vỏ kẹo vào gốc cây vì không ai thấy. Hoặc lẫn lộn chuyện riêng tư trong công việc. Đôi lúc quá bực tức đã buột miệng chửi thề… Những việc tưởng nhỏ nhặt đó góp lại sẽ thành chuyện lớn. Cái gì cũng vậy, có làm mới có ăn. Muốn thay đổi phải chung sức hành động. Bắt đầu từ từng cá nhân, từng gia đình, từng nhóm nhỏ, lan tỏa ra cộng đồng. Mấy trăn trở cuối năm, xin trải lòng sẻ chia cùng mọi người. Muốn cho bớt cỏ dại thì phải trồng thêm nhiều hoa.